Tham vọng bay chiến đấu cơ lên 'rìa không gian' bắn hạ vệ tinh

26/02/2021 09:45 GMT+7

Lực lượng không gian của Anh đặt mục tiêu phát triển năng lực triển khai chiến đấu cơ Typhoon tới “rìa không gian” để tiêu diệt vệ tinh của đối phương nếu xung đột bùng nổ.

Truyền thông Anh đưa tin Bộ Tư lệnh Không gian Anh đã bắt đầu chọn lọc các phi công để tham gia nhiệm vụ huấn luyện với mục đích cuối cùng là hạ gục vệ tinh liên lạc, tình báo và quân sự của Trung Quốc và Nga nếu xung đột bùng nổ.
Trước mắt, nhóm phi công sẽ phải trải qua đợt huấn luyện mô phỏng trên máy tính trước khi thực hiện chuyến bay huấn luyện thực sự đến “rìa không gian”, tức phải đạt độ cao khoảng 60.000 feet (18.288 km) so với mặt đất, tờ Sunday Express dẫn lời các nguồn tin của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) tiết lộ.
Nếu xung đột bùng nổ, các phi công Anh có thể lái chiến đấu cơ Typhoon tới “rìa không gian”, từ độ cao đó có thể phóng tên lửa diệt vệ tinh (ASAT) nhắm vào vệ tinh của đối phương rồi nhanh chóng quay trở lại độ cao thấp hơn.
Các nguồn tin của RAF cho Sunday Express biết Anh không sở hữu tên lửa diệt vệ tinh nhưng Mỹ thì có tên lửa diệt vệ tinh SM-3, có thể được gắn dưới cánh của chiến đấu cơ Typhoon.
Chuyên gia Justin Bronk tại tổ chức nghiên cứu RUSI (Anh) đánh giá: “Lợi ích của việc trang bị tên lửa ASAT trên tàu chiến hoặc máy bay quân sự là có thể bắn tên lửa từ bất cứ nơi nào. Chiến đấu cơ Typhoon có thể dễ dàng đạt độ cao đến rìa không gian”.

Tên lửa SM-3 đang được phóng từ một chiến hạm Mỹ trong một cuộc tập trận

Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, nếu Anh mua tên lửa SM-3 từ Mỹ thì cần phải giải quyết vấn đề phân bổ trọng lượng vì tên lửa phải được lắp dưới cánh của Typhoon.
“Đó không phải là một vấn đề nan giải nhưng chắc chắn cần phải có những đợt huấn luyện mô phỏng trên máy tính với Typhoon bay lên đến 40.000 feet trước khi lên đến 60.000 feet để đánh giá vấn đề bất đối xứng khi chiến đấu cơ mang theo tên lửa SM-3”, ông Bronk lưu ý.
Trước đó, Bộ Tư lệnh Không gian Anh nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực không gian đối với an ninh quốc gia, đồng thời cảnh báo về mối đe dọa đối với vệ tinh cũng như khả năng định vị và liên lạc GPS của quân đội nước này.
Chẳn hạn, Nga và Trung Quốc đang phát triển vũ khí diệt vệ tinh, bao gồm cả tên lửa ASAT và một số vũ khí đã được triển khai. Bên cạnh đó, Nga có khả năng sử dụng vệ tinh để do thám phục vụ mục đích thương mại lẫn quân sự.
Hồi năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ xác nhận Trung Quốc sở hữu tên lửa có thể bắn trúng các vệ tinh đang di chuyển trên “quỹ đạo thấp của Trái đất”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.