Lịch sử thể thao Việt Nam đã có một dấu ấn chói lọi với thành tích vĩ đại của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Brazil 2016. Giành chiến thắng một cách ngoạn mục trước đối thủ nước chủ nhà ở loạt bắn chung kết nội dung 10 m súng ngắn bắn nhanh, xạ thủ 42 tuổi đã đứng lên bục vinh quang nhất của đấu trường khốc liệt nhất thế giới.
|
Điều đáng nói ở đây là trước khi hưởng niềm hạnh phúc tột cùng, Hoàng Xuân Vinh đang từng nếm trải những thất bại cay đắng ở ASIAD hay ngay tại Olympic cách đây 4 năm. Nhưng như chính Vinh thổ lộ: “Ý chí quật cường và sự kiên nhẫn cộng với quá trình chuẩn bị kỹ càng cả về chuyên môn lần tâm lý đã cho tôi thành quả lớn lao như ngày hôm nay”. Ngoài tấm HCV, Xuân Vinh còn xuất sắc đoạt thêm HCB nội dung 50 m súng ngắn bắn chậm 50 m.
Hoàng Xuân Vinh đã đứng vị trí đứng đầu top 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2016 với 2020 điểm
Năm 2015, kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên chiếm vị trí đầu tiên bảng xếp hạng còn sang năm nay, cô gái 20 tuổi lùi xuống vị trí thứ nhì với 1639 điểm. Viên rất đáng ngợi khen vì chỉ số kỹ thuật ngày càng được cải thiện mà bằng chứng là tại giải vô địch châu Á, cô đã đoạt 1 HCV nội dung sở trường 400 m hỗn hợp (tấm HCV bơi lội châu lục đầu tiên của Việt Nam), 3 HCĐ.
|
Năm 2016 chứng kiến những bước tiến đáng ghi nhận của tài năng 19 tuổi quần vợt VN Lý Hoàng Nam. Với chuỗi thành tích ấn tượng ở các giải nhà nghề Men’s Futures, đặc biệt là danh hiệu vô địch đơn nam Men’s Futures trên sân nhà Bình Dương, Hoàng Nam đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam là tay vợt đầu tiên vô địch 1 giải nhà nghề. Thành tích này cũng giúp Hoàng Nam vươn lên hạng 610 thế giới cũng là thứ hạng cao nhất mà 1 tay vợt VN có được. Ở Davis Cúp (Cúp quần vợt đồng đội TG), Hoàng Nam góp công lớn giúp tuyển quần vợt VN trụ hạng nhóm II khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nam đã về đích thứ 3 với 1075 điểm.
|
VĐV đấu kiếm Vũ Thành An đứng thứ 4 với 713 điểm. Anh đã đoạt HCĐ vô địch châu Á; 2 HCV vô địch Đông Nam Á, đoạt vé đi Olympic. Môn thể dục dụng cụ có 2 đề cử thì cả hai đều được bầu chọn với vị trí thứ 5 và 6 của top 10: Phạm Phước Hưng (1 HCĐ xà kép Cúp thế giới, đoạt vé dự Olympic, sáng tạo ra động tác kỹ thuật được Liên đoàn thể dục thế giới tôn vinh và đặt tên bằng chính họ của anh), Phan Hà Thanh ( 2 HCB cúp thế giới, giành vé đi Olympic).
Trong số 4 VĐV bóng bàn được đề cử, gương mặt trẻ Nguyễn Anh Tú đã lọt vào top 10 với vị trí thứ 7. Không chỉ đoạt HCV nội dung đồng đội ở giải vô địch Đông Nam Á, VĐV Hà Nội còn giành tấm HCV cá nhân quý giá và điểm nhấn đặc biệt chính là Tú đã đánh bại tay vợt Singapore Poh Shao Feng Ethan với tỷ số áp đảo 4-0 ở trận chung kết đơn nam.
|
Võ sỹ trẻ môn taekwondo Hồ Thị Kim Ngân (sinh năm 2001) đứng vị trí 8. Cô gái người An Giang đã đoạt HCV giải vô địch trẻ thế giới, HCĐ Đại hội thể thao trẻ em châu Á.
Tại giải vô địch điền kinh quốc gia năm 2016, gương mặt trẻ 19 tuổi Lê Tú Chinh đã mang về cho đoàn TP.HCM tấm HCV sau 21 năm chờ đợi ở nội dung 100 m nữ. Năm nay, Chinh còn đoạt HCV giải trẻ châu Á và Đại hội thể thao bãi biển châu Á 2016.
|
Đứng thứ 10 của bảng xếp hạng là nhà vô địch SEA Games môn canoeing Trương Thị Phương. Cô gái sinh năm 1999 này đã đoạt HCV, HCB Cúp thế giới; HCV, HCB Cúp châu Á.
