20 năm sống “lậu” trên quê hương mình
Câu chuyện oái oăm đó đã kéo dài hàng chục năm qua ở A Dơi Đớ. Vì những yếu tố lịch sử nên hàng trăm người dân bản làng này lâm cảnh: trẻ ra đời không có giấy khai sinh, người qua đời không có giấy chứng tử.
Cụ thể, từ hàng trăm năm trước, người Vân Kiều sống rải rác ở quanh khu vực này, sau khi VN và Lào hoạch định biên giới vào năm 1977, lấy dòng Sê Pôn phân chia đường biên thì đất và dân A Dơi Đớ cũng chia đôi, một phần thuộc về Lào, một phần về VN. Sau nhiều năm sống bên đất bạn, lần lượt những người dân của bản A Dơi Đớ thực hiện một cuộc “trở về” quê hương một cách tự phát và kéo theo những hệ lụy trớ trêu. “Tôi về VN vào năm 2000. Ở đây đang có mồ mả bố mẹ tôi, đang có họ hàng bà con của tôi sinh sống”, Pả A Giỏ (55 tuổi), Trưởng bản A Dơi Đớ, giải thích.
tin liên quan
40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17.2.1979 - 17.2.2019): Cộng đồng quốc tế chung lòng với Việt NamChưa kể, nơi biên giới này, kể cả người dân có đầy đủ hộ tịch, sống còn vất vả, nên những người sống “bất hợp pháp” như dân bản A Dơi Đớ cực khổ trăm bề. “Mấy đứa con tôi có đứa nào có giấy khai sinh đâu. Mấy thầy cô “lơ” đi để cho chúng đi học nhưng cũng chỉ hết được cấp 2 thôi, còn sang cấp 3, nhà trường yêu cầu nộp giấy khai sinh, sổ hộ khẩu..., lấy đâu ra! Có đứa lấy vợ ra riêng rồi cũng không làm được hộ khẩu, chắc con nó cũng như nó”, bà Hồ Thị Sưn than thở.
Vậy nên mới có chuyện, dù nhà nước đã có nhiều chế độ hỗ trợ dành cho học sinh miền núi nhưng con em bản A Dơi Đớ không được thụ hưởng. Cái cảnh các bạn được nhận quà bánh, gạo muối còn trẻ con A Dơi Đớ chỉ biết ngồi đó, ngẩng đầu, mắt ướt ước mơ... cứ lặp đi lặp lại qua nhiều năm. Tương tự, những ngày lễ tết, dân các bản khác nô nức kéo nhau đến UBND xã, nhà trưởng bản để nhận gạo, quà cứu trợ còn dân A Dơi Đớ... không quan tâm, vì đơn giản nếu có đi thì họ cũng tay không trở về.
|
Các chế độ trợ cấp xã hội giờ được thực hiện rộng khắp đất nước VN này nhưng tưởng như không bao giờ tới được với A Dơi Đớ. Đối với người dân nơi đây, việc tiếp cận vốn vay, xóa đói giảm nghèo khó hơn cả... hái sao trên trời. Nên cái nghèo cứ quẩn quanh trong cái bản nhỏ nằm bên bờ sông biên giới này. Họ cứ sinh ra, lớn lên rồi ra rừng ma khi chết đi mà không được pháp luật công nhận.
|
Đón tết kiểu... người có quốc tịch !
Những ngày cuối cùng của tháng 12.2018 sẽ là ngày mà người dân của bản A Dơi Đớ mãi mãi không bao giờ quên. Bởi đó là ngày 119 con dân của bản được công nhận có quốc tịch VN.
Đó là kết quả của một hành trình dài, công phu của tỉnh Quảng Trị và ngành chức năng T.Ư, đặc biệt là Bộ Tư pháp, trong nỗ lực trả lại quốc tịch cho những người dân sống “không biên giới”, di cư tự do. Nói như ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban Chỉ đạo biên giới tỉnh Quảng Trị, thì việc 119 người dân A Dơi Đớ được trao quyết định cho nhập quốc tịch VN thể hiện tinh thần nhân đạo, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ, tạo điều kiện cho họ sống ổn định, hòa nhập vào đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và ngăn chặn các cá nhân, tổ chức xấu lợi dụng làm mất an ninh trật tự vùng biên.
|
20 năm là khoảng thời gian khá lâu để cho người dân A Dơi Đớ lần đầu tiên được trải nghiệm một mùa xuân... có quốc tịch. Đến việc được gọi tên để đi nhận quà theo chế độ của nhà nước cũng đủ làm cho người dân miền biên giới này xúc động đến trào nước mắt. “Chúng tôi đã đường đường chính chính đi nhận quà chứ không phải là những phần quà mà trước đây nhờ cán bộ xã “linh động” mới có...”, bà Hồ Thị Soan nói.
“Tôi tin rằng với động lực mới mẻ, người dân sẽ có khát vọng vươn lên, làm giàu, làm đổi thay một vùng đất biên giới xa xôi, cách trở”, ông Hoàng Khánh Hòa, Phó chủ tịch UBND xã A Dơi, nói thêm.
|
Cùng những người lính biên phòng đến thăm những nóc nhà sàn ở A Dơi Đớ ngày xuân, thấy những đổi thay lạ thường. Những lá cờ Tổ quốc đã được treo lên cao, tung bay phất phới như nói hộ cho sự tự hào của những người dân lần đầu có quốc tịch. Trong niềm hân hoan, bà con cũng ráng dành dụm để sắm bánh mứt, giết gà, nấu xôi... đón những đoàn khách phương xa đến chia vui. Niềm vui còn đến một cách hồn nhiên qua ánh mắt, nụ cười và cả câu nói thật giản đơn mà mấy mươi năm mới bật ra được: “Bây giờ tôi đã là người VN rồi nhé. Tết của tôi cũng là tết như bao người VN”.
|
Dẫu biết rằng, không cứ có quốc tịch thì cuộc sống của người dân A Dơi Đớ sẽ thôi khó khăn, cái đói cái nghèo cũng “bỏ chạy” đi nơi khác, nhưng có một điều chắc chắn là sự phấn chấn đã trở lại, mùa xuân của bà con ở rẻo cao này trở nên ấm áp và ý nghĩa hơn bao giờ hết. Để sang năm mới, khi đã là người có quốc tịch, họ đang ấp ủ biết bao dự định: là làm giấy khai sinh đàng hoàng cho con, là đủ điều kiện để vay vốn làm ăn kinh tế... “Cũng từng ấy gạo, cũng từng ấy mắm muối, cùng từng ấy rượu cần... nhưng tết năm nay vui chi lạ”, ông Hồ Văn Kia, người có quốc tịch khi đã bước qua tuổi 45, tếu táo nói.
Bình luận (0)