Bát nháo xe dù, bến cóc

06/06/2019 08:00 GMT+7

Tình trạng xe dù hoạt động tuyến nối các địa phương ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM đang diễn ra rất phức tạp, thậm chí cảnh chèo kéo bắt khách diễn ra cả tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Tranh giành gây chết người

Ghi nhận tại bến xe ô tô khách Châu Đức, H.Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu vào chiều 3.6, chỉ có một ô tô trong bến xe chờ đón khách đi TP.HCM. Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó ban Quản lý (BQL) bến xe này, cho biết bến xe chỉ có 37 ô tô chở khách. Mỗi ngày, bán khoảng 100 vé xe. Nhiều xe xuất bến chỉ có vài khách, trong khi các xe dù thì khách rất đông.
Theo ông Hùng, các nhà xe lợi dụng danh nghĩa chở khách theo hợp đồng, tổ chức chở khách trái quy định ngày càng “phình to”, hoạt động mạnh hơn trước dù Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND H.Châu Đức nhiều lần vận động đưa phương tiện vào bến đăng ký hoạt động.
“Các nhà xe không chấp hành mà ngang nhiên hoạt động theo kiểu xe dù, bến cóc khắp TT.Ngãi Giao và các xã ở H.Châu Đức. Các nhà xe cho xe hoạt động từ 1 đến 21 giờ, chạy khắp huyện lấy khách, sau đó tập trung về nhà riêng tạo thành bến cóc. Họ còn cho xe chạy đến bến xe, đứng ngay cổng, lôi kéo tranh giành khách với xe hoạt động trong bến”, ông Hùng bức xúc.
Theo thống kê chưa đầy đủ của BQL bến xe ô tô khách H.Châu Đức, trên địa bàn huyện có 5 nhà xe với 37 ô tô khách hoạt động chở khách tạo thành xe dù, bến cóc. Cụ thể: nhà xe A Lâm có 10 xe, nhà xe Phước Hiếu 8 xe, nhà xe Tý Tùng 6 xe, cùng có địa chỉ tại TT.Ngãi Giao. Nhà xe Kính Hiếu có 7 xe, tại xã Bình Giã. Nhà xe Diệu Hiền có 7 xe, địa chỉ tại xã Kim Long. Các nhà xe này đều chở khách đi TP.HCM.
Theo báo cáo của BQL bến xe khách H.Châu Đức, khoảng 7 giờ ngày 5.4, xe “dù” A Lâm trong lúc tranh giành khách trước cổng bến xe đã gây tai nạn giao thông khiến một nữ sinh lớp 11 chết tại chỗ. Tối 7.5, nhóm tài xế của nhà xe A Lâm và nhà xe Phương Sa đánh nhau, gây náo loạn tại vòng xoay Ngãi Giao do mâu thuẫn tranh giành khách.
Cụ thể, do mâu thuẫn trong việc giành khách, khi xe A Lâm đi từ TP.HCM về lại H.Châu Đức, anh Nguyễn Minh Triết (38 tuổi, ngụ TT.Ngãi Giao), lái xe khách cho nhà xe A Lâm gọi cho bà P., chủ xe Phương Sa, nói chuyện và hẹn nhau ra vòng xoay TT.Ngãi Giao giải quyết mâu thuẫn. Khoảng 20 giờ 30 cùng ngày, anh Triết cùng 4 người khác (cùng lái xe của nhà xe A Lâm) ra điểm hẹn gặp bà P. thì xảy ra mâu thuẫn. Hơn 10 người của nhà xe Phương Sa cầm hung khí đánh gây thương tích anh Triết. Vụ việc đang được Công an H.Châu Đức điều tra.
Bát nháo xe dù, bến cóc1
Khu vực nhà ga trong nước sân bay Tân Sơn Nhất trông như... bến xe Ảnh: Trác Rin

Phản ánh hoài cũng chán !

Theo TTGT TP.HCM, việc xe khách loại 52 chỗ dừng trả khách ở sân bay chỉ được cho phép nếu đảm bảo điều kiện kinh doanh vận tải hành khách (danh sách hợp đồng; xe du lịch tour phải có hướng dẫn viên du lịch)... Các loại xe đều không được dừng, đỗ quá 3 phút theo quy định. Còn việc xe dừng, nhân viên chèo kéo khách ở sân bay là hoàn toàn không được phép. Trác Rin
Còn tại TP.Vũng Tàu và TP.Bà Rịa tình trạng xe dù, giả nhãn hiệu hoạt động công khai. Lúc 15 giờ 40 ngày 3.6, ghi nhận của PV trước khu Trung tâm thương mại Bà Rịa, có nhiều xe khách giả nhãn hiệu Hoa Mai, Toàn Thắng hoạt động đón khách. Các lái xe giả nhãn hiệu Toàn Thắng nhiều lần còn hành hung, gây thương tích các tài xế Hãng xe Toàn Thắng thật. Vụ việc được nhà xe Toàn Thắng phản ánh nhiều lần đến cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, xe giả nhãn hiệu vẫn hoạt động rầm rộ.
Ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái Sở GTVT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ngao ngán: “Ô tô giả nhãn hiệu nhà xe Toàn Thắng hoạt động rầm rộ, công khai nhiều năm qua. Nhà xe Toàn Thắng đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị cơ quan chức năng yêu cầu xử lý nhưng không được giải quyết đến nơi đến chốn. Đến giờ nhà xe Toàn Thắng hết gửi đơn kiến nghị vì phản ánh hoài cũng chán, xe giả có dẹp được đâu!”.
Ông Trần Thượng Chí, Phó giám đốc Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng việc xử lý xe dù, bến cóc trên địa bàn H.Châu Đức cũng như xe khách giả nhãn hiệu Toàn Thắng, Hoa Mai trong những năm qua không hiệu quả, theo kiểu “bắt cóc bỏ dĩa”.

