Trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có chiều hướng lan rộng, nhiều lực lượng phải căng mình chống dịch thì vẫn còn không ít trường hợp tìm cách né, trốn cách ly, cố tình vi phạm quy định giãn cách xã hội... dẫn đến nguy cơ phá hỏng mọi nỗ lực phòng chống dịch của xã hội.
Liên tục phát hiện tụ tập đánh bạc
Ngày 9.8, Công an tỉnh Quảng Trị tiếp tục hoàn tất hồ sơ khởi tố 9 người tham gia đánh bạc ngay trong những ngày cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Rạng sáng 7.8, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Quảng Trị ập vào nhà ông Trần Quang (xã Tân Hợp, H.Hướng Hóa), bắt quả tang 9 người đang đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa, thu giữ gần 40 triệu đồng cùng nhiều xe, điện thoại.
Tại Quảng Nam, chiều tối 8.8, Công an TX.Điện Bàn phát hiện 24 con bạc, trong đó có 14 nữ, tụ tập đánh bạc bằng hình thức xóc đĩa ven bãi sông thuộc xã Điện Phương, thu giữ tang vật hơn 6 triệu đồng, 2 ô tô, 8 xe máy... Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã phối hợp ngành y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 với những người bị tạm giữ.
Còn tại Đà Nẵng, Công an Q.Sơn Trà đang thụ lý hồ sơ để xử lý 10 người tụ tập đánh bạc ăn tiền tại đường Lê Đức Thọ (Q.Sơn Trà), cùng tang vật hơn 46 triệu đồng, bị phát hiện vào chiều 7.8...
Không chỉ tụ tập đánh bạc, trong thời gian giãn cách xã hội phòng chống dịch, tại Đà Nẵng tái xuất tình trạng tụ tập đua xe, gây hấn... Đêm 8.8, Trung tâm chỉ huy Công an TP.Đà Nẵng nhận thông tin có nhóm “quái xế” phóng trên đường biển Nguyễn Tất Thành từ Q.Liên Chiểu về trung tâm TP.Đà Nẵng nên tổ chức vây bắt được 5 “quái xế”, sau đó tiếp tục truy xét thêm 10 “quái xế”. Rạng sáng 9.8, lực lượng chức năng lại vào cuộc truy đuổi nhóm thanh thiếu niên mang hung khí đi chém người, bắt được 1 thiếu niên 16 tuổi với tang vật 2 cây đao, 1 kiếm Nhật, 1 bình xịt hơi cay.
Có dấu hiệu cố ý vi phạm
Những ngày đầu tháng 8.2020, lực lượng chức năng Đà Nẵng còn phát hiện nhiều cơ sở dịch vụ trên địa bàn hoạt động “chui”, bất chấp lệnh giãn cách xã hội. Điển hình là tiệm internet Cyber Gaming (đường Ngô Văn Sở) đã bị bắt quả tang khi đang cho 11 game thủ chơi (đa phần là học sinh, sinh viên), có người còn mang áo quần đến ở lại tiệm để chơi game qua mùa dịch; karaoke Thảo Vân (đường Ninh Tốn, cùng thuộc Q.Liên Chiểu) tổ chức cho 14 khách mở tiệc ma túy...
|
Đại tá Trần Đình Chung, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, cho hay gần đây một bộ phận người dân ở Đà Nẵng bắt đầu có biểu hiện lơ là, ra đường nhiều hơn, chưa chấp hành nghiêm túc chỉ thị giãn cách xã hội và các quy định của TP. Một số trường hợp còn xây dựng công trình bất chấp yêu cầu tạm dừng của TP. Chỉ trong 2 ngày vừa qua, các đơn vị Công an TP.Đà Nẵng đã phạt 47 trường hợp vi phạm giãn cách xã hội với số tiền gần 90 triệu đồng, trong đó có 8 cơ sở kinh doanh hoạt động chui và nhắc nhở gần 1.000 trường hợp khác.
