Bầu cử Nigeria: Nguyên nhân thất bại của tổng thống Goodluck Jonathan

01/04/2015 20:41 GMT+7

(TNO) Tổng thống Goodluck Jonathan đã mất vị trí cầm quyền vào tay đảng đối lập sau cuộc bầu cử tại Nigeria. Nguyên nhân nào đã dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một vị tổng thống đương nhiệm bị đánh bại sau cuộc bầu cử?

(TNO) Tổng thống Goodluck Jonathan đã mất vị trí cầm quyền vào tay đảng đối lập sau cuộc bầu cử tại Nigeria. Nguyên nhân nào đã dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử đất nước, một vị tổng thống đương nhiệm bị đánh bại sau cuộc bầu cử?

Tổng thống Goodluck Jonathan thất bại trong cuộc bầu cử năm 2015 - Ảnh: Reuters
Điều đầu tiên, theo BBC ngày 1.4, là do việc gian lận trong quá trình bầu cử trở nên khó khăn hơn. Những cuộc bầu cử lần trước đã bị ảnh hưởng nặng nề do tình trạng thiếu quy tắc và những nghi ngờ gian lận. BBC dẫn lời các quan sát viên nói rằng cuộc bỏ phiếu năm 2007 là không đáng tin trong khi vẫn còn tình trạng gian lận trong cuộc bầu cử năm 2011, dù cho tiến trình diễn ra suôn sẻ hơn đôi chút.
Rút kinh nghiệm từ đó, ủy ban bầu cử đã tiến hành nhiều biện pháp phòng ngừa gian lận trong cuộc bầu cử năm 2015, gồm cả việc sử dụng thẻ cử tri kỹ thuật số. Và việc tổng thống Jonathan và đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) của ông mất quyền kiểm soát tại một số bang quan trọng khiến cho việc nhúng tay vào tiến trình bầu cử tại các bang đó trở nên khó khăn hơn, theo BBC.
Kế đó, việc tỏ ra yếu kém trong cách xử lý sự hoành hành của phiến quân Hồi giáo Boko Haram tại vùng đông bắc cũng khiến tổng thống Jonathan mất điểm trong cuộc tranh cử lần này.
Cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã bị hoãn đến 6 tuần vì tình hình an ninh bất ổn tại Nigeria. Mặc dù đã giành lại nhiều khu vực từ tay Boko Haram trong thời gian gần đây nhưng điều đó dường như đã quá muộn để ông Jonathan có thể gỡ gạc niềm tin từ người dân.
Bên cạnh đó, tình hình bất ổn ngay trong đảng PDP của ông Jonathan cũng là một trong những nguyên nhân khiến ông phải chịu thua trong cuộc bầu cử lần này. The Guardian ngày 17.3 cho biết thủ hiến của bang Rivers và Kano đã rời bỏ đảng PDP. Đây được xem là đòn giáng mạnh lên ông Jonathan vì 2 bang này có vai trò chính trị quan trọng đối với ông.
Việc không giải quyết được vấn đề Boko Haram khiến ông Jonathan mất niềm tin từ người dân - Ảnh: AFP
Ngoài ra, dường như người dân đã không còn kiên nhẫn với ông Jonathan khi ông không có những chính sách kinh tế hiệu quả. Bên cạnh đó, chính phủ Nigeria lại quá phụ thuộc vào lĩnh vực dầu mỏ. Giá dầu thế giới giảm mạnh trong khi đồng tiền suy yếu và bất ổn chính trị khiến những người có tiền không dám mạnh dạn đầu tư.
Theo Bloomberg, khoảng 90% thu nhập từ nước ngoài của Nigeria là từ dầu mỏ, và lợi nhuận từ dầu mỏ cũng chiếm 2/3 thu nhập của chính phủ. Hơn nữa, hơn 1/3 dân số Nigeria hiện đang sống dưới mức nghèo khổ và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở mức 17%, theo Ngân hàng Thế giới.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế cũng xếp Nigeria đứng thứ 136 trong tổng số 173 nước về chỉ số nhận thức tham nhũng. Nhưng ông Jonathan không có những chính sách đủ mạnh để đưa nền kinh tế của quốc gia đông dân nhất châu Phi thoát ra khỏi tình trạng hiện tại.
Theo BBC, đảng PDP đã nắm giữ quyền lực tại Nigeria từ năm 1999, và đây là lúc để người dân Nigeria quyết định người nào khác nên lèo lái đất nước. Bây giờ, ông Muhammadu Buhari và Đảng đối lập Liên minh Tiến bộ (APC) của cựu lãnh đạo quân đội này (vừa chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống tại Nigeria) cần chứng tỏ mình thật sự có thể tạo nên sự thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.