Thiết bị phóng New Shepard của Blue Origin |
Blue Origin |
Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL) từ giữa năm 2021 đã xếp nỗ lực “Vận tải toàn cầu bằng tên lửa” vào nhóm các chương trình Vanguard.
Đây là những chương trình triển khai các dự án sử dụng những công nghệ và khoa học tiên tiến nhất hiện có, nhằm đạt được năng lực đi trước thời đại trong lĩnh vực quân sự.
Vì thế, động thái trên cho thấy tầm quan trọng chiến lược của chương trình “Vận tải toàn cầu bằng tên lửa” đối với tương lai của quân đội Mỹ.
Cột trụ của ưu thế quân sự
“Tốc độ vận chuyển hậu cần đóng vai trò trung tâm của ưu thế quân sự”, theo Tạp chí National Defense dẫn mô tả của AFRL về chương trình. Mục tiêu là phối hợp với các đối tác thương mại vận chuyển tối đa 100 tấn hàng hóa hậu cần và thiết bị “đến bất kỳ nơi nào trên trái đất theo các mốc thời gian chiến thuật”, thiếu tướng Heather Pringle, tư lệnh AFRL, chia sẻ với báo giới.
Lầu Năm Góc muốn đạt được năng lực này thông qua các đối tác cung cấp dịch vụ, thay vì tự phát triển tên lửa vận tải riêng. Thiếu tướng Pringle khẳng định sẽ nhanh chóng đưa vào sử dụng các chương trình vận tải bằng tên lửa một khi đã hoàn tất nghiên cứu và thử nghiệm.
AFRL dự kiến sẽ rót ngân sách tài trợ cho một số nhà thầu tiềm năng, có thể cung cấp dịch vụ phóng tên lửa, bốc dỡ hàng hóa, hoạt động trong những điều kiện môi trường khác nhau.
Các yêu cầu cung cấp dịch vụ bao gồm thể hiện năng lực xác lập những đường bay mới, thử nghiệm khoang chứa tách ra từ tên lửa và làm sao để khoang chứa đáp xuống những địa điểm gần khu vực chiến đấu.
Space X và Blue Origin
Không quân Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu khái niệm trên từ năm 2020 và tham vấn công ty SpaceX do tỉ phú Elon Musk sáng lập về những chi tiết liên quan. Điều này do SpaceX đang đạt được tiến triển khả quan trong nỗ lực phát triển tàu du hành Starship, phi thuyền dự kiến sẽ đưa các nhà du hành Mỹ quay lại mặt trăng trong vài năm tới.
Tàu Starship của SpaceX |
spaceX |
Tàu Starship được thiết kế để vận chuyển hơn 100 tấn trong các sứ mệnh không gian. Tỉ phú Musk đang lên kế hoạch phóng thử phi thuyền vào quỹ đạo trái đất từ đầu năm sau. Dù khái niệm vận hành của Starship không hoàn toàn tương đồng với hình dung của Không quân Mỹ, AFRL dự kiến sẽ tiến hành điều chỉnh ở khoang chứa, biến nó thành bộ phận có thể tách rời và thả từ độ cao đã định.
Bên cạnh đó, New Shepard của hãng Blue Origin do tỉ phú Jeff Bezos sáng lập cũng là ứng viên tiềm năng cho chương trình trên. Vào ngày 20.7, tàu rốc két New Shepard chở theo 4 hành khách đã rời khỏi bãi phóng Launch Site One, cách thị trấn Van Horn của vùng nông thôn Texas khoảng 32 km.
New Shepard là tàu rốc két kết hợp khoang hành khách, có chiều dài 18,3 m và không cần phi công điều khiển. Cuộc hành trình khi ấy chưa đầy 11 phút, nhưng đã mở ra kỷ nguyên du lịch không gian và đạt đến độ cao hơn 100 km tính từ mặt đất.
Sau đây là kịch bản hoạt động: Không quân Mỹ duy trì đội ngũ tên lửa vận tải ở chế độ chờ. Một khi nhận được mệnh lệnh, các tên lửa sẽ được khai hỏa từ những căn cứ không gian, như căn cứ không quân Vandenberg trên Bờ Tây Mỹ, Trung tâm Không gian Kennedy trên Bờ Đông Mỹ.
Các tên lửa sẽ đi vào quỹ đạo thấp của trái đất. Đến khu vực thả hàng, khoang vận tải sẽ tách khỏi tên lửa và hạ xuống địa điểm cụ thể, dỡ hàng và sẵn sàng tham chiến.
Vẫn chưa rõ thời điểm Không quân Mỹ có thể thực sự triển khai năng lực này, nhưng chắc chắn điều đó phụ thuộc phần lớn vào tiến độ của các đối tác thương mại.
Bình luận (0)