Bảy mươi năm ngân vang bài thơ Việt Bắc

Hà Tùng Sơn
Hà Tùng Sơn
18/10/2024 18:43 GMT+7

Cách đây tròn 70 năm, bài thơ Việt Bắc, một trong những sáng tác thành công nhất của nhà thơ Tố Hữu được ra đời. Từ đó đến nay, trải qua bao thác ghềnh của lịch sử đất nước, bài thơ Việt Bắc vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa cao quý về cả hai phương diện nội dung và nghệ thuật.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954), Việt Bắc là để chỉ vùng đất rộng lớn ở phía Bắc Hà Nội bao gồm 6 tỉnh. Đó là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Thường được gọi tắt cho dễ nhớ là Cao - Bắc - Lạng – Thái - Tuyên - Hà. Tuy vậy, Việt Bắc trong bài thơ của Tố Hữu được nhắc đến không chỉ là một vùng đất ở trên lãnh thổ Việt Nam, mà đó còn là quê hương của những người con cách mạng, được xem là cái nôi của cách mạng Việt Nam. Với vị trí địa lý đặc biệt được xây dựng thành một chiến khu cách mạng, sáu tỉnh thuộc chiến khu Việt Bắc là vùng đất có vị trí chiến lược về các mặt chính trị và quân sự. Bởi tại nơi này, Bác Hồ và Trung ương đảng cùng Chính phủ kháng chiến đã thành lập mặt trận Việt Minh, chuẩn bị lực lượng vũ trang cho cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công và sau này tiến về tiếp quản thủ đô, lập lại hòa bình trên miền Bắc.

Bảy mươi năm ngân vang bài thơ Việt Bắc- Ảnh 1.

Thiếu tướng Chu Văn Tấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Chiến khu Việt Bắc (2.1951)

Ảnh: Chu Vân Anh

Trong không khí chiến thắng và phải giã biệt đồng bào nơi chiến khu cách mạng để trở về thủ đô Hà Nội, từ đầu đến cuối bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã lấy cảm hứng nghệ thuật từ những sự kiện lịch sử lớn của đất nước như Hiệp định Giơnevơ được ký kết vào ngày 21.7.1954, Hiệp định có nội dung tuyên bố chấm dứt chế độ thực dân, lập lại hòa bình ở ba nước Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia); đặc biệt sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Tháng 10.1954 bộ đội ta tiến vào tiếp quản thủ đô Hà Nội. Cũng thời điểm đó chính phủ trung ương đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh và cơ quan lãnh đạo Đảng đã từ biệt chiến khu cách mạng Việt Bắc, chia tay những người dân Việt Bắc nồng nàn yêu nước, yêu cách mạng để trở về với thủ đô Hà Nội. Vào thời điểm ấy, Việt Bắc được ra đời như một tất yếu trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà thơ lớn Tố Hữu. Đó là một giai đoạn hào hùng rất đáng tự hào của lịch sử đất nước Việt Nam ta. Vì thế bài thơ Việt Bắc được xem là một bản hùng ca thấm đượm chất trữ tình cách mạng nhằm ngợi ca đất nước và nhân dân vùng chiến khu Việt Bắc với những đóng góp lớn lao cho cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp thắng lợi.

Sự ra đời của Việt Bắc đã đánh dấu một trang vàng lịch sử trong hành trình đi đến vinh quang của Nhân dân, của Đảng Cộng sản và của Cách mạng Việt Nam trong đó nổi bật là tình cảm của nhân dân với cách mạng và của người cán bộ cách mạng với nhân dân. Ngay từ đầu bài thơ, chỉ với tám câu thơ đầu tiên, Tố Hữu đã nói lên đầy đủ nỗi niềm nhớ thương, nỗi nhớ mong da diết bồi hồi của đồng bào Việt Bắc với người cán bộ Cách mạng:

Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn?

Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ, bồn chồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay...

“Mười lăm năm ấy” là khoảng thời gian dài của lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp, là khoảng thời gian gắn bó bền chặt của chiến khu cách mạng, của cơ quan đầu não của cách mạng với đồng bào Việt Bắc.

