Vào tháng 9.2022, P.T.T (16 tuổi, ngụ tại tỉnh Lai Châu) tìm thấy thông tin đăng qua mạng về công việc rửa bát lương cao tại Hà Nội của một người phụ nữ tên Huyền nên đã trốn gia đình bắt xe đến gặp. Tuy nhiên, người này đã đưa T. vào một quán karaoke, vì không chịu phục vụ nên cô gái bị đưa đến quán karaoke khác tại tỉnh Cao Bằng. Tại đây, T. tiếp tục chống đối nên bị chuyển lên Bắc Kạn và ít ngày sau bị đưa đến quán karaoke thứ tư ở Thái Nguyên với lý do tương tự.
Tại đây, chủ quán nói đã mua T. với giá 13,5 triệu đồng và buộc phải làm việc trả nợ. Đồng thời, chủ quán thu giữ điện thoại, không cho ra ngoài. Vào ngày 17.5.2023, lợi dụng chủ quán sơ hở, T. đã lén lấy điện thoại, đăng nhập vào tài khoản Facebook cá nhân và fanpage Công an tỉnh Lai Châu để nhắn tin xin giúp đỡ và đến 21.5 thì thoát hiểm thành công.
Đừng để "mắc bẫy" những chiêu trò việc nhẹ lương cao
Nhìn nhận về vụ việc này, tiến sĩ Đoàn Văn Báu, chuyên gia tâm lý tội phạm, bày tỏ cách hành xử để thoát hiểm của bé gái trong trường hợp này khá hợp lý và khéo léo.
"Bạn nữ này đã hành xử đúng khi đã kháng cự ở mức độ vừa phải và có động thái nương theo các đối tượng nên mới tìm được cơ hội lấy được chiếc điện thoại để cầu cứu. Tuy nhiên, cái sai của bạn là không thông báo với gia đình, cũng như không có biện pháp cẩn trọng để phòng ngừa từ trước", tiến sĩ Báu cho biết.
Theo tiến sĩ Báu, phải tuyệt đối không được để cho mình rơi vào tình huống này, khi đi đâu cũng phải báo với gia đình vì đó là những người sẽ bảo vệ và có những phân tích cụ thể về quyết định đó có nên hay không. "Phải thông báo với gia đình để hạn chế tình huống xấu nhất, còn trường hợp này khi không biết gì mà lại trốn đi như thế thì rất nguy hiểm", ông nhấn mạnh.
Còn đối với đại tá, PGS - TS Đỗ Cảnh Thìn, Phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng nạn nhân đã có sự tập trung để tìm ra những kẽ hở để nhờ sự giúp đỡ từ bên ngoài.
"Mặc dù đã bị chuyển đi đến 4 địa điểm khác nhau nhưng nạn nhân vẫn nhớ được địa chỉ nơi đang bị giam giữ và tìm thông tin liên hệ với các cơ quan chức năng để họ kịp thời nắm bắt được tình hình, tìm cách giải cứu và ngăn chặn các nguy cơ nguy hiểm có thể xảy ra", tiến sĩ Thìn bày tỏ.
Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Thìn, từ đầu nạn nhân đã không kiểm chứng và cảnh giác công việc liệu có những rủi ro gì hay không? Chỉ biết chạy theo những dẫn dụ trên mạng, nên rõ ràng nạn nhân đang đặt mình vào tình thế "sợi chỉ treo mành".
"Hiện nay, xuất hiện các đối tượng tinh vi lợi dụng mạng xã hội có độ lan tỏa rộng, đủ nhanh và có tính ẩn danh để dẫn dụ nạn nhân với nhiều chiêu trò để lừa nạn nhân như: việc nhẹ lương cao, mua quà tặng hoặc cho mượn tiền để ràng buộc nạn nhân với các món nợ không thể trả được… Nếu không đủ tỉnh táo, rất dễ bị buôn bán hoặc giam giữ trái phép, bóc lột sức lao động, cưỡng bức tình dục và nhiều hành vi sai phạm khác", tiến sĩ Thìn cảnh báo.
Tránh chống đối, kháng cự quyết liệt để hạn chế rủi ro
Chia sẻ về cách phòng tránh khỏi những tình huống tương tự có thể xảy ra, tiến sĩ Đỗ Cảnh Thìn cho hay nạn nhân mà các đối tượng phạm tội có thể tiếp cận rất đa dạng, đặc biệt là người trẻ khi ở độ tuổi muốn được chứng minh bản thân tự lập hay đua đòi. Cho nên, trước khi tiếp cận lời dẫn dụ từ người lạ cần có sự phân định rạch ròi.
"Ai cũng có nhu cầu về việc làm và khi đối tượng liên hệ dụ dỗ cần phải có những câu hỏi cảnh giác cho chính mình như: "Công việc đấy có phù hợp với khả năng?", "Chúng ta quen biết được những ai?", "Cơ quan hay doanh nghiệp nào đứng ra tổ chức?"… Và khi tham gia vào thì cần để nhớ thông tin cụ thể về địa điểm làm việc, thông tin người chủ, nắm bắt được số liên hệ của công an địa phương và phải cung cấp thông tin về cho gia đình", tiến sĩ cho hay.
Cũng theo tiến sĩ Thìn, khi vào làm việc phải nhanh chóng tìm hiểu và quan sát những người đã làm trước đó để xem hành vi có gì đáng ngờ hay không, đặc biệt khi làm ở những nơi như: quán karaoke, nhà hàng, mát xa… Và nếu xác định được tính rủi ro thì phải tìm cách để lợi dụng sơ hở để thoát hiểm khỏi đó.
Đối với những tình huống đã xác định bị giam giữ và ép buộc phải thực hiện những điều không mong muốn, chuyên gia tâm lý tội phạm Đoàn Văn Báu, khuyên cần có sự linh hoạt nhìn nhận độ nguy hiểm của vấn đề để có cách ứng xử phù hợp.
"Chẳng may rơi vào tình huống đó, ban đầu cũng phải chống cự ở một mức độ nào đó để không bị cưỡng ép vào những hoạt động ảnh hưởng đến nhân phẩm và sức khỏe. Đồng thời cũng phải nương theo các đối tượng để chờ thời cơ nhờ sự giúp đỡ, vì rơi vào tình huống đó mà hoảng loạn, chống cự quyết liệt thì đối tượng phạm tội sẽ dùng mọi cách để khống chế nạn nhân như: bạo lực, hăm dọa tính mạng và tệ hơn cưỡng ép tình dục", chuyên gia này nói.
Vậy để không rơi vào tình thế "sợi chỉ treo mành" thì sao? tiến sĩ Báu nói: "Mọi người phải thường xuyên cập nhật kiến thức về pháp luật, hành vi và thủ đoạn của các đối tượng dụ dỗ, buôn người để có cách phòng ngừa. Quan trọng nhất là cha mẹ phải là người gần gũi với con cái để nắm tâm lý nhằm tránh cho trẻ rơi vào những tình huống đó nguy hiểm và tạo điều kiện để con phải tâm sự với mình để có thể giám sát đúng cách".
Bình luận (0)