CNN dẫn báo cáo từ OpenSecrets, một tổ chức phi lợi nhuận phi đảng phái theo dõi tiền trong chính trị, công bố vào đầu tháng 10 này cho thấy rằng chi tiêu cho kỳ bầu cử năm nay sẽ đạt hơn 15,9 tỉ USD, phá vỡ kỷ lục 15,1 tỉ USD đã thiết lập vào năm 2020. Để so sánh, con số này xấp xỉ GDP dự báo trong năm nay của Brunei.
Con số chi tiêu khổng lồ này đến từ 2 nguồn:
- Một là: Từ ngân quỹ thuộc chiến dịch tranh cử của các ứng viên
- Hai là: Từ các nhóm ủng hộ bên ngoài
Chính các nhóm bên ngoài, đặc biệt là các siêu ủy ban hành động chính trị (Super PAC) với hầu bao rủng rỉnh, đang góp phần thổi phồng chi tiêu trong kỳ bầu cử năm nay. Các khoản chi của các nhóm này - chủ yếu đổ vào quảng cáo, gửi thư, vận động trực tiếp và các hoạt động khác nhằm hỗ trợ các ứng cử viên - đã đạt khoảng 2,6 tỉ USD. Cùng thời điểm này vào cuộc bầu cử năm 2020, chi tiêu của các nhóm như vậy ít hơn gần 1 tỉ USD.
Khi các hoạt động vận động độc lập dự kiến tăng mạnh trong giai đoạn nước rút trước ngày bầu cử, các nhà nghiên cứu của OpenSecrets dự báo tổng chi tiêu bên ngoài cho kỳ bầu cử này sẽ vượt 5 tỉ USD.
Ông Brendan Glavin, phó giám đốc nghiên cứu của OpenSecrets, bình luận: "Các Super PAC và các tỉ phú tiếp tục chi tiêu ngày càng nhiều hơn với hy vọng bầu ra các quan chức dân cử. Và hiện nay thì có vẻ như chưa có điểm dừng về chi phí cho một cuộc bầu cử ở Mỹ".
Trong khi đó, chiến dịch tranh cử của 2 ứng viên cũng đã thu về những số tiền ấn tượng.
Chiến dịch của bà Harris từ cuối tháng 7 cho đến cuối tháng 9 đã huy động ít nhất 1 tỉ USD. Trong cùng giai đoạn này, ông Trump và đảng Cộng hòa đã kêu gọi quyên góp được khoảng 430 triệu USD. Điều đó cho thấy ông Trump còn cần dựa rất nhiều vào sức mạnh của các Super PAC.
Tranh cử Tổng thống Mỹ đắt đỏ như thế nào?
Tiền chi cho tranh cử lấy từ đâu?
Từ năm 1976, các ứng viên tổng thống có thể xin tài trợ từ ngân sách chính phủ để thực hiện các chiến dịch tranh cử. Đến cuộc bầu cử năm 2000, tất cả các ứng viên được đề cử tranh chức tổng thống đều tham gia vào hệ thống này khi nhận tiền từ ngân sách chính phủ với lời cam kết không chi nhiều hơn một số tiền đã định.
Tuy nhiên, hệ thống này đã không còn hấp dẫn đối với các ứng viên nữa, bởi giới hạn chi tiêu đặt ra được cho là quá thấp, còn ít hơn cả số tiền mà các ứng viên chính thường có thể quyên góp được từ các nguồn tư nhân.
Ở kỳ bầu cử năm 2008, ông Barack Obama, ứng viên đảng Dân chủ, nhận ra mình có thể gây quỹ được số tiền cao hơn thế nhờ cơ hội do mạng internet mang đến.
Kế đến, năm 2010, Tối cao Pháp viện dỡ bỏ những giới hạn chi tiêu của các tổ chức phi đảng phái. Điều này tạo điều kiện cho sự ra đời của "super PAC" - tức các siêu ủy ban hành động chính trị, những tổ chức có thể gây quỹ hàng trăm triệu USD cho các ứng viên, từ đó đẩy mạnh hoạt động quảng cáo.
Kết quả là, một số ứng viên tổng thống những kỳ bầu cử gần đây đã từ chối khoản tài trợ từ ngân sách chính phủ, mà thay vào đó họ tự gây quỹ để tài trợ cho các chiến dịch tranh cử của mình.
Đối với các ứng viên tự gây quỹ riêng, luật liên bang quy định rõ các ứng cử viên tổng thống, thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ gây quỹ như thế nào và từ những ai. Luật cũng hạn chế số tiền mà một cá nhân có thể quyên góp. Luật đảm bảo rằng báo chí và người dân biết được ai đang góp quỹ cho một ứng cử viên nhất định. Ứng cử viên tổng thống phải thành lập một tổ chức cho chiến dịch vận động của mình gọi là ủy ban chính trị, và đăng ký với Ủy ban Bầu cử Liên bang.
Sau khi đăng ký, các ủy ban chính trị có thể tìm kiếm nguồn đóng góp nhưng phải báo cáo tất cả nguồn tiền đã gây quỹ được cho Ủy ban Bầu cử Liên bang để thông báo cho công chúng.
Bình luận (0)