Xe dù, xe hãng chặt chém giá
Đó là lời ca thán của chị Lê Thoa (nhà ở Q.Tân Phú, TP.HCM) khi từ quê trở lại TP.HCM làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa rồi. Chị Thoa kể, gia đình chị xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào rạng sáng ngày 7.2. Đầu tiên, gia đình chị đăng ký cả taxi truyền thống và xe công nghệ nhưng đều không được. Cũng thông cảm vì những ngày trước và sau tết, nhu cầu di chuyển tăng vọt nên chuyện khan hiếm, khó gọi taxi là bình thường.
Cảnh bát nháo khi đón taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất từ sau tết đến nay khiến người dân bức xúc |
NGỌC DƯƠNG |
Thế nhưng, điều đáng nói theo chị Thoa, từ trong sân bay đã có người của taxi dù, xe lậu chèo kéo, đón khách và đặc biệt là hô giá cắt cổ gấp 5 - 7 lần giá taxi ngày thường. Thấy không ổn, nên dù đã 3 giờ sáng, cả nhà chị cũng ráng kéo va li ra đường Trường Sơn bắt taxi công nghệ. Tại đây, tình hình cũng không khá hơn khi “một rừng người mặc áo Grab, Bee giả và xe dù tiếp tục chèo kéo, hô giá, thậm chí trừng mắt đe dọa nếu trả giá. Nhiều tài xế còn suýt đánh nhau vì giành khách”, chị Thoa bức xúc.
Sân bay Tân Sơn Nhất đông nghẹt, hành khách tranh giành taxi để về nhà |
Hành khách chờ đón xe công nghệ tại nhà xe sân bay Tân Sơn Nhất sáng 11.2 |
Ngọc Dương |
Thấy taxi ở gần ngay đó khá nhiều, chị Thoa tiếp tục mở app nhưng không ai nhận cuốc. Đang không biết làm thế nào để về nhà thì đột nhiên có người lại gần hỏi chị có đi xe không. Thấy cảnh taxi dù hét giá, chị Thoa trả lời có xe đón rồi, song người này nói thẳng: “Xe đâu mà có, xe nào vào được đây đón, trước sau gì cũng đi xe ở đây thôi”.
Chồng chị Thoa đành nói địa chỉ tới thì được hét giá 500.000 đồng, xe ôm 200.000 đồng cho quãng đường khoảng 5 km. “Thấy quá đắt, cả nhà mình quyết định đi bộ thêm khoảng 1 km nữa, ra tới gần công viên Hoàng Văn Thụ thì một chú xe ôm già đồng ý chở 3 người lấy 70.000 đồng. Ngay sau đó, có một người nhìn mặt mũi bặm trợn chạy lại hỏi chú xe ôm sao lấy có 70.000 đồng và yêu cầu chia khách ra 2 xe, mỗi xe 100.000 đồng. Chú xe ôm giải thích là do tiện đường về nên chở, sau đó xin xỏ và cộng thêm việc cả nhà nhất quyết không đi thêm xe khác nên một hồi cũng được tha cho đi”, chị Lê Thoa bức xúc.
Những ngày sau tết, nhiều người từ nhà ga sân bay phải ra ngoài khu vực cây xăng trên đường Trường Sơn để bắt taxi |
Đ.S |
Đồng cảnh ngộ, anh Quý An (Q.3, TP.HCM) cho biết do bị hoãn chuyến nên khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc rạng sáng ngày 7.2, anh thấy nhà ga “đông như kiến”. Ra sảnh ngoài đón taxi, anh hãi hùng vì xe dịch vụ, xe dù... chèo kéo trong khi xe công nghệ thì không bắt được. Anh đành xếp hàng chờ taxi truyền thống. Nhưng do xe thì ít mà người quá đông nên ai cũng chen lấn. Nhiều người đã bất chấp xuống lòng đường đập cửa, nhảy lên xe trước rồi “kéo” người thân lên xe, khiến quang cảnh rất lộn xộn... “Đến 2 giờ sáng mà không bắt được xe, nhìn quanh thấy mấy người lớn tuổi bế tắc, tuyệt vọng mà không biết làm thế nào. Còn tôi bắt được một chiếc 4 chỗ cũ xì thì tài xế liền xin thêm 100.000 đồng bên cạnh số tiền hiển thị trên đồng hồ. Dọc đường ra sân bay tôi nhìn thấy cảnh nhiều người dắt díu lội bộ ra tận đường Trường Sơn bắt xe. Ngay cây xăng lối ra, xe công nghệ giả, xe ôm giả tranh giành khách, bát nháo không tả nổi”, anh Quý An than thở.
Khách tăng cao, sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng chuyến |
Lối vào sân bay thành bãi tập kết
Gia đình anh Lê Cường xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 17 giờ 30 ngày 6.2 cũng phải dắt díu cả con nhỏ ra đường Trường Sơn. “Ra đến đó cũng bắt không được taxi vì quãng đường về nhà ngắn, khoảng 4 km, không ai nhận cuốc. Bắt xe công nghệ thì app cứ quay vòng vòng. Phải gần 1 tiếng mới bắt được xe khi tôi thương lượng trả gấp đôi so với giá trên đồng hồ”, anh Cường ngán ngẩm kể.