Cả thầy và trò đều về nhất
Từ danh sách đề cử 14 HLV tiêu biểu, giới truyền thông đã chọn ra 5 gương mặt nổi bật nhất: 1/HLV Nguyễn Thị Nhung - thầy của Hoàng Xuân Vinh, dẫn đầu với 1901 điểm; 2/HLV Đặng Anh Tuấn của Ánh Viên; 3/HLV Hoàng Anh Tuấn – người có công lớn đưa đội tuyển U.19 Việt Nam đoạt HCB U.19 Đông Nam Á, đoạt vé dự World Cup U.20; 4/HLV TDDC Trương Tuấn Hiền; 5/HLV đấu kiếm Nguyễn Lê Bá Quang.
|
Lê Văn Công đoạt danh hiệu VĐV Người khuyết tật xuất sắc
Với tấm HCV đầu tiên cũng là duy nhất cho thể thao Người khuyết tật (NKT) Việt Nam ở Paralympic, đô cử Lê Văn Công thắng tuyệt đối ở cuộc bầu chọn danh hiệu VĐV NKT xuất sắc toàn quốc năm nay.
Hẳn người hâm mộ vẫn chưa quên hình ảnh Lê Văn Công siết chặt nắm tay, hét lên thật to sau khi chinh phục thành công tấm HCV đồng thời phá kỷ lục ở hạng cân 49 kg tại Paralympic Brazil. Để có được những phút giây hạnh phúc tột cùng đó, Lê Văn Công đã nỗ lực trong nhiều năm, vượt qua bao khó khăn mà như tâm sự của đô cử này, nhiều lúc tưởng chừng chia tay cử tạ.
Tấm HCV cũng những phần thưởng xứng đáng giúp chàng trai 32 tuổi quê Hà Tĩnh đổi đời, có kinh phí lo cho con cái ăn học. Lê Văn Công chia sẻ với thethao.thanhnien.vn: “Tôi rất hạnh phúc và tự hào khi được bầu chọn là VĐV NKT xuất sắc. Tôi nghĩ những VĐV khác cũng xứng đáng được thành quả này bởi họ cũng nỗ lực rất nhiều trong luyện tập, thi đấu. Xin cảm ơn người hâm mộ đã quan tâm động viên, chia sẻ đến những VĐV NKT như chúng tôi. Đó là động lực để chúng tôi nỗ lực hơn nữa nhằm mang về vinh quang cho thể thao Việt Nam”.
Xếp sau Lê Văn Công ở hạng mục VĐV NKT xuất sắc lần lượt là Võ Thanh Tùng (bơi), Cao Ngọc Hùng (điền kinh), Đặng Thị Linh Phượng (cử tạ), Nguyễn Bình An (cử tạ).
Ở hạng mục HLV NKT xuất sắc cũng không bất ngờ khi Nguyễn Hồng Phúc thầy ruột của Lê Văn Công đăng quang. Ít người biết HLV Nguyễn Hồng Phúc xuất thân là “dân” điền kinh sau đó chuyển sang huấn luyện cử tạ NKT. Chính HLV Nguyễn Hồng Phúc là người năn nỉ Lê Văn Công chơi cử tạ.
Ngoài phương pháp huấn luyện học được từ trường học, ở các lớp huấn luyện trong và ngoài nước, HLV Nguyễn Hồng Phúc còn tự mày mò tìm hiểu rất nhiều phương pháp huấn luyện cho VĐV NKT để tạo ra phương pháp huấn luyện riêng. Lê Văn Công là thành quả của việc áp dụng phương pháp huấn luyện riêng của thầy Nguyễn Hồng Phúc. Ở hạng mục HLV NKT xuất sắc, HLV Đổng Quốc Cường (bơi) xếp hạng nhì và HLV Đặng Văn Phúc (điển kinh) xếp hạng ba.
|
tin liên quan
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh được bầu vào thường vụ Liên đoàn bắn súng Việt NamNgày 4.12, Đại hội Liên đoàn bắn súng Việt Nam (VSF) đã tổ chức thành công tại Hà Nội và lần đầu tiên nhà vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh được bầu vào thường vụ VSF khóa 6.
Bình luận (0)