Ngay ngáy lo mai này người làng xã sẽ quên đi văn hóa dân tộc mình, ông bỏ việc nhà, hằng ngày chỉ dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho dân làng. Hết lớp này đến lớp khác, bây giờ làng ông có đội nghệ nhân gần chục lần xuất ngoại biểu diễn cho thế giới biết văn hóa Tây nguyên.
A Thur (thứ 2 từ trái qua) và đội nghệ nhân làng Đăk Wớt - Ảnh: P.A
|
Ông là nghệ nhân A Thur (62 tuổi), người Ba Na ở làng Đăk Wớt, xã Hơ Moong, H.Sa Thầy (Kon Tum).
Theo thầy A Thur múa xoang
Một lần về Đăk Wớt, được nghe, được thấy các nghệ nhân chân chất ở đây tập biểu diễn để sang Pháp tham gia lễ hội, mới hiểu vì sao đồng bào Tây nguyên mê đến thế. Điều đáng nói là, những nghệ nhân ấy có người tuổi đã 60, trung niên, nhưng cũng có người chỉ mới đôi mươi. Hôm đó, trời Tây nguyên mưa gió tơi tả, nhà rông bị mưa tạt vào ướt mèm, nhưng gần 30 nghệ nhân vẫn như “lên đồng” say sưa tập đánh cồng chiêng và múa xoang nhịp nhàng.
Y Lạng (18 tuổi) kể đã tham gia học múa xoang với thầy A Thur từ năm 14 - 15 tuổi. Giống bạn bè trang lứa, ban đầu Y Lạng chưa thích múa xoang. Sau nghe lời A Thur “phải học múa, không phải cho mày, mà cho làng Ba Na mình đấy, con à!”, Y Lạng mới đi tập múa. Ban ngày đi học, hết đi học lại đi rẫy, nhưng một tuần 2 - 3 buổi chiều thầy A Thur dạy múa xoang, Y Lạng đều có mặt đầy đủ và càng học thì càng thích, thân hình cân đối, uyển chuyển hơn.
A Tráp (61 tuổi), người đánh cồng của làng nghệ nhân Đăk Wớt, bảo không chỉ dạy múa xoang cho các cô gái làng, A Thur còn dạy đám thanh niên đánh cồng chiêng nữa. Theo A Tráp, đã gần 20 năm A Thur bỏ sức ra dạy cồng chiêng và múa xoang, trai gái trong làng, trong xã từng theo “học nghệ”, nếu không giỏi thì cũng rành. Ấy là chưa kể, riêng làng Đăk Wớt có đội nghệ nhân 30 người, nhuần nhuyễn đánh cồng chiêng và múa xoang, sẵn sàng biểu diễn bất cứ vùng nào khi được tỉnh Kon Tum điều động.
Tiếng thơm để lại cho đời
A Thur mê cồng chiêng và các điệu hát xoang từ cảm hứng của bác ruột là A Thik và nhất là máu “gia truyền” từ người cha A Bek. Những ngày còn niên thiếu, A Thur học văn hóa (viết và giao tiếp được tiếng Anh), nhưng cái “ăn trong cái bụng mình” là cồng chiêng ngân nga của dân tộc Ba Na. “Hồi đó làng xã mình chỉ có người già mới biết đánh cồng chiêng thôi. Mình thì mê đàn, nhưng thấy lớp trẻ không ai biết cồng chiêng nên mình học. Chính thức là năm 1996 mình bắt đầu dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho thanh niên nam nữ, thậm chí là cả người trung niên nữa”, A Thur tâm sự.
Những ngày đầu dạy, đám thanh niên có ai ham đâu, có điều A Thur bảo nên bọn trẻ nghe lời. Dần dần từ chỗ vâng lời, nam nữ thanh niên mê dần, lớp dạy ban đêm ở nhà rông trong ánh lửa bập bùng phải chuyển dần xuống sân vì “lũ nhỏ đi đông, nhà rông không có chỗ đứng”. Cái khó của A Thur là, tiếng cồng chiêng thì ít nhiều mấy người già còn nhớ điệu, giữ nhịp, còn múa xoang thì mỗi ngày mai một dần. Thế là A Thur thân hành đi học múa xoang từ các nữ nghệ nhân Ba Na, tập múa cho thuần thục và đẹp mắt rồi về dạy lại.
“Nhiều điệu xoang giờ mất dần điệu gốc cổ, mình nghiên cứu và sáng tác thêm cho phù hợp với tiếng chiêng, tiếng cồng”, A Thur kể. Nói thì nghe đơn giản, nhưng cái “nghiên cứu” này khó vô cùng. Bởi người Ba Na rất phong phú lễ hội, mỗi điệu múa xoang phải phù hợp với từng lễ hội đó. Vì vậy, A Thur phải “vắt óc” ra mới thành công như bây giờ. Đám con gái, đàn bà bây giờ ở xã Hơ Moong rành múa xoang, phần lớn đều nhờ những buổi tối A Thur dạy ở nhà rông.
Biết đánh cồng chiêng thì phải có… chiêng, cồng mà chơi chứ! A Thur đã mang những bộ chiêng, trong đó có bộ rất quý, để cho làng tập luyện và đánh trong những lễ hội. Không những thế, ông còn lùng mua những bộ chiêng từ bên Lào mà ngày xưa người làng vốn có nhưng đã bán mất đi, hoặc mất trong chiến tranh. Sưu tầm chiêng mãi đến giờ, A Thur có trọn 3 bộ chiêng quý với trên 30 cái cả thảy, trị giá trên 500 triệu đồng. Theo đó, bộ chiêng quý chỉ mang ra đánh những ngày lễ hội lớn, 2 bộ còn lại thì mang ra dạy cho thanh niên làng.
A Thur kể: “Năm 1983 thiếu ăn, ông ngoại mình có cái chiêng quý định bán đi. Nghe chuyện, mình dắt… đàn bò qua đổi cái chiêng này. Năm 2007, mình dẫn 16 nghệ nhân của làng sang Mỹ biểu diễn. Có người đến trả 50.000 USD cái chiêng này nhưng không bán. Mình phải giữ lại chiêng, vì chiêng này rất nhiều làng đâu còn nữa. Giữ là giữ hồn cho làng, cho đời sau còn chiêng để đánh”.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Hờ Moong, nhận xét: “A Thur với uy tín của mình đã đoàn kết đồng bào, góp phần rất lớn vào công cuộc an sinh xã hội. Đội nghệ nhân làng Đăk Wớt do A Thur quản lĩnh đã có tiếng lành vang xa. Đến nay, chưa thấy ai có thể thay A Thur duy trì đội cồng chiêng nổi tiếng này”.
Anh Trần Lâm, Phó phòng Nghiệp vụ, Sở VH-TT-DL Kon Tum, nói làng nghệ nhân Đăk Wớt đã có gần chục lần được mời ra nước ngoài biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát kể sử thi... Lần đầu tiên là tháng 7.2007, tham gia lễ hội “Mê Kông - Dòng sông kết nối các nền văn hóa” và gần đây nhất là lễ hội nhiệt đới tại Pháp vào đầu tháng 7.2014.
|
Bình luận (0)