Năm 1997, tôi từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn học đại học. Cuối năm 1998, đầu năm 1999 sau khi kết thúc giai đoạn đại cương tôi thi chuyển giai đoạn và bắt đầu bước qua học giai đoạn chuyên ngành luật thương mại. Hồi đó, sinh viên học Trường ĐH Luật TP.HCM, là một trong năm trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM bắt buộc phải học một năm rưỡi giai đoạn văn hóa đại cương ở Trường ĐH Đại cương, (Thuộc P.Linh Trung, Q.Thủ Đức), sau đó mới thi chuyển giai đoạn, đậu mới qua học chuyên ngành.
|
Tôi thuê trọ ở chung với các anh chị sinh viên luật khóa trước trong một khu tập thể của những người làm ngành đường sắt gần ga Bình Triệu. Lúc đó sinh viên K22C khoa luật Thương mại chúng tôi bắt buộc phải học ở tận cơ sở 2, đường Nguyễn Tất Thành, Q.4 (Hồi đó ĐH Luật chỉ có 2 cơ sở, cơ sở 1 nằm ở Bình Triệu, là nhà thờ Fatima bây giờ). Từ nơi tôi thuê trọ để tới trường học bắt buộc phải đạp xe qua 3 chiếc cầu, cầu đầu tiên là cầu Bình Triệu (Q.Thủ Đức), chiếc cầu thứ 2 là cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) và cuối cùng là chiếc cầu Khánh Hội, nằm sát trường học.
Chừng tầm 12 giờ trưa tôi đèo thằng bạn cùng phòng trọ, ốm nhách như tôi ngồi sau chiếc xe đạp cọc cạch, cà tàng tới trường. Thú thật, để đạp chiếc xe đạp cà tàng lên được dốc cầu Bình Triệu chúng tôi phải bở hơi tai, đĩa cơm bình dân có giá hơn 3.000 đồng mới ăn vừa xong coi như…tiêu tan theo những giọt mồ hôi! Hồi đó chỉ duy nhất cây cầu Bình Triệu (bây giờ có thêm cây cầu Bình Triệu 2), trưa đạp xe đi học hay chiều đạp xe về, quan sát từ bên cầu có thể nhìn thấy phía bên kia là cầu đường sắt Bình Lợi với đoàn tàu lửa đang “xình xịch” đưa khách vào ga Hòa Hưng (bây giờ là ga Sài Gòn).
|
Cầu Thị Nghè bây giờ đẹp và “xanh” hơn cách đây gần 20 năm trước rất nhiều bởi được sửa sang và trên cầu được chỉnh trang, trồng rất nhiều hoa, cây cảnh. Phía dưới bên hông dạ cầu vẫn không có gì “đổi thay”, vẫn là chợ Thị Nghè với tấp nập người mua, kẻ bán. Tôi hay có thói quen, cứ sau mỗi giờ chiều tan học, đạp xe ra khỏi trường, tôi chạy xe đạp lên cầu Khánh Hội đứng hóng mát, ngắm nhìn dòng nước trong mát và tàu thuyền qua lại, đang tấp nập ra vào cảng. Xa xa là bến Nhà Rồng chìm ảo trong sương chiều lãng đãng.
Điều đặc biệt là tôi rất thích đạp xe đạp ngang qua đoạn đường Tôn Đức Thắng (Q.1, đoạn đường gần hãng đóng tàu Ba Son, nơi ghi lại những dấu ấn lịch sử hào hùng, nổi tiếng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của quân và dân ta) bởi có thể nói đây là đoạn đường nổi tiếng, đẹp nhất nhìn thành phố với những hàng cây xanh cổ thụ rợp bóng mát hai bên đường. Có những hàng cây cổ thụ xà cừ thẳng đứng, cao vút, có hàng trăm năm tuổi và được coi là “nhân chứng của lịch sử” mà thân và gốc cây nhiều người ôm không xuể.
Hồi đó, dọc hai bên đường cũng có nhiều hàng quán như hủ tiếu, bún thịt nướng và những gánh nước mát, hàng rong… Đã vài lần cuốc bộ từ Q.4 về tận Bình Triệu (do bạn mượn xe đi chơi với bạn), tôi dừng chân, ngồi nhâm nhi những ly nước mát dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng mát trên đường và quan sát dòng người đông đúc, tấp nập và hối hả trên đường phố. Có những chiếc xe đạp cà tàng, kêu cọc cạch phía sau chất đầy những bao ve chai với những bàn chân trĩu nặng đạp vội vã ngang qua trước mắt, hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng cao vút, rợp bóng mát như người mẹ hiền, dang vòng tay yêu thương, ấm áp của mình để “che chở” cho những phận người nghèo khó, tha hương.
Có người ví Sài Gòn là nơi “đất lành chim đậu”, cũng có người ví “Sài Gòn giống như một bà mẹ hiền từ có tấm lòng bao dung, nhân hậu, luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay của mình để chào đón, ôm lấy những người con, những phận đời còn nghèo khó, tha phương vào Sài Gòn cầu thực, mưu sinh”... Cách ví von nào cũng rất đúng , cũng rất ý nghĩa và hình tượng nhưng tôi thích cách người ta ví von Sài Gòn giống như một bà mẹ nhân hậu, bao dung và nghĩa tình hơn cả.
Hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi trên đoạn đường Tôn Đức Thắng giờ đây chỉ còn gợi nhớ trong ký ức và sự hoài niệm của mỗi người. Dẫu vẫn biết rằng đó là quy luật tất yếu của sự vận động, là sự “mở đường” cho sự phát triển, phồn thịnh của thành phố, của một đô thị nhưng vẫn có một cảm giác nhói đau, sự mất mát vốn đỗi rất thân thương, gần gũi…
|
Bình luận (0)