Lầu Năm Góc tăng cường phòng thủ vệ tinh trước mối đe dọa từ Nga-Trung

21/11/2021 19:00 GMT+7

Sự kiện Nga ngày 15.11 phóng tên lửa phá hủy vệ tinh từ thời Liên Xô buộc Mỹ phải đưa nỗ lực bảo vệ tài sản trên quỹ đạo vào nghị trình cấp bách, theo giới lãnh đạo Không quân Mỹ.

Nga thử nghiệm hệ thống ASAT Nudol vào năm 2018

bộ quốc phòng nga

Bộ Quốc phòng Nga vừa thử nghiệm vũ khí diệt vệ tinh (ASAT), phá hủy một trong các vệ tinh không còn sử dụng của nước này. Trong khi các nước khác, bao gồm Nga, từng thử ASAT trước đó, sự kiện hôm 15.11 có những điểm bất thường, theo Space.com dẫn lời giới quan sát.

Vụ thử bước ngoặt của Nga

Trong cuộc chạy đua quân sự hóa không gian, Trung Quốc mở màn với vụ phóng tên lửa ASAT phá hủy vệ tinh thời tiết năm 2007. Năm sau, đến lượt Mỹ bắn hạ vệ tinh tình báo bằng tên lửa khai hỏa từ khu trục hạm. Năm 2019, đến lượt Ấn Độ tuyên bố xử lý thành công mục tiêu ở độ cao 300 km. Năm 2020, Nga lần lượt khai hỏa tên lửa ASAT và thử nghiệm một công nghệ khác cũng liên quan đến năng lực này.

Mỹ lên án vụ thử tên lửa diệt vệ tinh của Nga

Tuy nhiên, giới quan sát phát hiện điều khác biệt trong vụ thử mới nhất của Nga. Đây là lần đầu tiên Nga chính thức tiêu diệt vệ tinh bằng hệ thống ASAT hiện có là Nudol, theo chuyên gia Jonathan McDowell của Trung tâm Vật lý Thiên thể Harvard-Smithsonian ở Cambridge (bang Massachusetts, Mỹ).

Trong những đợt thử trước, Nga nhiều khả năng nhắm bắn một mục tiêu ảo trên quỹ đạo, "theo đó nhắm bắn một điểm cố định trong không gian, hình dung đó là một mục tiêu vệ tinh”, chuyên gia McDowell cho biết. Lần này, Nga đã sử dụng hệ thống Nudol xử lý vệ tinh chết, tức phá hủy thành công mục tiêu cụ thể.

Vị trí của vệ tinh mục tiêu thấp hơn độ cao trong vụ thử của Trung Quốc, nhưng cao hơn vụ thử của Ấn Độ và Mỹ.

Nghị trình cấp bách

Vụ thử ASAT của Nga mới đây và việc Trung Quốc thành công phóng tên lửa bội siêu thanh vào không gian hồi tháng 7 đang gây áp lực buộc Lầu Năm Góc nhanh chóng phát triển các biện pháp đối phó, theo báo The Hill dẫn lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 17.11.

“Chúng tôi quan ngại về tình trạng vũ khí hóa trên không gian. Chúng tôi đang tăng tốc hết mức có thể để kiện toàn năng lực phòng thủ trước các mối đe dọa (trên quỹ đạo)”, ông Austin cho biết.

Oanh tạc cơ chiến lược Nga - Trung Quốc tuần tra chung tại châu Á - Thái Bình Dương

Trung tướng Nina M. Armagno, tham mưu trưởng Lực lượng Không gian Mỹ, cho hay qua vụ thử, Nga đã chứng tỏ với thế giới rằng nước này đang sở hữu vũ khí ASAT. “Nếu họ có thể phá hủy một vệ tinh của chính mình, họ có thể phá hủy vệ tinh của Mỹ. Và không chỉ là Nga mà cả Trung Quốc”, trang Defense One dẫn lời tướng Armagno nhấn mạnh.

Đối với Lực lượng Không gian Mỹ, điều này có nghĩa là phải tìm cách che chắn các tài sản thiết yếu trên không gian, tránh thoát tầm mắt của các thế lực khác. Tướng Armagno đề cập một số biện pháp cần phải được thực thi trong thời gian tới, bao gồm đưa vào vị trí những công cụ cảnh báo tên lửa, bổ sung các vệ tinh nhỏ, dàn trải vệ tinh theo từng lớp…

Bà cho rằng với những biện pháp trên, Nga hoặc thế lực không gian khác sẽ gặp khó khăn hơn khi muốn định vị và tấn công vệ tinh của Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.