Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 8: Ngón đờn anh lái heo

25/02/2014 03:50 GMT+7

Sau thời gian dài ôm đờn đi biểu diễn ở xứ Phù Tang, trở về ai cũng nghĩ sự nghiệp Hoàng Lưỡng sẽ lên hương, bất ngờ anh chàng lại tuyên bố bỏ đờn, về nhà phụ vợ làm nghề… lái heo.

>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 7: Đệ nhất nguyệt cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 6: Gánh hát toàn nữ nông dân
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại

 Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 8: Ngón đờn anh lái heo
Hoàng Lưỡng (trái) cùng các nghệ sĩ, ca sĩ thu âm đờn ca tài tử tại Nhật - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngón đờn hào hoa

Không phải sau khi đoạt nhiều giải thưởng trong các đợt thi thố đờn ca tài tử (ĐCTT) thì người ta mới biết đến Hoàng Lưỡng. Những ai xem anh biểu diễn thường khó mà quên được ngón ghi ta “nhức nhối”, đầy chất “phiêu” và sáng tạo, đúng theo “trường phái” của danh cầm Văn Giỏi.

Nghệ nhân Hai Lợi, cây đại thụ của ĐCTT xứ Tây Đô cứ trầm trồ khi nhắc đến Hoàng Lưỡng: “Lưỡng có chữ đờn rất đẹp. Trước đây tui cũng đờn ghi ta có hạng, nhưng khi thấy cái “rơ” của Hoàng Lưỡng đờn thì tui muốn bỏ nghề luôn”. Ông Hai Lợi là thầy của tài tử Hoàng Lưỡng, cũng là người có dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp ba chìm bảy nổi của cây ghi ta được đánh giá là “lắm tài nhưng hay... buồn” này. Ông Hai Lợi cũng thừa nhận mình có phước vì “trò hơn thầy”. Sự sáng tạo và phong cách chơi đờn đầy cảm xúc của Hoàng Lưỡng làm mê mẩn không ít những người khoái lối đờn phóng khoáng, chơi đẹp và không theo lối mòn. Tuy nhiên, cũng làm phật lòng không ít người có quan điểm bảo thủ các bài bản ĐCTT. Người ta nói Hoàng Lưỡng đờn các bài vọng cổ “không bài nào giống bài nào”. Ông Hai Lợi lại trầm trồ: “Nó đờn thường xuyên xuất thần, hứng đâu “hốt” đó. Đôi khi mình bảo thủ lại thấy nó đờn tầm bậy, nhưng khi nghe lại thì hay vô phương”.

Nổi danh rất sớm từ phong trào ĐCTT ở địa phương với ngón đờn hào hoa, Hoàng Lưỡng lần lượt đầu quân cho nhiều đoàn cải lương danh tiếng. Nhưng chẳng nơi nào anh làm việc lâu vì tâm lý mau chán. Thôi đờn cho Đoàn cải lương Tây Đô, Hoàng Lưỡng lại có cơ hội thi thố khác. Năm 1997, anh  được cử sang Nhật biểu diễn theo lời mời từ phía bạn, một hình thức quảng bá văn hóa - du lịch của Việt Nam ở xứ Phù Tang. Anh đã tạo ngạc nhiên cho khán giả Nhật bằng việc bên cạnh chơi nhạc tài tử bằng đờn ghi ta phím lõm, đờn kìm, đờn hạ uy di… thì anh lại chơi nhạc dân tộc Việt Nam bằng các loại nhạc cụ dân tộc của Nhật Bản. “Mình vốn thích tìm tòi. Nhưng trong chuyện chơi ĐCTT bằng nhạc cụ Nhật, tôi muốn tạo ấn tượng để khán giả Nhật nhớ hơn về nhạc Việt Nam”, Lưỡng tâm sự.

Bỏ đờn đi... lái heo

Sau 3 tháng biểu diễn ở Nhật, trở về cứ nghĩ sự nghiệp sẽ thẳng tiến, không ngờ Hoàng Lưỡng lại tuyên bố bỏ đờn. Những người có trách nhiệm ở Cần Thơ lẫn những ai quý tài năng của Hoàng Lưỡng đều không khỏi ngạc nhiên bởi quyết định đột ngột của anh. Hoàng Lưỡng giải thích: “Lúc đó tôi nghĩ đờn ca không có tương lai. Còn ôm đờn đến các nhà hàng, quán nhậu để kiếm cơm thì tủi nghề quá”.

