Cụ bà Y Gếu (80 tuổi), người dân tộc Rơ Ngao, trú tại làng K'roong K'lả, xã K'roong, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) hiện đang lưu giữ 4 bộ cồng chiêng cổ.
Để được xem 4 bộ cồng chiêng này, chúng tôi phải nhờ trưởng thôn A Chưn đến thuyết phục, mới được cụ bà đồng ý nhưng với ánh mắt đầy cảnh giác. Thấy chúng tôi e ngại, già làng A Blôi trấn an: "Bả sợ mất cắp đó, bữa trước một số gia đình đã bị bọn trộm lấy mất cồng chiêng, nên bây giờ thấy người lạ đến bà cụ sợ lắm".
|
Các thế hệ gia đình của cụ bà Y Gếu thuộc diện giàu có nhất làng, hễ có tiền đều dành mua cồng chiêng. Cụ Y Gếu kể, bộ cồng chiêng lớn nhất mà cụ đang sở hữu là bộ chiêng cổ, có nguồn gốc từ Lào. Khi còn nhỏ, cụ đã thấy bộ cồng chiêng này trong nhà và để có được nó, gia đình đã phải đem đổi 30 con bò mộng.
Già làng A Blôi cho biết: "Đã có người hỏi mua và đòi trả rất nhiều tiền, nhưng bà cụ không đồng ý. Không chỉ bà cụ mà người Rơ Ngao đều coi nó như báu vật của làng". Còn ông A Lau, hàng xóm của cụ Y Gếu, cứ xuýt xoa: "Ui chà, khi buôn làng có lễ hội, tiếng chiêng này bay cao, bay xa lắm, tiếng ngân dài con sông Sê San trước cửa nhà kia kìa. Không chỉ người trong làng nghe đâu, mà mãi tận làng Khúc Na, Kà Đừ… tận bên xã Sa Bình đều nghe hết".
Ông A Chưn - Trưởng thôn K'roong K'lả, xã K'roong - nói: “Tui đi nhiều nơi, dự nhiều lễ hội trong tỉnh, nhưng chưa thấy bộ cồng chiêng cổ nào mà lại lớn đẹp và tiếng ngân hay, dài như tiếng cồng chiêng này. Đây là bà cụ duy nhất ở Kon Tum còn lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng cổ nhất”.
Một thời gian dài, trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên xảy ra nạn "chảy máu" cồng chiêng. Nhiều cồng chiêng cổ quý hiếm bị mua bán, trao đổi và đứng trước nguy cơ mai một, biến mất. Vì vậy lưu giữ được nhiều cồng chiêng cổ như cụ bà Y Gếu rất đáng trân trọng.
Trùng Dương
Bình luận (0)