Tôi đã qua thời thơ ấu tại một con phố nhỏ vùng Bảy Hiền. Bảy Hiền xưa đâu có nhà cửa san sát như bây giờ, chỉ có đường Nguyễn Văn Thoại (nay là Lý Thường Kiệt) và bệnh viện Vì Dân (nay là bệnh viện Thống Nhất) là mang chút hơi hướng thành phố.
Lúc đó, đường Nguyễn Văn Thoại là “khu đèn đỏ” nổi tiếng, có nhiều Mỹ ra vào. Con gái chúng tôi cứ đến tối là bị cha mẹ cấm cửa, không cho lảng vảng tới đó.
Nhà tôi ở đường Võ Thành Trang, dân cư xen kẽ ruộng lúa, sau nhà là vườn cao su bát ngát, người chân ướt chân ráo tới viếng rất dễ bị lạc trong các đường mòn chằng chịt. Sau cơn mưa rào, có thể thưởng thức giàn đồng ca của ếch ương. Mỗi ngày tôi phải dậy từ 5 giờ sáng, giúp mẹ dọn hàng ở chợ Võ Thành Trang.
|
Tờ mờ sáng, tiếng lục lạc của xe thổ mộ đã xé toạc màn đêm. Xe chở rau quả, hoa tươi, gà vịt từ Củ Chi, Bà Điểm tới Bảy Hiền. Chợ Võ Thành Trang và chợ Bảy Hiền (nay là Nhà thi đấu Thể thao Q.Tân Bình) đã thành nơi tập kết hàng. Xe dừng lại, các tiểu thương ùn tới, phân chia hàng hóa tại chỗ, trả tiền ngay, không ai mặc cả, không ai chây ì, cũng không có đầu nậu. Tôi không hiểu có liên quan gì đến phần mộ mà gọi là “xe thổ mộ”, cũng như không hiểu Bảy Hiền là nhân vật như thế nào. Chẳng ai giải đáp cho tôi được rành mạch.
Xe lam ra đời, đã tiễn đưa xe thổ mộ kêu leng keng vào viện bảo tàng. Ngã tư Bảy Hiền là nơi xung yếu về giao thông, nên đã trở thành trạm trung chuyển của xe lam. Từ đó ngã tư Bảy Hiền ngày càng phồn vinh.
Mượn gió đô thị cất cánh, cha tôi bày bán linh kiện ô tô ngay ngã tư Bảy Hiền và ngày một khấm khá. Căn nhà tôn ọp ẹp của gia đình tôi cũng nâng cấp thành ngôi nhà lầu 4 tầng, mẹ tôi mở tiệm chạp phô ngay trước cửa. Tôi đã trở thành “dân thị”, còn ngã tư Bảy Hiền thời thơ ấu đã mãi mãi lui về miền ký ức.
Chợ Bà Hoa là chợ bán đồ miền Trung nổi tiếng nhất thành phố, ở đây bạn có thể thưởng thức hầu khắp các món đặc sản miền Trung như mì Quảng, cao lầu, chả bò …còn ngon hơn cả chính gốc. Người ta đã đặt ra nhiều giả thuyết nguồn gốc tên gọi “chợ Bà Hoa”, nhưng đều trật hết, chỉ có tôi, người từ nhỏ lăn lộn với người xứ Quảng mới hiểu rõ lai lịch.
Khoảng giữa thế kỷ trước, rất nhiều người Quảng Nam, tiếp theo là người Quảng Ngãi, ùn ùn kéo đến Bảy Hiền lập nghiệp, hình thành một quần thể đông đảo. Để trao đổi hàng hóa, người Quảng đã hình thành một chợ tự phát không tên chính thức, người địa phương gọi là “chợ Quảng”.
|
Chợ đang làm ăn tưng bừng, bất ngờ bị bà hỏa viếng, thành đống tro tàn. Đang lúc mọi người khoanh tay bó gối, thì một phụ nữ người Hoa xuất hiện như vị cứu tinh. Bà đã khảng khái mở hầu bao xây lại ngôi chợ. Do vị nữ mạnh thường quân này không để lai họ tên, nên mọi người nhất trí gọi là “chợ Bà Hoa”, để ghi nhớ công ơn bà. Ngày nay, mỗi khi nhắc đến “bà Hoa”, các bậc kỳ lão xứ Quảng đều cung kính nể phục.
Phường 11 Q.Tân Bình ngay ngã tư Bảy Hiền có đến 90% người gốc Quảng Nam, họ mang theo kỹ nghệ gia truyền, hình thành xóm dệt Bảy Hiền nổi tiếng, cộng hưởng từ xa với trại Phú Bình của người Hoa, đã đóng góp lớn cho kinh tế thành phố thời tiền mở cửa.
Khi trở về mái nhà xưa, tôi đã không còn thấy khung cửi. Đô thị của ta có thể dung nạp được tiếng ồn 70dB, nhưng không dung nạp được tiếng thoi đưa nhẹ nhàng!
Tôi đã đón nhận bước ngoặt cuộc đời: Bạch mã hoàng tử trong mơ đã đến rước tôi. Nhà chồng tôi ở đường Cách mạng tháng 8, Q.1, từ ngã tư Bảy Hiền đi một lèo là tới; hằng ngày, những chuyến xe lam từ Bảy Hiền tới phảng phất mang đến cho tôi nhịp thở của xóm xưa.
Tôi làm vợ, làm mẹ, lại phải phụ giúp chồng trông coi cửa hàng thời trang, mệt muốn đứt hơi luôn. Tranh thủ thời gian nghỉ ngơi khi bận rộn, tôi lái xe hơi chừng nửa tiếng, đến đường Hoàng Hoa Thám ăn gỏi cuốn, bột chiên, khô bò…ôn lại giấc mộng xưa; tôi dám cam đoan rằng tiệm bánh ướt đối diện bên hông bệnh viện Thống Nhất và bún bò huế ở chung cư Tân Sơn Nhì là ngon nhất thành phố.
Sau khi tôi xuất giá, bố mẹ đẻ tôi đã bán cố cư dọn qua Q.7. Nhà mới của bố mẹ tôi cũng có vườn cây, cũng có chuồng gà, nhưng không có tiếng ếch ộp, không còn ngửi thấy mùi không khí trong lành của rừng cao su. Tôi cũng không còn nghe thấy giọng nói thân thương của “những người hay cãi” nữa!
Thôi, vĩnh biệt những giấc mơ, vĩnh biệt tuổi thơ đến với đời ta chỉ một lần!
|
Bình luận (0)