Theo Hoàng Lưỡng thì ĐCTT phải ở vị trí sang trọng, thanh cao và vô nhiễm. Nếu để kiếm cơm, anh thà về nhà phụ vợ đi… lái heo. Và anh đã làm thiệt. Các nhạc cụ đắt giá theo anh thời gian dài, Hoàng Lưỡng mang đi cho hết. Cho để không nhìn thấy cây đờn nữa, để chuyên tâm vào nghề vốn chẳng dính dáng gì tới nghệ thuật. 

Buông dây tơ rung để bắt dây lạt trói heo đó là một nỗi buồn không gì buồn hơn. Nếu ai biết rằng, để có một Hoàng Lưỡng với ngón ghi ta xuất sắc như ngày nay, anh đã có cả tuổi thơ đeo đuổi cây đờn. Nhà nghèo, học đờn ba mứa, Hoàng Lưỡng đi biểu diễn để... bán bánh bò, rồi chết danh “nghệ sĩ bánh bò”. Sau, anh vào lò bánh mì biểu diễn để các thợ bánh quên buồn ngủ. Được bao nhiêu tiền, anh đưa cả cho thầy dạy đờn. Người thầy đầu tiên của anh là ông Út Tròn, ở Chợ Bà (TX.Bình Minh, Vĩnh Long). 18 tuổi, thầy Út Tròn thấy Hoàng Lưỡng có thể phát triển nên gửi cho Đoàn nhân dân Kiên Giang và nghiệp đờn của anh bắt đầu từ đó. Thời ấy dân đờn ít, mà đờn giỏi lại càng hiếm, Hoàng Lưỡng được nhiều đoàn săn đón. Anh liên tục “nhảy việc” qua các đoàn Sông Bé 3, Kiều Hoa, Kiều Lan, Minh Thiện, Sông Bé Mới, Hàm Luông, cuối cùng là về Đoàn cải lương Tây Đô.

Trở lại thời điểm Hoàng Lưỡng đi lái heo, anh cự tuyệt với cây đờn suốt 11 năm. Thời gian này, anh từ chối rất nhiều lời mời. Mãi đến khi gặp nghệ nhân Hai Lợi tại một đám cưới nhà người quen, nể danh thầy Hai Lợi, Hoàng Lưỡng lần đầu tiên cầm lại cây đờn song tấu với bậc tiền nhân này. Thấy ngón đờn “anh lái heo” quá độc, ăn đứt nhiều tên tuổi khác, ông Hai Lợi thuyết phục Hoàng Lưỡng tham gia sinh hoạt ĐCTT ở địa phương H.Ô Môn (cũ). Không ngờ, những buổi sinh hoạt này đã giúp anh sống lại máu nghề. Anh bỏ nghề lái heo. Mượn cây đờn “cù lần” của một người bạn, Hoàng Lưỡng trở lại Cần Thơ kiếm sống bằng nghề đờn, cốt là để có cơ hội tiếp xúc với môi trường ĐCTT. Nhanh chóng gây dựng lại tên tuổi, Hoàng Lưỡng được mời về Trung tâm văn hóa Cần Thơ để giảng dạy ĐCTT và làm chương trình cho các hội thi, hội diễn bộ môn này. Đến nay, Ban ĐCTT Cần Thơ được đánh giá là một trong 6 ban ĐCTT hay nhất Việt Nam. Ngoài ra, anh cũng thường xuyên nhận lời mời biểu diễn ĐCTT cho khán giả truyền hình. Hôm gặp chúng tôi, Hoàng Lưỡng hớn hở khoe vừa gây dựng được CLB ĐCTT Tri m gồm những tên tuổi mới, giàu tiềm năng. Theo anh, lúc này mình mới thực sự sống lại với cây đờn. 

Tiến Trình

>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 7: Đệ nhất nguyệt cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 6: Gánh hát toàn nữ nông dân
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 5: Những 'tài tử huyền thoại
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 4: 80 năm, một tiếng đờn
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 3: Nguyễn Vĩnh Bảo - đệ nhất danh cầm
>> Báu vật đờn ca tài tử - Kỳ 2: Bạch Công Tử bị bỏ quên
>> Báu vật' đờn ca tài tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.