Nga sắp tổ chức cuộc bầu cử tổng thống. Đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tiếp tục tranh cử và nếu thành công, ông sẽ trở thành chủ nhân Điện Kremlin tại vị lâu nhất kể từ thời nhà lãnh đạo Josef Stalin.
Bầu cử diễn ra thế nào?
Cuộc bầu cử ở Nga dự kiến diễn ra từ ngày 15-17.3. Kết quả sẽ có không lâu sau đó và người chiến thắng sẽ nhậm chức vào tháng 5.
Việc bỏ phiếu cũng sẽ diễn ra ở nơi mà Nga gọi là "các vùng lãnh thổ mới" - các khu vực Nga tuyên bố sáp nhập từ Ukraine, hiện do lực lượng Nga kiểm soát và luật pháp Nga được áp dụng.
Có 112,3 triệu người có quyền bầu cử. Gần 2 triệu người Nga ở nước ngoài và 12.000 người trong sân bay vũ trụ mà Nga thuê ở Kazakhstan cũng có thể tham gia
Dự kiến có khoảng 70-80 triệu người đi bỏ phiếu. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu năm 2018 là 67,5%. Năm nay, hệ thống bỏ phiếu trực tuyến từ xa cũng sẽ lần đầu tiên được áp dụng.
Có những ai tranh cử?
Các đối thủ của ông Putin là ông Nikolai Kharitonov từ đảng Cộng sản, ông Leonid Slutsky, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do theo chủ nghĩa dân tộc, và ông Vladislav Davankov của đảng Nhân dân Mới.
Ông Boris Nadezhdin, một ứng cử viên phản chiến, và bà Yekaterina Duntsova, một cựu nhà báo truyền hình, không được tranh cử vì không thu thập đủ số chữ ký cử tri ủng hộ.
Ông Putin, năm nay 71 tuổi, đã giữ chức tổng thống lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào khác kể từ thời ông Josef Stalin. Sau khi Liên Xô tan rã, hiến pháp Nga năm 1993 quy định rằng một tổng thống chỉ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ bốn năm liên tiếp.
Nhưng những sửa đổi hiến pháp năm 2008 đã kéo dài nhiệm kỳ tổng thống lên sáu năm.
Và sau những sửa đổi vào năm 2020 thì kể từ năm 2024, số nhiệm kỳ Tổng thống của Putin sẽ được tính lại từ đầu. Điều đó có khả năng cho phép ông tiếp tục nắm quyền cho đến năm 2036.
Các cuộc thăm dò ý kiến ở trong nước cho thấy tỷ lệ tán thành dành cho ông hiện là 85%, thậm chí còn cao hơn so với trước khi đưa quân vào Ukraine.
Điện Kremlin cho biết ông Putin nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người dân, và Nga không muốn bị phương Tây thuyết giảng về dân chủ.
Các quan chức Nga cho rằng phương Tây đang cố gắng làm suy yếu Nga bằng cách khơi gợi nghi ngờ về tính hợp pháp của cuộc bầu cử.
Phe đối lập Nga tuân theo các quy tắc chính thức của hệ thống chính trị. Đại diện của phe đối lập trong quốc hội không phản đối Điện Kremlin về các vấn đề lớn.
Văn phòng Thể chế Dân chủ và Nhân quyền thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hồi tháng 1 cho biết Nga đã không mời các quan sát viên OSCE tham gia cuộc bầu cử, và gọi quyết định này là “vô cùng đáng tiếc”.
Bình luận (0)