>> Bê bối tình dục nghiêm trọng trong Không quân Mỹ
>> Bộ Ngoại giao Mỹ rúng động vì bê bối tình dục, ma túy
|
Doanh nhân Leonard Glenn Francis, 58 tuổi, chủ sở hữu công ty đa quốc gia Glenn Defense Marine Asia (GDMA), đã bị bắt hôm 16.9 tại thành phố San Diego (Mỹ).
Công ty GDMA, có trụ sở ở Singapore, chuyên làm các dịch vụ cho tàu bè ở cảng như lai dắt tàu, thu gom rác, cung ứng thực phẩm và nhiên liệu...
GDMA, hoạt động tại cảng Phuket của Thái Lan và cảng Klang ở Malaysia, đã có thâm niên phục vụ tàu Hải quân Mỹ hơn 25 năm qua.
Nhưng doanh nhân có căn biệt thự rộng gần 7.000 m2 ở phố Nassim Road trong khu Tanglin sang trọng của Singapore đã dùng nhiều “chiêu bẩn” để lôi kéo các chiến hạm Mỹ cập cảng ở những nơi GDMA hoạt động và tính phí cao một cách vô lý.
Báo Straits Times của Singapore số chủ nhật 6.10 đã đăng bài lớn về vụ này, sau khi tiếp cận được các tài liệu của tòa án Mỹ.
Theo tài liệu tòa án, từ tháng 5.2010, ông Francis đã cùng một đối tác của mình (một cựu hải quân phục vụ trên chiến hạm USS blue Ridge của Hạm đội 7 và không được nêu danh tính) tìm cách tiếp cận sĩ quan cao cấp của Bộ chỉ huy Hạm đội 7 (C7F) thuộc Hải quân Mỹ đóng tại Yokosuma (Nhật Bản), tên Michael Vannak Khem Misiewicz.
Hạm đội 7 là lực lượng lớn nhất, quan trọng nhất của Hải quân Mỹ đóng ở nước ngoài. C7F cai quản một vùng biển rộng 125 triệu km 2 trải từ Nhật Bản qua Diego Garcia trong Ấn Độ Dương, và từ Vladivostok (Nga) xuống Úc.
Misiewicz, 46 tuổi, sinh ra tại Campuchia và được một gia đình Mỹ nhận làm con nuôi. Hồi tháng 1.2011, ông này đã được cất nhấc lên vị trí phó ban tác chiến C7F.
Sau khi được móc nối, Misiewicz bắt đầu gọi Francis là “Anh Cả” và mở một email cá nhân địa chỉ lgflittlebro@gmail.com (chữ lgflittlebro có nghĩa là “em trai của Leonard Glenn Francis”) để trao đổi với Francis và đồng bọn.
Viên sĩ quan này đã gửi cho Francis hàng loạt email về lịch trình của các chiến hạm C7F.
Nghiêm trọng hơn, ông này còn dùng quyền uy của mình để chỉ đạo các chiến hạm phải cập những “Trân Châu Cảng” (từ mà ông Francis dùng để chỉ các cảng mà Công ty GDMA của ông có hoạt động), thay vì cập cảng khác.
Một trong các phi vụ mà Misiewicz “giúp” Francis được nói đến là vụ 3 tàu chiến của C7F được chỉ đạo cập cảng Phuket hồi tháng 7.2010 để phục vụ cho việc tập trận với quân đội Thái Lan. Ba chiến hạm này trước đó đã được Hải quân Hoàng gia Thái Lan đồng ý cho đỗ miễn phí tại quân cảng của họ.
Vì neo ở "Trân Châu Cảng" của ông Francis, các tàu này phải trả phí cho GDMA đến 110.000 USD. Và điều này đã khiến Cơ quan điều tra hình sự của hải quân Mỹ (NCIS) để ý.
Qua điều tra, NCIS phát hiện trong vòng hai năm 2011-2012, Hải quân Mỹ đã bị GDMA tính phí cao mất 2,3 triệu USD cho những lần cập “Trân Châu Cảng” Phuket.