Quãng thời gian “mười lăm năm ấy” cách mạng Việt Nam và nhân dân Việt Bắc đã gắn bó cùng nhau trong sự đồng cam cộng khổ để “bát cơm sẻ nửa chăn sui đắp cùng” để cùng nhau chiến đấu, cùng nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Nhắc lại những tháng ngày của “Mười lăm năm ấy” Tố Hữu nhằm bày tỏ sự trân trọng với người dân Việt Bắc trong những tháng ngày ở chiến khu cách mạng. Qua đó tác giả đã thể hiện được tấm lòng chất chứa đầy tình nghĩa giữa cách mạng với nhân dân và giữa nhân dân với cách mạng.

Với những câu thơ trữ tình, giàu nhạc điệu và hình ảnh sâu lắng, Việt Bắc của Tố Hữu đã khẳng định: Khi trở về thủ đô Hà Nội, sống trong hoàn cảnh mới những người cán bộ kháng chiến vẫn luôn nhớ mãi mối ân tình sâu nặng đã từng có với vùng đất và con người của chiến khu Việt Bắc. Bài thơ Việt Bắc do vậy là sự thể hiện tình cảm thủy chung gắn bó keo sơn của người cán bộ cách mạng từ thủ đô Hà Nội nhớ về đồng bào ở thủ đô kháng chiến Việt Bắc.

Việt Bắc đã ra đời trong một hoàn cảnh lịch sử vô cùng đặc biệt, là thời điểm ranh giới giữa chiến tranh được kết thúc trên nửa nước và hòa bình đang đến. Vì thế bài thơ đã chứa đựng đầy đủ những cảm xúc và tình cảm chân thành của tác giả Tố Hữu. Và đó cũng chính là tình cảm của những người cách mạng, của những người kháng chiến đối với đồng bào Việt Bắc thân yêu.

Cuối bài thơ Việt Bắc, Tố Hữu dành những lời thơ tha thiết để ca ngợi công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng, của cách mạng đã lãnh đạo đất nước hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp, đã vạch đường chỉ lối cho nhân dân ta đi đến thắng lợi vẻ vang.

Mình về với Bác đường xuôi

Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người

Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường!

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo

Nhớ chân Người bước lên đèo

Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...

Lòng ta ơn Đảng đời đời

Ngược xuôi, đôi mặt một lời song song.

Ngàn năm xưa, nước non Hồng

Còn đây, ơn Đảng nối dòng dài lâu

Đó là niềm tự hào vô biên làm nên chất anh hùng ca nhưng lại thắm đượm chất trữ tình cách mạng của bài thơ Việt Bắc. Do vậy trong suốt bảy mươi năm qua Việt Bắc luôn giữ vững vị trí là một trong những bài thơ đặc sắc nhất của Tố Hữu. Với những giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật, bài thơ Việt Bắc được thường xuyên có mặt trong chương trình văn học lớp 12 phổ thông và đã được dùng để đặt tên cho một tập thơ quan trọng của Tố Hữu, tập thơ Việt Bắc cùng các tập thơ tiêu biểu khác của ông như Từ ấy, Gió lộng, Ra trậnMáu và Hoa.

Nhà thơ Tố Hữu sinh năm 1920 mất năm 2000, tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành quê ở làng Phù Lai nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông sinh ra trong một gia đình Nho học ở Huế và có truyền thống thơ văn lại sớm được giác ngộ và đi theo cách mạng. Tố Hữu là người hoạt động cách mạng một cách hăng say, ông từng bị bắt giam trong các nhà tù thực dân Pháp. Nhà thơ Tố Hữu từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Con đường hoạt động nghệ thuật, sáng tác thơ ca của ông gắn liền với con đường hoạt động cách mạng như một sự thống nhất không thể tách rời. Mỗi tác phẩm của ông trong đó có tập thơ Việt Bắc là sự đánh dấu cho một một chặng đường cách mạng của cá nhân ông và đất nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.