>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
>> Báu vật' đờn ca tài tử
|
Bao thế hệ người dân Cần Đước truyền nhau một đam mê, sự kiêu hãnh là nơi sản sinh ra nhiều anh tài của đờn ca tài tử. Là nơi phát tích và lưu truyền nhiều giai điệu mùi mẫn cho đến ngày nay.
“Tiếng đờn Cần Đước xuân xanh”
Trở lại những năm cuối thế kỷ 19, khi thầy Ba Đợi - nghệ nhân, nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một quan nhạc triều Nguyễn, người được coi như là “hậu tổ” có công khai sáng bộ môn đờn ca tài tử Nam bộ - chọn vùng đất này làm nơi lưu ngụ và truyền dạy cho đệ tử ngón đờn, lời ca.
Thầy Ba Đợi tá túc tại nhà ông Tư Trừ ở Nhà Dài (làng Tân Lân, H.Cần Đước, Long An), một người yêu đờn ca và quý trọng bậc anh tài. Những học trò đầu tiên của ông cũng chính là các cô gái nhà ông Tư Trừ. Về sau các cô này nổi danh với những ngón đờn tuyệt kỹ. Nếu như cô Sáu Giỏi được biết đến với tiếng đờn kìm làm xao xuyến lòng người thì cô Bảy Lung được ái mộ bởi ngón đờn tranh điêu luyện.
Ngoài các cô con gái nhà ông Tư Trừ, còn nhiều đệ tử của ông Ba Đợi lần lượt nổi danh gắn liền với các loại nhạc cụ khác nhau. Như ông xã Năm với tiếng tiêu, ông Năm Tịnh đờn bầu, ông Hai Bầu đờn cò...
Đến thế hệ thứ hai như Hai Biểu, Năm Lòng, Năm Giai, Bảy Quế… cũng tạo nên danh tiếng gần xa. Từ lớp tài tử, nghệ nhân tài ba này, đờn ca tài tử đã bén rễ vào tâm hồn người dân xứ Cần Đước. Ngày nay, người dân quê lúa Chợ Đào còn có những câu thơ nhớ về những bậc thầy đờn trứ danh, như:
“Tiếng đờn Cần Đước xuân xanh
Giai kìm, Quýnh gáo, Quế Tranh, Lòng cò”
Lấy nhạc lễ nuôi tài tử
Nghệ nhân Út Bù (Nguyễn Văn Út, 61 tuổi) là con của ông Nhạc Quế, một trong “tứ đại tài tử” vang danh khắp vùng. Cha là bậc cao thủ đờn tranh, đờn kìm, nhưng Út Bù lại mê mẩn đờn ghi ta phím lõm, loại nhạc cụ độc đáo, được biến cải từ cây ghi ta của phương Tây.
Thế hệ của Út Bù, những danh cầm như Văn Vỹ, Văn Giỏi đã thành danh gắn liền với cây ghi ta phím lõm. Họ được xem là bậc cao thủ hàng đầu của đờn ca tài tử. Mỗi người mang một phong cách khác nhau và Út Bù đặc biệt ngưỡng mộ cách chơi đờn phóng khoáng, hào hoa của danh cầm Văn Giỏi. Những lần Văn Giỏi về Cần Đước thăm thầy Bảy Quế, Út Bù luôn tranh thủ “học lỏm” cách chơi của ông. Đến khi thầy Bảy Quế qua đời, Út Bù khăn gói lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề chơi nhạc lễ, nhưng cốt là để có điều kiện tiếp trao dồi thêm ngón đờn. “Càng học, mình càng thấy không sao cho đủ. Mỗi người có một thiêng tư khác nhau. Hôm nay họ đờn thế này, ngày mai họ lại đờn khác. Dường như sự sáng tạo là vô chừng”, ông đúc kết.
“Chơi đờn ca tài tử là phải chấp nhận nghèo. Bởi nghề chơi này không kiếm ra tiền. Để sống được, các tài tử, nghệ nhân phải chơi nhạc ở những đám tiệc, phải lấy nhạc lễ để nuôi tài tử”, Út Bù tâm sự. Ngày trước điều kiện đi lại khó khăn, nên mỗi khi những tài tử tụ họp lại với nhau là một kỹ niệm nhớ đời. Thời ông Nhạc Quế còn sống, nhà ông cũng là điểm gặp gỡ của những tên tuổi lớn. “Mỗi lần cô Bạch Huệ, chú Tấn Đạt đến chơi với ông già tôi là dân xóm được dịp chứng kiến những buổi tiệc đờn ca. Không có âm thanh điện, người đờn, người hát cũng chân phương, nghiêm túc. Người ái mộ thì ngồi xấp lớp để nghe”, Út Bù nhớ lại.
Khi những danh cầm, danh ca ngày ấy lần lượt ra đi, thế hệ kế tiếp lại thấy mình có trách nhiệm kế thừa. Không chỉ là hoàn thiện, phát triển ngón đờn, giọng ca mà còn biết gầy dựng phong trào. Khi Út Bù nổi danh với ngón đờn tay trái, ông lại đắn đo tìm người trẻ tâm huyết để truyền nghề. Út Bù nói: “Ngày trước chơi nhạc là đam mê. Nay chơi nhạc còn là bổn phận. Luyện đờn, luyện ca bao giờ cũng song song với rèn giữ đạo đức, tánh tình”.
Út Bù kể, hôm Đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ) quê ông diễn ra liên hoan đờn ca tài tử nhân giỗ thầy Ba Đợi, danh cầm Ba Tu cũng về làm giám khảo. Khi ghé thắp nhang cho thầy Nhạc Quế, ông Ba Tu cũng nhắc các đệ tử đi theo rằng, người đờn luyện ngón đờn nắn nót, chính chắn thì tánh tình phải hiền hòa.
“Nên những tài tử chân chính luôn được quý trọng không chỉ tài hoa, mà còn được nể trọng cả tánh tình là vậy”, Út Bù đúc kết.
Tiến Trình
Bình luận (0)