Bé gái 8 tuổi đang đạp xe thì té vào nồi nước sôi, bỏng nặng

Lê Cầm
Lê Cầm
12/06/2024 08:03 GMT+7

Bé gái L.H.D (8 tuổi, ngụ Bình Dương) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) trong tình trạng bỏng nước sôi nặng.

Khai thác bệnh sử, ba của bé D. cho biết, khoảng 19 giờ tối bé cùng các bạn đạp xe gần nhà. Do không làm chủ tay lái D. té vào nồi nước sôi của nhà hàng xóm.

Ngày 12.6, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, tai nạn hy hữu khiến bé bị bỏng nặng từ vai đến mông. Hiện em được các y bác sĩ khoa Bỏng - Chỉnh trực của bệnh viện tích cực điều trị.

Bé gái 8 tuổi đang đạp xe thì té vào nồi nước sôi, bỏng nặng- Ảnh 1.

Hiện bé D. được điều trị tại khoa Bỏng - Chỉnh trực

N.T

Bác sĩ chuyên khoa 2 Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết dịp hè là thời điểm gia tăng các tai nạn sinh hoạt ở trẻ em. Thời gian qua, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận nhiều ca trẻ bị tai nạn.

Mới đây nam bệnh nhi K.S.Y.P (13 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 vì bị điện giật. Mẹ P. cho biết, em và bạn cùng xóm chơi thả diều, diều mắc vào mái nhà. P. đã trèo lên mái nhà lấy và không may bị điện giật ở bàn tay trái. Sau khi phát hiện, P. được gia đình đưa đến cấp cứu tại bệnh viện địa phương, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.

Bác sĩ Phát cho biết, các tai nạn thường gặp như bỏng (điện, xăng, hóa chất,..), đuối nước, ong đốt, rắn cắn, tai nạn giao thông, các sự cố té ngã… Hầu hết là do các bé ở độ tuổi thích tò mò, khám phá...

Bác sĩ Phát khuyến cáo phụ huynh luôn nâng cao tinh thần cảnh giác để đảm bảo an toàn cho trẻ trong dịp hè. Hãy thường xuyên để mắt tới mọi hoạt động của trẻ bởi nguy hiểm luôn “rình rập” bất kỳ thời điểm nào.

Khuyến cáo an toàn cho trẻ trong dịp hè

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, dù ở độ tuổi nào, để trẻ nhỏ ở nhà một mình là lựa chọn khá mạo hiểm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Do đó, khi không có lựa chọn nào khác để thay thế, phụ huynh cần trang bị cho con một số kiến thức tự bảo vệ bản thân khi ở nhà một mình và phải tập cho trẻ một số kỹ năng xử lý tình huống có thể xảy ra. Dưới đây là một số kiến thức an toàn cơ bản cần trang bị cho trẻ:

  • Không tự ý cắm, thay đổi phích cắm các thiết bị điện.
  • Không chạm vào công tắc điện khi tay ướt.
  • Ngắt cầu dao điện khi phát hiện xảy ra chập điện. Xử lý điểm cháy hoặc nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm (nếu có).
  • Phòng cháy nổ, tránh bỏng khi sử dụng các thiết bị có phát lửa
  • Không bật bếp gas, quẹt gas, diêm khi không cần thiết.
  • Không chơi đùa với diêm, quẹt gas, nến.
  • Làm mát vết bỏng bằng nước lạnh ít nhất 20 phút nếu chẳng may bị bỏng.
  • Nếu phát sinh cháy và không khống chế được đám cháy thì phải nhanh chóng chạy ra khỏi nhà và nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm. Luôn đóng cửa, gài chốt, móc ổ khóa nhưng không bấm khóa để dễ dàng mở cửa thoát ra ngoài khi có sự cố.
  • Hạn chế tiếp xúc với người lạ, từ chối các yêu cầu mở cửa từ người lạ. Trước khi mở cửa cho người khác phải gọi cho ba, mẹ hoặc người thân để xin phép.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.