'Bẫy nợ' từ Con đường tơ lụa mới

27/12/2017 11:46 GMT+7

Trung Quốc đang sử dụng nợ chính phủ để tạo đòn bẩy chính trị đối với các nước đang phát triển tham gia vào Con đường tơ lụa mới.

CNBC dẫn nhận định từ các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi cho biết, sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc đang "kìm kẹp" các nước đối tác và "tước đoạt" tài sản thiên nhiên có giá trị. Bắc Kinh đang tài trợ và thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng lớn tại 68 quốc gia tham gia vào sáng kiến đầy tham vọng dọc theo khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Đa số các nước tham gia vào dự án Con đường tơ lụa mới là những nền kinh tế mới nổi, có nhu cầu lớn về các khoản đầu tư nước ngoài. Những nước này sẽ nhận được tài trợ bằng nhiều hình thức khác nhau như các khoản vay từ chính phủ Bắc Kinh và tín dụng từ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phải thực hiện một số nghĩa vụ tài chính không hợp lý đã làm dấy lên mối quan ngại về “bẫy ngoại giao” tiềm ẩn. Đầu năm nay, chính quyền của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra cảnh báo về những gánh nặng nợ không bền vững được tạo ra bởi sáng kiến “Vành đai, Con đường”.
Theo ông Brahma Chellaney, Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách New Delhi kiêm cựu cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ, Bắc Kinh đang sử dụng nợ chính phủ để gây ảnh hưởng, buộc các nước khác phải hành động theo ý họ. Ông Chellaney thậm chí đã mô tả các chính sách của Đại lục như một hình thức “chủ nghĩa chủ nợ”. Trong một bài viết đăng trên trang Project Syndicate, ông Chellaney đã chỉ ra trường hợp của Sri Lanka như một ví dụ điển hình. Quốc gia Nam Á, do không thể trả lại các hóa đơn nợ nặng nề cho Trung Quốc, gần đây đã phải chuyển giao cảng Hambantota của mình cho công ty China Merchants Port Holdings thuộc sở hữu nhà nước theo một hợp đồng trị giá 1,1 tỉ USD.
“Trường hợp của Hambantota cho thấy Trung Quốc đang thiết lập và nắm giữ đòn bẩy chính trị đối với chính phủ các nước khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể buộc người vay phải hoán đổi nợ cho vốn chủ sở hữu, qua đó mở rộng dấu chân trên toàn cầu của họ bằng cách đưa ra các bẫy dưới hình thức cho vay. Trên thực tế, các khoản cho vay dễ dàng của Trung Quốc thực sự có khả năng gây nghiện. Và bởi vì Trung Quốc thường chọn các dự án theo giá trị chiến lược dài hạn, nên các khoản lợi nhuận ngắn hạn không đủ để các nước khác trả nợ”, ông Chellaney giải thích.
Sri Lanka không phải là trường hợp duy nhất. Năm 2016, Djibouti, một trong những nước tham gia vào sáng kiến “Vành đai, Con đường”, do nợ nần nặng nề đã đồng ý cho Bắc Kinh thuê một trong các căn cứ quân sự của mình với giá 20 triệu USD mỗi năm. “Trung Quốc cũng đã sử dụng đòn bẩy trên Turkmenistan để đảm bảo đường ống dẫn khí tự nhiên được dùng phần lớn từ Trung Quốc. Nợ nần của Kenya đối với quốc gia châu Á đang đe dọa biến cảng Monbasa bận rộn, cửa ngõ vào Đông Phi, thành một Hambantota khác”, ông Chellaney cho biết thêm.
Song, những ý kiến ủng hộ “Vành đai, Con đường” cho rằng những lo ngại về ý định kiểm soát địa chính trị của Bắc Kinh đang bị thổi phồng, đồng thời chỉ ra tiềm năng kinh tế rộng lớn khi tham gia vào sáng kiến này. “Vành đai, Con đường” được đánh giá cao vì sự đóng góp của nó cho việc tái thiết và phục hồi các nền kinh tế. Nếu các nước nhận viện trợ thực hiện những cải cách quan trọng làm tăng tính minh bạch và khả năng dự báo tài chính, thì rủi ro đầu tư sẽ giảm đáng kể”, Shang Jin Wei, Giáo sư Đại học Columbia viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.