Sân bay... như bến xe

Quay đầu xe chạy trốn CSGT
Công an H.Châu Đức thì cho rằng việc xử lý vi phạm các xe dù khó khăn vì các nhà xe khi phát hiện lực lượng CSGT thì quay đầu bỏ chạy gây nguy hiểm khi đuổi bắt. Các nhà xe còn tổ chức đón khách bằng mô tô, ô tô du lịch chở ra khỏi địa bàn H.Châu Đức để chuyển lên xe khách đưa đi TP.HCM... Nguyễn Long
Tại TP.HCM, ngoài những điểm nóng với cảnh đưa rước khách ở nhiều bến tự phát ở một số quận trung tâm, thì gần đây khu vực Tân Sơn Nhất cũng “ồn ào” không kém.
Trưa 5.6, PV Thanh Niên có mặt ở khu vực ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), ghi nhận tình trạng ô tô, xe khách dừng đỗ, bắt khách không khác gì bến xe. Khoảng 11 giờ 30 cùng ngày, thấy chúng tôi mang ba lô băng qua đường, một người đàn ông (chừng 40 tuổi) liền chèo kéo: “Về Vũng Tàu không em trai?”. Người này bắt khách cho chiếc xe loại 16 chỗ, BS 29B-411..., chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu đang đậu cách đó vài chục mét. Cửa chiếc xe này luôn trong trạng thái mở toang để rước khách lên. Nhiều hành khách xung quanh đang ngồi chờ.
Khoảng 12 giờ cùng ngày, chiếc xe khách BS 51B-140... dừng, thả khách ngay tại khu vực nhà ga sân bay. Hàng chục hành khách xuống xe chất hành lý thành đống chẳng khác nào bến xe. Ô tô, taxi, xe khách... đậu nối thành hàng dài. Cách đó không xa là khu vực đỗ xe gần nhà ga quốc tế. Tại đây, những chiếc xe 16 chỗ của nhiều nhà xe đang đậu sẵn, và ai đi qua cũng nhận được tiếng chèo kéo hỏi có đi xe về Vũng Tàu hay không.
Tình trạng chèo kéo cũng xảy ra nhằm vào các khách đi tuyến đường ngắn, từ sân bay về nội thành TP.HCM và đã có khách trở thành nạn nhân bị “chặt chém”. Chị Hoàng My (28 tuổi, ngụ Q.6, TP.HCM) cho biết chị từng “sập bẫy” trong một lần đón xe từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà. “Lúc đó mình đi công tác về sân bay, thấy ông tài xế vẫy vẫy nên mình cũng trèo lên xe luôn, vì nghĩ trong sân bay chắc không vấn đề gì. Nào ngờ, ông tài xế bảo kẹt xe và cứ chạy lòng vòng mãi, đi tới nhà tính tiền mình mới hoảng hốt vì hết 450.000 đồng. Trong khi với đoạn đường này lâu nay mình đi chỉ tốn 150.000 đồng”, chị My bức xúc.
Ngày 5.6, trả lời Thanh Niên, ông Lâm Trường Sơn, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông (TTGT) số 8 (Sở GTVT TP.HCM), khẳng định trong những giờ cao điểm, tổ công tác của TTGT đều có mặt trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất để tuần tra, xử lý. Trước phản ánh nhiều phương tiện dừng đỗ, bắt khách mất trật tự, ông Sơn cho biết TTGT sẵn sàng “phối hợp”, ra quân để xử lý ngay.
Theo thống kê của Đội TTGT số 8, trong 5 tháng đầu năm 2019, qua công tác phối hợp liên ngành, cũng như qua công tác thanh tra độc lập, TTGT TP đã phát hiện và xử lý 406 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử phạt hơn 1,2 tỉ đồng. Trong đó tước giấy phép lái xe thời hạn 2 tháng đối với 50 trường hợp; tạm giữ phương tiện 1 trường hợp; tịch thu phù hiệu 3 trường hợp... với những lỗi vi phạm phổ biến như: dừng, đỗ xe sai quy định 94 vụ, với số tiền phạt gần 65 triệu đồng; điều khiển xe vận chuyển hành khách theo hợp đồng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định 25 vụ, với số tiền phạt gần 40 triệu đồng; điều khiển xe chở hành khách không có, không gắn hoặc có gắn phù hiệu (biển hiệu) nhưng đã hết giá trị sử dụng 24 vụ, phạt 96 triệu đồng; không niêm yết số điện thoại của đơn vị kinh doanh vận tải ở mặt ngoài hai bên cánh cửa ô tô chở hành khách 233 vụ, phạt 723 triệu đồng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.