Bé gái nằm chơi rồi nuốt nhẫn vàng, phải cấp cứu

Lê Cầm
Lê Cầm
29/05/2022 08:22 GMT+7

Vừa qua, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ nhỏ nuốt dị vật vào đường tiêu hóa, dẫn đến khó thở, ho sặc suạ phải nhập viện cấp cứu Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, TP.HCM.

Ngày 28.5, bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Ngọc Nhã, Trưởng Trung tâm Nội soi Hệ thống Bệnh viện Xuyên Á, cho biết: trường hợp thứ nhất là bé 2 tháng tuổi (TP.HCM) được người nhà đưa đến cấp cứu do nuốt dị vật là chiếc nhẫn vàng.

Người nhà bệnh nhi cho biết, trước thời điểm nhập viện, bé nằm chơi ngậm tay vào miệng, trên tay có nhẫn. Ngay sau đó bé có biểu hiện khó thở kèm ho sặc sụa, đỏ mặt.. Người nhà nghi ngờ bé nuốt phải chiếc nhẫn trên tay nên đưa đến bệnh viện cấp cứu

Tại đây, sau thăm khám và kết quả chụp X-quang, các bác sĩ xác định có hình ảnh dị vật dạng kim loại giống chiếc nhẫn nằm trong thực quản, đoạn thực quản ngực của bệnh nhi.

Hình ảnh nội soi cấp cứu gắp dị vật chiếc nhẫn

BSCC

Ngay sau đó bé nhanh chóng được chuyển đến Trung tâm Nội soi của bệnh viện để nội soi cấp cứu gắp chiếc nhẫn ra ngoài. Trong và sau thực hiện nội soi, kiểm tra không thấy chảy máu, hiện sức khỏe bệnh nhi ổn định, bú tốt.

Sau đó chỉ vài giờ, Trung tâm Nội soi tiếp tục tiếp nhận gắp dị vật cấp cứu cho bé 4 tuổi, dị vật lần này là đồng xu. Người nhà cho biết cách nhập viện khoảng 30 phút bé ngồi chơi thì nuốt phải đồng xu.

Kết quả X-quang cho thấy có dị vật cản quang dạng đồng xu trong ống tiêu hóa bên trái ngang mức cung sau xương sườn D12. Ngay sau đó, bé được các bác sĩ nội soi gắp dị vật đồng xu khỏi dạ dày. Sau khi nội soi gắp dị vật, không xảy ra chảy máu, sức khỏe bệnh nhi ổn định và được xuất viện trong ngày.

Hình ảnh nội soi đồng xu trong dạ dày bệnh nhi

bscc

Bác sĩ Trương Ngọc Nhã khuyến cáo, do trẻ nhỏ có tính hiếu động, tò mò nên các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý không để trẻ chơi các đồ chơi nhỏ, sắc nhọn, các vật dễ cho vào miệng như: pin, đồng xu, viên bi, các vật có hóa chất độc hại,... Những trường hợp nuốt phải dị vật nếu không được phát hiện lấy ra sớm, dị vật có thể sẽ bị nghẹt lại ở thực quản hoặc đường thở gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí nguyên hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.

Ngoài ra, dị vật có thể di chuyển theo đường tiêu hóa xuống ruột gây tổn thương như rách thủng niêm mạc ruột, tắc ruột ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ. Khi đó, việc can thiệp lấy ra bằng phương pháp nội soi vô cùng khó khăn, thậm chí bệnh nhi phải trải qua một cuộc phẫu thuật phức tạp hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.