Miễn phí cũng không có học viên
“Hai năm trước, chúng tôi được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cấp giấy phép dạy nghề GVN. Chúng tôi đã chuẩn bị mọi điều kiện giảng dạy nhưng không thể chiêu sinh được. Từ đó đến nay, chúng tôi chỉ mở được một khóa đầu tiên và duy nhất dành cho… nhân viên, tạp vụ trong trường” - ông Hà Kim Vọng, hiệu trưởng trường Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt, nói.
Bà Lê Thị Ngọc Uyên - Phó tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Trường Sơn cho biết: Trước nay, Trung tâm dạy nghề và dịch vụ việc làm Trường Sơn đã tổ chức 2 khóa đào tạo dành cho những người chăm sóc người già, người bệnh, trong khi đó khóa học dành cho người GVN ấp ủ lâu nay vẫn chưa thực hiện được. Bà Uyên cắt nghĩa: “Phần lớn chủ nhà trả mức lương từ 2,5 triệu đồng/tháng trở xuống cho người giúp việc gia đình, bao ăn ở. Vì vậy, số lao động chấp nhận mức thu nhập này trở thành khan hiếm, hễ có người nào là chủ nhà bốc ngay, không có thời gian và điều kiện để đào tạo. Còn số có mức lương từ 3 triệu đồng trở lên rất ít và cũng không ai quan tâm học kỹ năng này nọ”.
|
Gần đây, trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng thuộc Hội LHPN VN có mở khóa đào tạo sơ cấp nghề Dịch vụ chăm sóc gia đình. Mặc dù học phí ở mức tương đối (230 ngàn đồng/tháng, ngoài ra có miễn giảm cho học viên diện chính sách) nhưng số người đăng ký tham gia cũng chỉ lác đác.
Giúp việc gia đình được đóng và hưởng bảo hiểm xã hội Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB-XH đã bổ sung một số điểm về những người làm nghề giúp việc gia đình vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo đó, những người này sẽ có hợp đồng lao động và cũng được đóng - hưởng chế độ bảo hiểm xã hội. Nhưng, liệu với thực tế tuyển dụng - hành nghề kiểu ăn xổi ở thì, không cần qua đào tạo như trên thì bao giờ GVN mới thực sự trở thành một nghề chính thống? |
Thua trên sân nhà
Chiều 15.9, trong vai cần tìm người GVN ở lại cùng gia đình, chúng tôi tìm đến Trung tâm giới thiệu việc làm Phụ nữ TP.HCM. Tuy nhiên, cô nhân viên cho biết trung tâm chỉ có thể cung ứng GVN theo giờ. Đây là những chị em được Hội phụ nữ các quận, huyện giới thiệu.
Về vấn đề này, Phó giám đốc nói trên, bà Hồ Thị Lang giải thích: “Bây giờ người ta giả dạng ô-sin làm những chuyện bậy bạ rất nhiều. Thành ra, dẫu biết một nghịch lý là có những người muốn làm ô-sin và nhiều gia đình đang cần người, song chúng tôi cũng không dám giới thiệu. Điều kiện trung tâm mới thành lập, chưa đủ con người để xuống tận địa phương xác minh gốc gác người ta. Nếu xảy ra chuyện gì và họ bỏ trốn, một cơ quan nhà nước như chúng tôi không thể phủi tay phó mặc trách nhiệm cho chủ nhà được”.
Một số trung tâm khác như Trung tâm hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên (thuộc Thành Đoàn TP.HCM) hoàn toàn không giới thiệu lao động GVN, kể cả giúp việc theo giờ.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận xét: “Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra chịu trách nhiệm tuyển chọn người GVN. Do đó, dịch vụ giới thiệu hầu hết rơi vào những trung tâm bát nháo cùng vô số nhóm nhỏ tự phát”. Theo dự báo của trung tâm này, GVN là một nghề đang và sẽ phát triển rất mạnh. Xu hướng chọn thuê GVN theo giờ sẽ tăng cao, còn nhu cầu về GVN thường xuyên cũng không dưới 8 - 10 ngàn người/năm. “Do không được đào tạo nên lao động giúp việc gia đình của ta đang thua ngay trên sân nhà. Hiện đã có nhiều ô-sin là người Philippines, Lào, Campuchia, Trung Quốc… sang phục vụ cho những người nước ngoài đang làm việc tại VN” - ông Tuấn nói.
