Nhiều năm về trước, tác giả Thomas Friedman đã cho xuất bản một quyển sách nổi tiếng đề cập đến tự do hóa thương mại quốc tế. Đó là quyển Thế giới phẳng. Trong hoạt động giao thương quốc tế, biên giới vật lý của quốc gia dường như không còn tồn tại. Hàng hóa tự do thông thương, luồng tri thức, tiền tệ cũng theo đó chảy xuyên suốt các quốc gia, hình thành nên hệ thống giao thương toàn cầu.
Tham gia vào dòng chảy toàn cầu này không còn là một tùy chọn, mà gần như là bắt buộc để quốc gia tận hưởng tất cả những lợi thế mà kinh tế tự do toàn cầu mang lại. Nhưng, cũng giống như bất kỳ sự kiện nào cũng đều có hai mặt. Song song những cái tốt thì tự do hóa thương mại toàn cầu còn có nghĩa là các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia “chiếu dưới”, các quốc gia yếu hơn, sẽ chào đón các tập đoàn kinh tế xuyên quốc gia với kinh nghiệm dày, tầm ảnh hưởng lớn, các liên minh kinh tế... vào làm mưa làm gió thị trường nội địa.
Nước ta với hơn 70% dân cư sống ở khu vực nông thôn mà lĩnh vực sản xuất chính là nông nghiệp. Trong cơ cấu xuất khẩu, mặt hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ vẫn là nông phẩm. Trong đó gạo, cà phê, cao su, hạt điều là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xác định đến năm 2015 đưa tỷ trọng ngành nông nghiệp trong tổng GDP cả nước đạt 17-18%. Tuy nhiên, có một thực tế là các nông phẩm này khi xuất khẩu hầu hết dưới dạng thô và sơ chế, giá trị thu về rất thấp. Bên cạnh đó, những mặt hàng này lại vấp phải những hàng rào bảo hộ gay gắt từ nước ngoài.
Khi chúng ta gia nhập thương mại quốc tế, một sân chơi được cho là bình đẳng, tự do, hàng hóa của quốc gia sẽ được trao đổi, mua bán thuận lợi. Nhưng thực tế là vẫn còn nhiều bất cập, bất công. Chẳng hạn, một cường quốc như Mỹ hiện vẫn duy trì một chế độ bảo hộ dưới dạng trợ cấp nông nghiệp ở mức cao. Năm 2005, chính phủ Mỹ đã trợ cấp khoảng 15 tỉ USD để hỗ trợ về thu nhập, bảo lãnh giá cả hoặc giống cây trồng cho nhà nông. Năm 2006, khoản trợ cấp đã vọt lên 25 tỉ USD. Ngược lại, Việt Nam buộc phải cam kết nhiều điều khoản bất lợi như bãi bỏ ngay mọi trợ cấp trong xuất khẩu nông sản, từ bỏ quyền sử dụng biện pháp tự vệ trong nông nghiệp.
Trong khi các quốc gia phát triển luôn hối thúc các nước đang phát triển mở cửa thị trường, tạo ra các cơ chế thuận lợi hơn cho đầu tư, thì ngược lại, khi quyền lợi doanh nghiệp của họ bị ảnh hưởng thì họ sẵn sàng dùng công cụ như chống bán phá giá, chống vi phạm sở hữu trí tuệ để “trấn áp” một cách vô lý lên bất cứ quốc gia nào. Điển hình như các vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn, tôm của Việt Nam do Mỹ khởi xướng từ các năm 2002 và 2003. Đáng buồn nhất là đối tượng trực tiếp chịu những tác động này lại là các hộ nông dân nghèo của ta.
Một vấn đề nổi trội khác trong giao thương quốc tế chính là các chính sách của ta lắm lúc không theo kịp trước khả năng lèo lái của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này thấy rất rõ trong ngành cà phê. Theo Nghị định 23/2007 hướng dẫn thi hành luật Thương mại quy định: “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được tổ chức mạng lưới mua hàng trực tiếp đến người sản xuất mà chỉ được mua hàng của thương nhân có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền phân phối hàng hóa xuất khẩu...”. Tuy nhiên, theo luật Đầu tư thì không cấm hành động này. Điều này dẫn đến một thực trạng là sự gia tăng nhanh chóng các doanh nghiệp FDI thu mua, cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nội địa. 6 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp FDI đã tăng thị phần thu mua cà phê lên đến 60%. Khi sức mạnh và số lượng doanh nghiệp FDI càng nhiều thì các doanh nghiệp Việt Nam càng teo tóp và biến mất hoàn toàn khỏi bản đồ ngành cà phê. Đây là mặt trái mà tự do hóa thương mại quốc tế đã gây ra. (Còn tiếp)
Bình Nguyên
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Nguồn gốc cà phê Việt Nam
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Ý: định danh với Espresso và Cappuccino
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Cà phê Việt Nam và triết lý khoảng lùi
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Hơn 500 tỉ ly cà phê được tiêu thụ mỗi năm
>> Bạn hiểu gì về cà phê? - Tiêu thụ càng nhiều, càng sáng tạo, giàu có
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Cà phê và làm đẹp
>> Bạn hiểu gì về cà phê?: Sự dịch chuyển từ trà qua cà phê
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? - Các xu hướng quán mới ở Việt Nam
>> Bạn hiểu gì về cà phê ? Những thế lực chi phối cà phê toàn cầu
Bình luận (0)