Còn đại tá Trần Mưu, Phó giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, nhìn nhận kể từ khi giãn cách xã hội, tình hình an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn lại nổi lên một số vấn đề khác, trong đó nguy hiểm là một số đối tượng tụ tập gây rối và hỗn chiến ở những khu vực vắng người. “Khối lượng công việc của cán bộ chiến sĩ vẫn nặng nề hơn do cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ song trùng, là vừa ra quân tấn công trấn áp tội phạm theo chỉ đạo của Bộ Công an, vừa phải tăng cường lực lượng phòng chống dịch”, đại tá Trần Mưu nói.
Liên quan trách nhiệm giám sát, cách ly người từ tâm dịch Đà Nẵng trở về hoặc ca bệnh Covid-19 liên quan Đà Nẵng, chỉ từ ngày 6 - 8.8, đã có 4 cán bộ ở Thanh Hóa bị tạm đình chỉ công tác do lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, gồm ông Phạm Thanh Thư, Trạm trưởng Trạm y tế xã Thọ Cường (H.Triệu Sơn); ông Trần Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm y tế P.Quảng Vinh; ông Đỗ Ngọc Tuấn, quyền Chủ tịch UBND P.Quảng Vinh; và ông Viên Đình Nam, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Hùng (đều thuộc TP.Sầm Sơn).
Theo ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ở một số địa bàn cơ sở “có lỗ hổng và yếu kém trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở, đặc biệt là công tác giám sát, cách ly”. Để chấn chỉnh, tỉnh sẽ xử lý nghiêm những cán bộ lơ là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Chính quyền địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh cũng vừa xử phạt hành chính 2 người từ tâm dịch ở Đà Nẵng về địa phương nhưng chậm khai báo y tế và không chấp hành việc cách ly, gồm bà V.T.M.H (49 tuổi, ngụ TP.Đà Nẵng) và anh D.N.K (19 tuổi, ngụ xã Thạch Đài, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Tại Nghệ An, chính quyền xã Hữu Kiệm (H.Kỳ Sơn) xử phạt anh Vi Văn M. 1 triệu đồng và buộc cách ly vì không khai báo y tế khi đi từ vùng có dịch về nhà. Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, cho biết tỉnh này có hơn 13.000 người về từ vùng dịch Đà Nẵng và các tỉnh có dịch. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không chấp hành quy định phòng dịch, trở về từ vùng có dịch, hoặc đã tiếp xúc với người có nguy cơ nhiễm dịch nhưng không khai báo, cho đến khi có triệu chứng ho, sốt mới đến trạm y tế khai báo. Ông Định cũng cho rằng, không chỉ tuyên truyền mà cần có chế tài xử lý nghiêm những người không tuân thủ quy định phòng dịch để răn đe.
|
Vẽ đường, chỉ lối trốn cách ly
Ở địa bàn phía bắc Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế lại phải vất vả ngăn người trốn về từ tâm dịch, thậm chí trốn có tổ chức. Nghiêm trọng nhất là trang Facebook “Xe ké miền Trung” công khai đăng tải thông tin cung cấp dịch vụ cho những người muốn tìm xe từ Đà Nẵng để né dịch. Một trong những vụ việc bị xử lý là vụ “xe ké” của tài xế Trương Thanh Minh, 37 tuổi, trú P.An Tây, TP.Huế.
|
Trong 2 ngày 7 và 8.8, lực lượng công an phối hợp chính quyền các địa phương liên quan ở Thừa Thiên-Huế đã tìm ra và buộc 13/14 người dân tại H.Phú Vang, H.Nam Đông, H.Phú Lộc có dấu hiệu trốn dịch, vi phạm phòng chống dịch Covid-19 phải vào khu cách ly tập trung. Những người này từ Đà Nẵng trở về và “trốn cách ly” bằng nhiều cách khác nhau. Trong đó, có 6 người ở H.Phú Vang, H.Nam Đông, H.Phú Lộc đã thuê xe chạy tuyến Đà Nẵng - Huế. Họ được tài xế lập kế hoạch qua mặt các chốt kiểm soát dịch Covid-19, nhất là 2 chốt số 5, số 6 đóng trên địa bàn TT.Lăng Cô (H.Phú Lộc) giáp với TP.Đà Nẵng, rồi "trót lọt" rời khỏi tâm dịch.
