Theo ghi nhận của Thanh Niên, trong ngày 4.1, hầu hết các khu vực trong nội thành Hà Nội đều chìm trong làn sương mờ do ô nhiễm không khí. Mặc dù hôm nay là thứ bảy, đường phố thưa phương tiện, nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn xảy ra nghiêm trọng. Khắp các con phố như Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi, Vành đai 3, Tây Mỗ... đều bị bao phủ bởi khói bụi.
Ô nhiễm không khí khiến đa số người dân tham gia giao thông đều cảm thấy khó chịu, nhiều người phải đeo khẩu trang để tự bảo vệ mình.
Theo số liệu quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam - PV), nhiều thời điểm trong ngày 4.1, chỉ số AQI ở nhiều địa điểm tại Hà Nội dao động chủ yếu ở mức 150 - 200 đơn vị, mức rất xấu.
Trong khi đó, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới - PV) xếp thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí đứng thứ 2 thế giới lúc 11 giờ với chỉ số AQI 240 đơn vị, mức rất xấu, mọi người có thể bị ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng.
IQAir đánh giá, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội hiện cao gấp 23,1 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Nói về vấn đề ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), cho biết miền Bắc và Hà Nội đang trong "mùa" ô nhiễm không khí, nguyên nhân là do kiểm soát các nguồn ô nhiễm từ xây dựng, nông nghiệp, giao thông... chưa tốt.
Ông Tùng cho rằng, ô nhiễm không khí dường như vẫn là việc riêng của Bộ TN-MT, cấp tỉnh địa phương chứ không phải việc của quận, huyện. Vì vậy, vấn đề cơ bản nằm ở nhận thức và sự quyết tâm giải quyết ô nhiễm không khí của các cấp.
TS Tùng đưa ra các giải pháp như: tiến hành kiểm kê phát thải; xây dựng cơ sở dữ liệu các cơ sở sản xuất công nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp, các làng tái chế để thành phố, quận, huyện biết ô nhiễm từ ngành nào, ở đâu rồi xác định vấn đề cụ thể của từng địa bàn.
Cạnh đó, cần thống kê, kiểm kê các lò hơi dùng than để đốt, yêu cầu chuyển đổi nhiên liệu (như đã làm với Bát Tràng); kiểm soát khí thải xe máy; kiểm soát khí thải trong các hoạt động nông nghiệp: chăn nuôi, trồng trọt, đốt rơm rạ sau thu hoạch; tăng cường số lượng chất lượng cho cán bộ quản lý không khí; đào tạo tập huấn cho các cán bộ cấp sở, quận huyện.
Ngoài ra, cần đầu tư và vận hành tốt khoảng 10 trạm quan trắc tự động không khí xung quanh, cung cấp thường xuyên AQI, công khai số liệu quan trắc cho người dân; tăng cường phối hợp với các chuyên gia tại các trường, viện nghiên cứu để đưa ra các giải pháp.
Hà Nội cũng cần kết hợp với các tỉnh khác (Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc ) để xử lý ô nhiễm xuyên địa phương.
Khu vực đường Nguyễn Trãi (Q.Thanh Xuân) lúc 10 giờ 30
ẢNH: ĐÌNH HUY
Những tòa nhà cao tầng tại Q.Nam Từ Liêm "mất hút" trong bụi mịn
ẢNH: ĐÌNH HUY
Mỗi khi có ô tô đi qua, cả con đường bụi mù mịt, người dân phải dùng tay che mặt
ẢNH: ĐÌNH HUY
Bình luận (0)