Một vụ khác nữa xảy ra hồi tháng 10.2012. Tàu sân bay USS George Washington lẽ ra sẽ ghé cảng Singapore nhưng được Misiewicz “chuyển hướng” qua cảng Klang và bị tính phí đến 1,8 triệu USD.
Chưa hết, GDMA cũng bị nghi ngờ là đã tham gia đấu thầu nhiều dự án của Hải quân Mỹ trị giá hàng trăm triệu USD bằng các thủ đoạn bất chính để thắng thầu.
Gái điếm và khách sạn sang
Theo tài liệu của tòa án, Misiewicz bắt đầu nhận hối lộ của Francis với "quà tặng" là những tấm vé cho gia đình xem show diễn Lion King ở thủ đô Tokyo, Nhật Bản, vào tháng 12.2010.
Một kế hoạch “lại quả” khác được sắp xếp để Misiewicz và nhiều “chân tay” khác sang Singapore vui vẻ với 4 gái mại dâm vào tháng 3.2011.
Tuy nhiên, thảm họa sóng thần ập xuống Nhật Bản vào đúng thời điểm đó khiến chuyến du hí Singapore không thực hiện được.
Francis cũng từng “tài trợ” cho chuyến đi của Misiewicz và vợ con về Campuchia dự đám cưới của một người em họ, hay trả toàn bộ chi phí cho Misiewicz ở khách sạn sang trọng Shangri-La khi người này đến Singapore.
Misiewicz và nhiều đồng nghiệp khác cũng được Francis trả tiền sang Thái Lan xem show diễn của Lady Gaga và hưởng lạc với gái mại dâm hồi tháng 5.2012.
Trong một email gửi cho Misiewicz mà cơ quan điều tra thu thập được, Francis bày tỏ tiếc nuối rằng không thể cùng người sĩ quan hải quân vui vẻ với “đội hải cẩu Thái danh giá của chúng ta”, ám chỉ gái mại dâm Thái.
Mạng nhện
Khi được tin NCIS điều tra các hành động bất chính của mình, Francis bắt đầu liên lạc với đặc tình Bertrand Beliveau II của cơ quan này. Francis quen Beliveau năm 2008 khi người này được bố trí công tác ở Singapore.
Dù không được phân công điều tra Francis, nhưng Beliveau, 44 tuổi, đã bí mật xâm nhập mạng lưới thông tin dữ liệu của NCIS, tải lén 125 tư liệu mật và gửi cho Francis để người này có thể “liệu tính trước một bước”.
Đổi lại, Francis mua cho Beliveau một chuyến du hí đến Bangkok, Thái Lan, ở khách sạn 5 sao Dusit International; trả phí cho gái gọi và mua cho cô bạn gái người Philippines của Beliveau một máy tính xách tay.
Sau khi bị bắt ở San Diego, Francis đã bị buộc tội ở tòa án Mỹ.
Hôm 2.10, Hải quân Mỹ cũng sa thải chỉ huy trưởng chiến hạm USS Bonhomme Richard, ông Daniel Dusek, vì vụ này.
Vụ án còn đang được mở rộng với sự tham gia của Cục điều tra chống tham nhũng (CPIB) của Singapore. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối bình luận về vụ việc trước đề nghị của báo Straits Times.
Francis hiện đang bị tạm giam tại Mỹ để chờ xét xử. Nếu bị kết án tội câu kết đưa hối lộ, doanh nhân có 5 đứa con này có thể phải ngồi bóc lịch tại Mỹ đến 5 năm.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Hai nhà sư Thái bị bắt trong vụ bê bối tình dục trẻ em
>> Phanh phui một vụ bê bối tình dục lớn trong quân đội Úc
>> Vụ bê bối tình dục chấn động Hàn Quốc
>> Bộ trưởng Quốc phòng Úc xin lỗi nạn nhân vụ bê bối tình dục
>> Phim về bê bối tình dục của quan chức CIA
>> Vụ bê bối tình dục của Jimmy Savile đẩy BBC vào khủng hoảng
>> Bê bối tình dục trong không quân Mỹ
>> Bê bối tình dục trong showbiz Hàn: Sốc với tiết lộ của nạn nhân
>> Vụ bê bối tình dục của ông Strauss-Kahn là một mưu đồ chính trị?
Bình luận (0)