Vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Quảng Trị hôm 10.3 một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những bất ổn trong giao thông đường sắt. Đó là, mỗi khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai đều không được làm rõ, hay như bài toán đường ngang qua đường sắt nhiều năm vẫn chưa có lời giải.
Theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt VN, trong năm 2014 đã xảy ra 388 vụ tai nạn đường sắt, khiến 161 người thiệt mạng và 256 người bị thương. Riêng 9 ngày Tết Ất Mùi xảy ra 10 vụ tai nạn, làm chết 9 người, bị thương 3 người. Như vậy, tai nạn đường sắt không hề nhỏ và thậm chí nó còn ám ảnh hơn nhiều các phương tiện khác, bởi vì đều là “những tai nạn được báo trước”.
Câu hỏi ở đây là, tại sao một vấn đề mà nói như Thứ trưởng Bộ GTVT là “được cảnh báo từ rất lâu” mà không có biện pháp giải quyết? Câu trả lời nếu có, có lẽ nằm ở chiến lược, định hướng đầu tư cho đường sắt chưa đúng. Theo thông lệ quốc tế, trong 5 loại hình giao thông cơ bản đường sắt, đường bộ, đường không, đường biển và đường sông, đường sắt luôn là phương tiện chủ lực, vì tính an toàn, rẻ, chuyên chở được khối lượng lớn, đi được xa… Thông thường, đường sắt phải đảm đương khoảng 50% thị phần vận tải. Song, thực tế hiện nay ở VN, vận tải đường sắt hằng năm chỉ chiếm 7 - 8% về hành khách và 4 - 5% về hàng hóa.
Thực trạng những đoàn tàu nhếch nhác, những tuyến đường sắt chắp vá cho thấy đầu tư cho đường sắt cũng đang chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong đầu tư cho giao thông nói chung. Do vậy, việc đầu tư xử lý các “điểm đen” đường ngang cũng nhỏ giọt, chiếu lệ, cứ bịt được chỗ này lại mọc ra chỗ khác. Cũng theo báo cáo của ngành đường sắt, tính đến hết năm 2014, trên toàn tuyến đường sắt quốc gia có 5.751 điểm giao cắt giữa đường sắt với đường bộ. Trong đó, có 651 điểm có người gác, 310 đường ngang có cảnh báo tự động, 555 đường ngang có biển báo, còn lại có tới 4.268 đường ngang dân sinh - không có thiết bị cảnh báo, đường hẹp, tầm quan sát bị hạn chế, không có chiếu sáng hoặc không đủ ánh sáng lúc đêm tối…
Đã đến lúc, cần một tư duy đầu tư mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng, cũng như an toàn giao thông đường sắt. Cần một quyết tâm từ chính quyền trong việc ngăn chặn, dẹp bỏ các đường ngang trái phép, xây dựng rào chắn an toàn cho tất cả đường ngang hợp pháp, thiết lập hành lang bảo vệ đường sắt, xây dựng hệ thống lan can và tường bảo vệ hành lang tại các đô thị và điểm dân cư tập trung có tàu chạy qua.
Nâng cao chất lượng dịch vụ đường sắt, giảm được số vụ tai nạn sẽ giúp lấy lại niềm tin của hành khách với đường sắt, cũng sẽ góp phần giảm áp lực, đảm bảo an toàn cho các phương tiện giao thông khác nói chung.
Bình luận (0)