Nhớ bài thơ tôi viết 10 năm trước khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

26/07/2024 08:00 GMT+7

Đó là bài thơ tôi viết sau 3 lần tới viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên vào năm 2012. Phải 2 năm sau, vào tháng 7.2014, tôi mới viết được bài thơ này, đúng vào tháng ngâu, tháng Ngưu Lang - Chức Nữ. Ngày 27.7.2024, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ, xin giới thiệu bài thơ này.

Tháng bảy mưa ngâu

mưa rả rích ngược đường sông Lô

mưa mờ che dãy núi nhấp nhô

mưa như nước mắt người lính cũ

khóc bao đồng đội tới bao giờ


mưa ngâu góa phụ trẻ khóc chồng

mưa ngâu Chức Nữ biệt Ngưu Lang

những hồn lưu lạc trong khe núi

có về đây như một tiếng vang?

Thanh Thủy Vị Xuyên bao nhiêu năm

các anh cùng đất đá ăn nằm

"chết thành đá linh hồn bất tử"

mưa ngâu tháng bảy hóa mưa dầm

mưa ngâu trắng trời nước mắt tuôn

mẹ cha chết lặng trước mưa buồn

con đi ngày ấy còn quá trẻ

cây bưởi nhà ta quả mới ương

con chưa biết mưa trên giàn trầu

chưa từng hò hẹn dưới hàng cau

con đi đi mãi về hun hút

cho tới ngày con hóa mưa ngâu

9.7.2014 tháng ngâu

Nhớ bài thơ tôi viết 10 năm trước khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên- Ảnh 1.

Nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang

MAI THANH HẢI

Đó là bài thơ mà mỗi lần đọc lại tôi đều rơm rớm nước mắt. Người con hy sinh, nhưng tất cả nỗi đau dồn về cha mẹ già, những người không còn bất cứ hy vọng gì nữa.

Năm 2012, tôi đã mấy lần lên Hà Giang và thắp hương trong Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Những người lính trẻ chống quân xâm lược nằm lặng lẽ trong nghĩa trang này. Tôi đọc trên nhiều bia mộ, không ít người lính từ khắp 30 tỉnh, thành trong cả nước đã về nằm đây, họ hy sinh năm mới 17, 18 tuổi. Bây giờ, Nghĩa trang Vị Xuyên là thiên nhiên của họ. Bất chợt, tôi nghĩ tới cha mẹ già của những người lính trẻ ấy, họ hy sinh vào đúng mùa mưa ngâu tháng bảy.

Nhớ lần đầu tiên xe chở vợ chồng tôi tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Nghĩa trang tọa lạc ngay bên đường lộ. Sau khi thắp hương, chuyện trò thân mật với mấy anh quản trang, tôi mới hiểu thêm về hoàn cảnh khó khăn của các anh bảo vệ ở nghĩa trang này. Do khi đó chưa được công nhận là nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia, nên một số phụ cấp trợ cấp các anh chưa được nhận.

Nhớ bài thơ tôi viết 10 năm trước khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên- Ảnh 2.

Người trẻ thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên

MAI THANH HẢI

Ở lần thứ hai tới viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, chúng tôi đi buổi chiều. Sau khi thắp hương ở Vị Xuyên, chúng tôi lên thẳng Thanh Thủy, một xã giáp biên, nơi đã từng diễn ra những trận đánh khốc liệt, nơi có ngọn Núi Đất - thực chất là núi đá - thuộc Thanh Thủy, là nơi chiến sĩ ta hy sinh nhiều nhất khi bảo vệ ngọn núi này.

Buổi chiều tối lên ngồi bên vệ đường trước Núi Đất, nghe cú rúc, chợt buồn thấm thía. Bao nhiêu người lính trẻ Việt Nam trong cả nước đã nằm lại nơi này, họ hy sinh để giữ từng tấc đất của Tổ quốc. Tiếng cú rúc như gọi hồn những người lính đã từng thề với nhau: "Chết thành đá linh hồn bất tử". Họ đã thực hiện đúng lời thề ấy, và hóa thành những ngọn khói sương chiều, "những hồn lưu lạc trong khe núi/có về đây như một tiếng vang?".

Bài thơ Tháng bảy mưa ngâu, tôi viết sau đó 2 năm, vào đúng tháng ngâu năm 2014, như một nén tâm nhang viếng linh hồn những người lính trẻ đã nằm lại ở Thanh Thủy, Vị Xuyên. Có rất nhiều liệt sĩ đã không còn tìm được hài cốt, họ đã hòa vĩnh viễn vào Đất Mẹ.

Năm nay, kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2024), tôi nhớ tới cha mẹ già của những người lính trẻ đã hy sinh ấy:

mưa ngâu trắng trời nước mắt tuôn

mẹ cha chết lặng trước mưa buồn

con đi ngày ấy còn quá trẻ

cây bưởi nhà ta quả mới ương

con chưa biết mưa trên giàn trầu

chưa từng hò hẹn dưới hàng cau

con đi đi mãi về hun hút

cho tới ngày con hóa mưa ngâu.

Chúng ta tưởng niệm các liệt sĩ, nhưng đừng bao giờ quên cha mẹ già của họ, những người đã hy sinh con mình cho Tổ quốc được hòa bình và phát triển như hôm nay.

Ký ức người lính ngày trở về mặt trận Vị Xuyên: Có những người hy sinh rất trẻ

Ai lên Hà Giang, qua TT.Vị Xuyên (H.Vị Xuyên, Hà Giang) khoảng 2 km, sẽ thấy Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên linh thiêng, uy nghiêm nằm bên trái QL2.

Đây hiện là nơi yên nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Trong đó, chủ yếu là liệt sĩ mặt trận Vị Xuyên, đã ngã xuống trong ròng rã 10 năm bảo vệ mảnh đất địa đầu Vị Xuyên (1979 - 1989).

Ông Nguyễn Ngọc Bài, Trưởng phòng LĐ-TB-XH H.Vị Xuyên, kiêm Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên, cho biết tính đến tháng 7.2024, trong nghĩa trang có 1.913 phần mộ liệt sĩ và 1 mộ tập thể các liệt sĩ hy sinh tại Hang Sập, bình độ 400.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên được xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991, ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Nghĩa trang nằm cạnh QL2, thuộc tổ 18, TT.Vị Xuyên, H.Vị Xuyên; cách trung tâm huyện lỵ Vị Xuyên 2 km và cách TP.Hà Giang khoảng 18 km. Địa thế xây dựng cũng được lựa chọn rất kỹ: tựa lưng vào dãy núi Tây Côn Lĩnh, hướng ra phía trước là dòng sông Lô.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.