Theo chị Hạ Di, người Đà Nẵng định cư tại TP.HCM, gần như tết nào cũng về quê rồi vào lại TP, nhưng chưa năm nào chị lâm vào tình cảnh khốn khổ như năm nay. Cả gia đình chị, trong đó có con nhỏ, phải rất vất vả mới có thể đón được xe về nhà sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn với những bác tài nóng như lửa, sẵn sàng quát mắng khách khi bị trả giá cước. “Nếu chỉ phụ nữ đi với em nhỏ hay người lớn tuổi đi một mình thì rất bất an. Nhưng vấn đề mà nhiều hành khách bức xúc hơn cả là việc quản lý, điều hành ở sân bay Tân Sơn Nhất đã thả nổi, nhắm mắt làm ngơ cho cả taxi truyền thống, công nghệ và xe dù làm loạn ở sân bay”, chị Hạ Di bức xúc.
Có mặt tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10.2, theo quan sát của chúng tôi, tình trạng bát nháo tại khu vực đón taxi truyền thống vẫn còn, dù đã giảm so với cách đây mấy hôm. Tuy nhiên, tình trạng chèo kéo khách của các hãng taxi, xe ôm được cấp phép hoạt động tại khu vực nhà xe sân bay vẫn hết sức “nhộn nhịp”, mức giá thì cao hơn rất nhiều so với ngày thường. Sau một hồi xếp hàng, chúng tôi cũng không thể bắt được xe 4 chỗ của Hãng Mai Linh vì nhiều người cứ lao xuống đường giành đón mất. Ghé vào khu vực nhà để xe thì được Hãng Avigo chào mời với giá 200.000 đồng cho một cuốc xe về Q.3 đã bao gồm thuế và các loại phí. Tài xế hãng xe này cho biết, hôm nay (10.2) đã không còn đông đúc như cách đây mấy hôm, nhất là dịp trước và trong tết nên giá đã giảm (dù vẫn tăng gấp đôi so với ngày thường). “Ngày 8.2, tôi chạy một cuốc xe vào Q.1 giá là 350.000 đồng vì xe quá ít, không đủ đáp ứng nhu cầu của khách”, tài xế này nói.
Tại khu vực cây xăng đường Trường Sơn, nhiều ô tô biển số vàng đậu đón khách. Nhiều hành khách ra ngoài bắt xe trong nắng nóng, tạo ra cảnh khá xô bồ ngay lối vào sân bay.
Bát nháo từ khi phân làn?
Thực tế, tình trạng bát nháo trong hoạt động đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất bắt đầu “nở rộ” sau khi cảng này áp dụng phương án phân làn mới hồi cuối năm 2020. Kể từ khi taxi công nghệ bị “đẩy” lên khu vực để ô tô tầng 4 - 5 bên trong nhà xe TCP, phía cầu thang bộ bên ngách của nhà xe bắt đầu xuất hiện nhiều người tự nhận là tài xế xe công nghệ, chèo kéo khách.
Theo ghi nhận của chúng tôi, một số người đàn ông thay phiên nhau đón khách tại khu vực này. Vài người “phục” ngay trước quán cafe Highland, thấy hành khách đi qua là chào mời đi xe công nghệ. Nếu khách đồng ý, những người này sẽ dẫn tới khu vực thang bộ, gọi “đồng đội” phía trên xuống dẫn khách lên tầng 4. “Đón xe Grab đi đằng này chị ơi. Bây giờ quy định phải lên đây đón khách, chị có cần thì em xách va li cho” - “Nhưng tôi chưa đặt xe” - “Không cần đâu chị ơi, em dẫn lên xe luôn. Chị về đâu?” - “Quận 4” - “100.000 đồng nhé, rẻ hơn giá trên app nữa”... Đó là cuộc hội thoại chóng vánh của “cò” xe và một nữ hành khách.
Tình trạng tài xế công nghệ hoạt động chui, thỏa thuận giá trực tiếp với khách hàng trước đây ít xuất hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất vì đặc thù tài xế vào đón khách ngay sát cửa nhà ga, không được dừng, đỗ lâu và chịu sự quản lý rất chặt của an ninh sân bay cũng như thanh tra giao thông.
Tuy nhiên, phương án sắp xếp tài xế công nghệ vào đón khách sâu bên phía nhà xe đã vô tình nới lỏng kiểm soát, tạo cơ hội cho tài xế “chui” ngang nhiên hoạt động. Một số tài xế chính hãng cũng nhanh chóng nghĩ ra cách tiết kiệm 25.000 đồng tiền phí nếu đón khách tại nhà xe bằng cách thỏa thuận, chỉ cho hành khách di chuyển ra đường Trường Sơn để đón xe. Vì thế, hình ảnh từng đoàn người khệ nệ kéo va li từ nhà ga ra khu vực cây xăng trên đường Trường Sơn gây ùn tắc giao thông trên tuyến đường huyết mạch ra vào sân bay cũng khởi nguồn từ đó.
Mặc dù Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sau đó đã bố trí thêm một phần làn C dành cho xe taxi đón khách nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân nhưng cũng không ăn thua. Cứ mỗi giai đoạn cao điểm, khu vực trước cửa sân bay lớn nhất nước lại tái diễn tình trạng lộn xộn, bát nháo hoạt động taxi đón khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là cửa ngõ của TP.HCM mà còn là cửa ngõ của đất nước. Rất nhiều người nước ngoài đến VN du lịch, làm việc sẽ nghĩ thế nào nếu chứng kiến cảnh tượng bát nháo taxi chèo kéo, chặt chém hành khách? Ngành du lịch và hàng không đang nỗ lực để phục hồi sau đại dịch. Vì thế, cơ quan quản lý, nhất là sân bay phải có giải pháp quyết liệt, nhanh chóng, đặc biệt là phân làn khoa học, tiện lợi để giải quyết triệt để việc này, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực chung của rất nhiều ngành khác.
Một chuyên gia du lịch
Bình luận (0)