>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
>> Báu vật' đờn ca tài tử
|
Chỉ là con gái nhà quê...
Sau gánh hát của Thầy Năm Tú và gánh Phước Cương của Bạch Công Tử, vào năm 1927, tại Mỹ Tho xuất hiện thêm một gánh hát rất đặc biệt là gánh Đồng Nữ Ban của cô Ba Trần Ngọc Viện - cô ruột của GS-TS Trần Văn Khê. Theo GS-TS Trần Văn Khê thì: “Lúc bấy giờ cô Ba Viện đang dạy về gia chánh, thêu thùa, may vá, nấu ăn và đờn tranh tại Trường nữ sinh Áo Tím. Năm 1926, khi cụ Phan Chu Trinh mất, cô Ba Viện dẫn một phái đoàn nữ sinh áo tím đi viếng lễ tang, bị mật thám Pháp chụp hình rồi ngay hôm sau họ mời cô lên thông báo cho nghỉ việc. Từ đó về nhà cô Ba buồn, nên lập ra gánh hát nhưng không phải với mục đích lấy tiền, mà nếu có tiền dư thì nuôi cách mạng. Điều đặc biệt nhất là khi lập gánh hát, cô Ba không chọn người có tên tuổi hoặc có nghề, mà toàn là con gái nhà quê, con những ông điền chủ hoặc nông dân ở 3 làng Vĩnh Kim, Long Hưng và Bàn Long. Họ không biết gì hết, nên cô Ba phải dạy từ A đến Z”.
Không chỉ học hát, các diễn viên còn bắt buộc phải học chữ, đồng thời cô Ba Viện còn cho rước thầy Hai dạy đánh võ Bình Định để đưa lên sân khấu. Khi ra ngoài thì diễn viên phải mặc áo dài tím, xếp hàng hai, kẹp tóc, đi từ nơi ở đến rạp hát hoặc xuống ghe chài... Sân khấu của gánh Đồng Nữ Ban cũng rất lạ, cô Ba mướn họa sĩ vẽ phông và cánh gà riêng theo từng vở cải lương. Giữa các lớp tuồng thì một tấm màn nhung được kéo ngang để che sân khấu lại, trong lúc đó thì dàn nhạc đánh các bản truyền thống Việt Nam, chứ không được đánh nhạc Tây. Về sau, cô Ba Viện nhờ người viết tuồng cho gánh hát là thầy giáo Nguyễn Tri Khương (cháu nội của Nguyễn Tri Phương) tại làng Đông Hòa. Thầy Khương học Tây học, Hán học, người có võ lại viết văn rất hay, thổi sáo rất tài, đờn cò cũng giỏi.
Một trong những vở tuồng của thầy Khương viết cho gánh Đồng Nữ Ban rất ăn khách là Giọt lệ chung tình. Tuồng này không chỉ nói về mối tình của Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà mà có những câu gợi lòng yêu nước, thương dân.
GS-TS Trần Văn Khê cho rằng vào năm 1927 mà đặt ra những câu hát như vậy khiến công chúng ngồi bên dưới nghe hạo hực chịu không nổi. Ngoài ra, trước khi vào tuồng theo phong cách của cải lương thời bấy giờ, phải có một lớp đầu tất cả đào kép đứng lên sân khấu ca bài La Madelon và khi vãn tuồng thì phải ca phần điệp khúc của bản La Marseillaise. Thế nhưng, lời bài ca của thầy Khương đặt ra luôn mang đậm tư tưởng dân tộc và thay vì hát điệp khúc của La Marseissllaise là quốc ca Pháp, cô Ba Viện và thầy Khương đưa vào bài Long Hổ hội, vì thế gánh hát Đồng Nữ Ban đã bị chính quyền thuộc địa để ý, theo dõi từ khi mới lập.
Kết quả là tuồng Giọt lệ chung tình chỉ diễn được chưa tới một năm thì gánh Đồng Nữ Ban bị mật thám của Pháp tình nghi là gánh hát của cách mạng, nên đã rút giấy phép. Sau thời gian đi lưu diễn từ làng Vĩnh Kim qua các làng lân cận, khi lên diễn tại Sài Gòn được mấy đêm thì gánh hát phải giải tán.
“Tội nghiệp cho cải lương”
Chỉ là một vở cải lương nhưng Giọt lệ chung tình có nhiều đoạn rất hay, có những câu nối lối biền ngẫu và đối đáp văn chương mà GS-TS Trần Văn Khê cho rằng bây giờ khó có gánh cải lương nào có được một vở tuồng ngồi nghe mà thấm thía như vậy. “Đây là vở tuồng viết hồi năm 1927 mà lời lẽ văn chương như thế nên tôi thương tiếng hát cải lương, thương nghệ thuật cải lương. Cũng vì vậy mà khi về VN, lâu lâu nghe người nào nói giọng khách sáo thì người ta nói “thôi mày ơi, mày đừng nói giọng nghe cải lương quá!”. Hoặc khi thấy người nào ăn mặc diêm dúa, thì họ nói “thôi đừng ăn mặc cải lương quá”, tôi nghe hơi buồn. Vì vậy nên hôm nay, xin các bạn nào đã lỡ dùng từ như vậy nên lấy lời lại, đừng có nói vậy nữa mà tội nghiệp cho cải lương! Cải lương không phải là ăn nói bậy, không phải ăn mặc diêm dúa. Cải lương là một nghệ thuật của người VN. Nhớ lại vào năm 1964, cô Bảy Phùng Há đi cùng Kim Cương sang dự Đại hội sân khấu ở Hamburg (Đức). Khi cô Bảy và Kim Cương hát trích đoạn Phụng Nghi Đình, mặc dù tiếng đờn ghi trong băng, mà hai người hát rất hay, đến nỗi báo chí nói khi cô Bảy và Kim Cương bước ra thì sân khấu tự nhiên sáng rực lên và họ cho rằng tiết mục của người VN là cây đinh trong buổi đại hội đó”, GS-TS Trần Văn Khê nói.
Sự kiện ra đời của gánh hát Đồng Nữ Ban, theo GS-TS Trần Văn Khê, là điểm đáng nhớ và là một dấu son cần ghi lại trong lịch sử của kịch nghệ cải lương. Tiếc rằng trong những bài viết hoặc các quyển sách về cải lương lâu nay chưa có ai nhắc đến sự kiện này một cách đầy đủ. Kết thúc câu chuyện, ông nhấn mạnh bằng một câu nói của nghệ sĩ Năm Châu: “Cải lương là sản phẩm của nhân dân, phản ảnh trung thực sự tiến thoái của dân tộc. Trải qua bao biến cố thăng trầm nó vẫn còn mãi mãi với nhân dân và nhất định không bao giờ bị tiêu diệt”.
Hoàng Phương
Bình luận (0)