Một phiên bản tên lửa Trường Chinh |
afp |
Trong vụ thử diễn ra ngày 27.7, tên lửa Trường Chinh 2C khai hỏa từ bãi phóng trên lãnh thổ Trung Quốc. Khi đến độ cao đã định, tên lửa phóng tàu lượn bội siêu thanh (HGV). Không giống như những dòng tên lửa liên lục địa (ICBM) mang theo đầu đạn hạt nhân và rốc két không gian, HGV chỉ duy trì một thời gian ngắn trên quỹ đạo trái đất, trước khi quay xuống và trượt vào khí quyển với tốc độ hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh (hơn 6.100 km/giờ).
Vật thể thứ hai bí ẩn
Theo một phát hiện mới, tờ Financial Times cho rằng HGV trong vụ thử ngày 27.7 đã phóng một vật thể chưa xác định bên trên Biển Đông. Vật thể này đã bắn hụt mục tiêu và rơi xuống lãnh thổ Trung Quốc. Khoảng cách giữa vị trí vật thể đâm xuống và mục tiêu là trên dưới 38 km.
Trong khi chẳng có ai thắc mắc gì về HGV, giới chức Mỹ đến nay vẫn chưa rõ vật thể phóng ra từ HGV là gì, nhằm mục đích như thế nào?
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ giả thuyết của phương Tây cho rằng nước này đang thử tên lửa, mà thay vào đó là tàu không gian.
Tên lửa bội siêu thanh của Trung Quốc làm bất ngờ tình báo Mỹ? |
Tuy nhiên, các phân tích của giới quan sát cho thấy những đặc điểm của chuyến bay có nhiều điểm tương đồng với vụ thử một dạng vũ khí gọi là Hệ thống Bắn phá Quỹ đạo Phân đoạn (FOBS). Đây là dòng vũ khí đi vào quỹ đạo thấp của trái đất và chỉ duy trì một thời gian ngắn ở khu vực này. Thông thường, lý tưởng nhất là FOBS được phóng bên trên Nam Cực thay vì Bắc Cực, nếu muốn thoát khỏi tầm quan sát của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Vậy thì vật thể trên là gì và tại sao Trung Quốc lại thử nghiệm nó? Theo Financial Times, các quan chức Mỹ cho rằng nó có thể là một tên lửa không đối không hoặc một dạng đánh lạc hướng các hệ thống phòng không đối thủ trong lúc vũ khí bội siêu thanh đang tiếp cận mục tiêu.
“Nó có thể là tên lửa mồi, nhằm đánh lạc hướng tên lửa đánh chặn của hệ thống phòng không đối địch”, theo chuyên gia Joshua Pollack của Tạp chí Nonproliferation Review. “Thậm chí nó có thể được thiết kế để bắn hạ tên lửa đánh chặn, dù khả năng này, theo tôi, rất ít ỏi”, ông cho biết.
Vũ khí đối phó BMD?
Trung Quốc lâu nay vẫn tỏ ra vô cùng quan ngại về mạng lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ (BMD). Một hệ thống BMD đủ sức bắn hạ nhiều tên lửa đang lao đến, cho phép Mỹ có thể chặn đứng hiệu quả răn đe hạt nhân với quy mô tương đối nhỏ của Trung Quốc.
Cả Trung Quốc và Nga đều đang phát triển các dòng vũ khí mới với năng lực “né tránh” BMD, như bay vòng, hoặc bay bên dưới tầm tấn công của hệ thống này. Hoặc tốt nhất là tránh nó hoàn toàn.
Chuyên gia Pollack nhận định rằng việc tránh thoát BMD là một trong những lời giải thích hợp lý nhất cho vụ thử vũ khí bội siêu thanh hồi tháng 7 của Trung Quốc. “Kịch bản nhiều khả năng nhất chính là Bắc Kinh thử nghiệm tên lửa đối phó radar”, ông Pollack phân tích.
"Theo đó, tên lửa này chịu trách nhiệm xử lý radar theo dõi HGV ở giai đoạn cuối. Về mặt lý thuyết, vô hiệu hóa được radar cũng có nghĩa là bạn vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ của đối phương”, theo chuyên gia Mỹ.
Bình luận (0)