Ông Hà Kim Vọng cho biết: Theo dự định, sau khi đào tạo khóa học căn bản về GVN, trường này tiếp tục mở lớp nâng cao, đào tạo tiếng Anh (khoảng 3 tháng) đối với những học viên có nhu cầu làm việc cho người nước ngoài. “Thị trường này đang bị bỏ ngỏ và bị người lao động nước ngoài chiếm lấy, rất uổng! Tôi được biết, thu nhập từ nghề GVN cho người nước ngoài và cho những gia đình khá giả ở khu Phú Mỹ Hưng khoảng 9-10 triệu đồng/tháng” - ông Vọng tiếc rẻ. Ông nói thêm: “Người Philippines nổi tiếng trên thế giới về lao động GVN. Không phải họ làm giỏi, siêng năng hơn phụ nữ chúng ta. Cái chính là họ nắm những kỹ năng làm việc và biết tiếng Anh”.
Theo một số chuyên gia về thị trường lao động, giúp việc gia đình ở nước ta trước nay bị coi như là nghề phụ. Nhiều người làm công việc này thường mặc cảm về thân phận. Trong khi đó, vẫn còn những gia đình đối xử người GVN không khác gì “con ở”. Đặc biệt, việc tuyển ô-sin hiện rất lỏng lẻo, dễ dãi, đầy tính ngẫu hứng…
Ý kiến Sao không mở lớp học lưu động? “Làm nghề GVN đa phần là người từ những vùng quê. Họ vốn nghèo, không có điều kiện học hành, không rành đường sá mà bắt họ phải tập trung về một điểm để đào tạo thì… thất bại là đúng rồi! Tại sao không phối hợp tổ chức những lớp học lưu động ngắn ngày, về tận nơi địa phương người ta cư trú để dạy?”. Ông Trần Anh Tuấn Không thể đếm được! “8 năm qua, tôi không thể đếm được chính xác đã thuê bao nhiêu ô-sin. Nếu ước tính sơ sơ phải trên 30 người rồi. Hiện trong máy di động của tôi lưu hơn 10 số điện thoại của những người chuyên về dịch vụ môi giới ô-sin. Đa số những người này không có địa điểm làm việc, chủ yếu chỉ giao dịch qua điện thoại. Mỗi lần giới thiệu, họ thu phí chúng tôi 400 ngàn đồng/người giúp việc. Đã có nhiều cơ sở móc nối với người làm để “bẫy” chủ nhà. Trong đó, chiêu phổ biến là chờ qua hết thời hạn thử việc là người làm tìm cách rút lui, để nơi giới thiệu không phải hoàn phí cho chủ nhà”. Bà Nguyễn Kiều Ngọc (Q.3, TP.HCM.) Kiểm tra nhân thân là trách nhiệm của chủ nhà “Trong số 10 cơ sở đã được Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cấp giấy phép dạy nghề GVN, các học viên chủ yếu được đào tạo về nghiệp vụ, kỹ năng căn bản để chăm sóc gia đình, sử dụng các phương tiện phục vụ sinh hoạt và cũng được khuyên răn về tính trung thực. Tuy nhiên, trung thực thuộc về nhân cách, không thể chuyển hóa chỉ trong vài tháng đào tạo. Chính vì vậy, việc kiểm tra nhân thân của người GVN hoàn toàn không thuộc về nơi đào tạo mà là trách nhiệm của chủ nhà. Họ phải tuân thủ pháp luật, đăng ký tạm trú tạm vắng cho người GVN để ngăn ngừa những ý đồ xấu cũng như có đầu mối để tìm hiểu nếu có chuyện gì xảy ra”. Ông Nguyễn Thành Hiệp Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM Như Lịch (ghi) |
Học ở đâu và học những gì? Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng (đường 9, P.Phước Bình, Q.9, TP.HCM) thường xuyên chiêu sinh khóa đào tạo sơ cấp nghề “Dịch vụ chăm sóc gia đình” dành cho nam, nữ tuổi từ 14 trở lên. Với thời gian từ 3 - 6 tháng, học viên được trang bị những kiến thức nghề và kỹ năng nghề phong phú, trong đó có cả kỹ năng “tiếp khách đến nhà và xử lý các cuộc điện thoại”. Trường Trung cấp nghề du lịch Khôi Việt (số 553/73 Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận) vẫn đang chiêu sinh lớp nhân viên giúp việc nhà. Lớp học sẽ diễn ra từ 2 - 5 tuần. Ngoài những kiến thức căn bản, học viên còn nắm về quyền và nghĩa vụ của người GVN; các biện pháp an ninh, an toàn PCCC và sơ cấp cứu; sắp xếp thời gian biểu một ngày; những điều nên và không nên làm… Trung tâm giới thiệu việc làm Phụ nữ thuộc Hội LHPN TP.HCM (số 71 Võ Thị Sáu, P.6) có khóa đào tạo Kỹ năng dịch vụ gia đình miễn phí cho phụ nữ thường trú tại TP.HCM. Chương trình gói gọn trong 6 ngày gồm: Đạo đức nghề nghiệp, xử lý những mối quan hệ tế nhị với chủ, cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị bệnh, hướng dẫn sử dụng thiết bị gia đình… |
Như Lịch
Bình luận (0)