|
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, ngoài dịch vụ "xe ké" đưa khách trốn dịch từ Đà Nẵng, một số người khác từ vùng dịch trở về địa phương trốn cách ly còn qua nhiều hình thức khác, đi thuyền đánh cá, đi xe khách đường dài, kể cả... đi bộ dọc theo đường biển. Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết cơ quan công an đang tiếp tục điều tra hành vi tổ chức đưa người từ vùng dịch trốn cách ly. Theo đại tá Sơn, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp và nguy hiểm, tùy mức độ vi phạm mà cơ quan công an sẽ xử lý nghiêm và có thể xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Trong khi đó, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, yêu cầu lực lượng công an tỉnh xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những người liên quan trong vụ “xe ké” lén đưa người từ tâm dịch Đà Nẵng về Thừa Thiên-Huế để trốn cách ly. Từ vụ việc “xe ké”, ông Thọ yêu cầu tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng bỏ sót người, phương tiện đến địa bàn tỉnh mà không qua kiểm soát và khai báo y tế.
"Mọi cố gắng trong những ngày qua sẽ “đổ sông, đổ biển” nếu sơ suất để lọt 1 trường hợp F0 đi vào địa bàn rồi lây lan ra cộng đồng. Khi đó, hậu quả sẽ khôn lường", ông Thọ cảnh báo.
Cần xử lý hình sự để răn đeTheo luật sư Nguyễn Hữu Thục, Đoàn luật sư TP.HCM, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh, đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi phạm tội liên quan đến dịch bệnh, bảo đảm thống nhất trong xử lý tội phạm ở tất cả các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 45/CV-TANDTC-PC ngày 30.3.2020 về xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19, Viện KSND tối cao ban hành Chỉ thị số 03/CT-VKSNDTC ngày 3.4.2020 về tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong xử lý tội phạm liên quan đến các tội phạm trong phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, các tội danh liên quan được hướng dẫn như tội làm lây lan dịch bệnh, truyền nhiễm nguy hiểm cho người quy định tại điểm c khoản 1 điều 240 bộ luật Hình sự (BLHS); Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, an toàn ở nơi đông người quy định tại điều 295 BLHS với mức án từ 1 năm đến 12 năm tù. Các hành vi hướng dẫn cụ thể ở hai tội danh này là: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối. Ngoài ra còn có các tội danh khác theo quy định tại các điều 288, điều 155, điều 188... của BLHS.
“Tuy nhiên, từ đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ nhất đến đợt dịch lần này hầu hết các cơ quan chức năng chỉ xử phạt hành chính là chủ yếu và chưa có thông tin nào về xử lý hình sự liên quan đến các hành vi với hai tội danh tại điều 240 và điều 295 nêu trên. Do đó, việc xử lý hành chính vài trăm ngàn hoặc vài triệu đồng là chưa đủ mức răn đe đối với ý thức của người vi phạm dẫn đến phần nào ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch Covid-19 của cả nước”, luật sư Thục nhấn mạnh và kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cần áp dụng biện pháp cứng rắn hơn, đó là khởi tố vụ án đối với các hành vi: Trốn khỏi nơi cách ly; Không tuân thủ quy định về cách ly; Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối... khi xét thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Như vậy mới đủ sức răn đe và góp phần phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn, đảm bảo an ninh, trật tự và nhanh chóng ổn định lại tình hình, đặc biệt là địa bàn các tỉnh thành đang có dịch bệnh như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội...
Ngọc Lê
|
Bình luận (0)