(TNO) Ông Võ Tuấn Nhân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội cho biết với dự án bauxite ở Tây nguyên hiện nay, môi trường không phải vấn đề lo lắng hay trở ngại lớn nhất, mà đó chính là hiệu quả kinh tế.
>> Các dự án khai thác bauxit phải đảm bảo lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước
>> Thẩm định lại đánh giá tác động môi trường dự án bauxit ở Đắk Nông
>> Kiểm tra dự án tổ hợp bauxit - nhôm Tân Rai
>> Khai thác bauxit quy mô lớn ở Tây Nguyên: Nhiều vấn đề nan giải
>> Lâm Đồng: Trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Bauxit nhôm
>> Động thổ dự án tổ hợp bauxít-nhôm đầu tiên ở Việt Nam
|
Ông Nhân cho biết vừa rồi đoàn công tác của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đã lên Tây nguyên, tiến hành đánh giá và đưa ra kết luận việc xử lý hồ bùn đỏ thuộc dự án là an toàn thực sự, nhưng đầu tư lớn. Ban đầu dự kiến số tiền bỏ ra chỉ mấy chục tỉ đồng, nhưng sau đó vốn đầu tư vọt lên tới hơn trăm tỉ.
Nguyên nhân chi phí tăng, ông Võ Tuấn Nhân cho biết ban đầu thiết kế đầu tư hồ bùn đỏ có kinh phí không cao, nhưng khi đang làm thì xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ trong khai thác ở bauxite Hungary nên Chính phủ yêu cầu làm thêm đánh giá tác động môi trường, độ an toàn của hồ chứa. Thiết kế cũng được nâng lên ở mức rất chuẩn là nguyên nhân chính khiến cho chi phí vọt lên hơn trăm tỉ đồng.
“Việc xử lý như vậy, chúng tôi đánh giá là tốt, nhưng nó làm tăng mức đầu tư lên, và liên quan đến hiệu quả dự án. Ủy ban chúng tôi chỉ có ý kiến về môi trường và công nghệ, còn hiệu quả thì do Ủy ban Kinh tế đánh giá”, ông Nhân chia sẻ.
Đánh giá sự quan tâm của dư luận xã hội đối với vấn đề môi trường khi triển khai các dự án bauxite tại Tây nguyên là cần thiết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Quốc hội cho biết đã có báo cáo gửi Quốc hội trong kỳ họp trước. Ông cho biết vì đã có ý kiến từ báo chí và dư luận, được Chính phủ chỉ đạo cần quyết liệt trong khâu đảm bảo môi trường, nên công trình chứa hồ bùn đỏ, theo khảo sát từ phía Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội đã được làm khá bài bản, khó có khả năng xảy ra sự cố như công trình tại Hungary.
Với các ý kiến chuyên gia đề nghị tạm dừng dự án Nhân Cơ để xem lại công nghệ và nhà thầu, ông Nhân cho biết Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường vẫn chưa bàn vấn đề này. “Còn cá nhân tôi cho rằng Nhân Cơ và Tân Rai là 2 dự án mà Bộ Chính trị đã cho phép thí điểm, đã thí điểm thì phải có các tiêu chí, sau đó mới nhân rộng để làm những cái khác nữa. Với Nhân Cơ, cần chỉ ra tiêu chí rõ ràng để sau này khi ra sản phẩm mới thấy được rõ ràng đầu tư như thế, hy sinh như thế thì kết quả ra thế nào, có mang lại hiệu quả xứng đáng không. Còn đang đầu tư mà dừng nửa chừng thì chưa đến được kết luận gì, nếu Chính phủ thấy có thể kết luận được rõ ràng là mô hình này không hiệu quả thì mới dừng”, ông Nhân bày tỏ.
Đại diện Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cũng nêu quan điểm, khi dư luận còn nhiều tranh luận, dự án nên được đưa ra Quốc hội để thảo luận. Quốc hội cần phải thảo luận để từ ý kiến của đại biểu, Chính phủ cần tiếp thu, chỉ đạo, điều chỉnh, nhất là khi bàn về kinh tế xã hội, cần đề cập các nội dung còn khúc mắc như hiện tại. Yếu tố xét đến theo ông là chủ trương đầu tư công, khai thác bauxite có gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững hay không.
Bảo Cầm - Lê Quân
Bình luận (0)