Lá bài chiến lược của Mỹ tại Balkan, Địa Trung Hải và Biển Đen

24/11/2021 18:00 GMT+7

Hy Lạp và Mỹ đang tăng cường quan hệ đồng minh, trong nỗ lực đáp ứng tình hình đang leo thang tại khu vực Balkan, Địa Trung Hải và cả Biển Đen.

Lực lượng đặc nhiệm Hy Lạp-Mỹ diễn tập chung tháng 1.2021

bộ quốc phòng mỹ

Tháng 10, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Hy Lạp Nikos Dendias nhất trí cập nhật và làm sâu sắc hơn Thỏa thuận Hợp tác và Phòng thủ song phương (MDCA). Đây là động thái vô cùng kịp thời của hai nước trước những diễn biến căng thẳng tại khu vực.

Việc nâng cấp MDCA làm nổi bật vai trò địa chính trị quan trọng của Hy Lạp tại vùng Balkan, phía Đông Địa Trung Hải và thậm chí cả Biển Đen, trang Business Insider dẫn lời chuyên gia Andrew Novo của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), trụ sở tại Washington D.C (Mỹ).

Chiến hạm mang tên lửa dẫn đường của Mỹ đến Biển Đen

Mọi nẻo đường đều dẫn đến Alexandroupoli

Theo MDCA, các cuộc diễn tập quân sự giữa Hy Lạp và Mỹ sẽ gia tăng về mặt quân số và thời lượng, thúc đẩy năng lực tương tác giữa hai đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực đang căng thẳng của châu Âu.

Một trong những nội dung diễn tập song phương đầu tiên theo MDCA mới là Hợp tác Olympic 21, theo đó Lục quân và Hải quân Mỹ sát cánh với các lực lượng của Hy Lạp. Tàu chỉ huy của Hạm đội Sáu là USS Whitney cũng tham gia.

Thỏa thuận cũng cho phép Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Hy Lạp, đồng thời mở rộng và cải thiện các cơ sở quân sự hiện có, theo Reuters. Trong số này có tổ hợp căn cứ ở thành phố cảng Alexandroupoli trên rìa bắc của Biển Aegea.

Xe tăng M1A2 của Mỹ đến Alexandroupoli ngày 20.7.2021

lục quân Mỹ

Alexandroupoli gần biên giới của Hy Lạp với Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, liên kết các cảng Biển Đen bằng đường bộ và đường sắt. Tầm quan trọng của thành phố đang được nâng lên gần đây trong bối cảnh an ninh năng lượng của khu vực.

Việc phát triển cảng và những cơ sở quân sự ở Alexandroupoli cho phép Mỹ nhanh chóng triển khai lực lượng đến các bờ tây nam và phía tây của Biển Đen. Việc tăng cường năng lực tiếp cận ở khu vực này đồng nghĩa cho phép NATO nâng cao khả năng đối phó Nga ở Biển Đen và vùng Balkan.

Tháng 10, Mỹ triển khai chiến dịch tháo dỡ hậu cần ở Alexandroupoli, lớn nhất từ trước đến nay tại Hy Lạp. Thành phố cảnh cũng cho phép Lục quân Mỹ dẫn đầu cuộc tập trận đa quốc gia mang tên Phòng thủ châu Âu 2021 vào tháng 3 và Mỹ luân chuyển quân lẫn khí tài vào tháng 7 theo khuôn khổ chiến dịch Giải pháp Đại Tây Dương.

Xem chiến đấu cơ Nga bay chặn máy bay trinh sát Mỹ trên Biển Đen

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ quan ngại

Sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ tại Hy Lạp đã khiến Nga lên tiếng quan ngại. Trong chuyến công du Hy Lạp cuối tháng 10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nêu lên vấn đề này với người đồng cấp chủ nhà. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Dendias đảm bảo rằng sự hiện diện gia tăng của quân đội Mỹ không nhằm vào Nga, theo Hãng tin AP.

Trực thăng UH-60 Black Hawk được chuyển đến Hy Lạp vào tháng 11.2021

lục quân mỹ

Lời đảm bảo trên tất nhiên không trấn an được Nga, nhưng chính quyền Moscow không phải là bên duy nhất lên tiếng về MDCA. Tháng 11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra không hài lòng trước diễn biến tại Alexandroupoli.

Chia sẻ với báo giới, ông Erdogan cho hay đã nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng việc Lầu Năm Góc “thiết lập căn cứ tại Hy Lạp làm phiền lòng chính phủ và người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa đều là đồng minh NATO, nhưng hai nước trải qua nhiều cuộc chiến trong lịch sử. Suýt nữa xung đột đã thổi bùng giữa hai nước vào tháng 8.2020.

Quan hệ giữa chính quyền Athens và Ankara có nhiều tranh cãi, liên quan đến việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát miền bắc Síp, cũng như tranh cấp liên quan đến các vùng phân định trên biển.

Bản cập nhật MDCA có thời hạn 5 năm và mặc nhiên tiếp diễn cho đến khi một trong hai nước chọn chấm dứt quan hệ hợp tác. Hơn thế, Hy Lạp và Mỹ có thể quyết định mở rộng phạm vi hợp tác quân sự trong tương lai.

Thỏa thuận mới cho thấy Hy Lạp có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ tại khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng vẫn gia tăng tại khu vực này của châu Âu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.