Cần thiết phải có chương trình dành cho những người giỏi nhưng thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao.
|
Chương trình nặng nề, thiếu thực tế
Mới đây một cựu sinh viên (SV) chương trình kỹ sư - cử nhân tài năng đã lập bảng câu hỏi khảo sát về chương trình gửi cho bạn bè. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình đào tạo chưa linh hoạt và còn nặng nề bởi SV vừa học chương trình đại trà của Bộ GD-ĐT, vừa phải “gánh” chương trình tài năng của ĐH Quốc gia TP.HCM.
T.D - cựu SV khoa Văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH-NV) TP.HCM - cho biết: “Vừa phải “ngốn” một khối lượng chương trình tài năng rất nặng vừa phải học chung với lớp đại trà. Những môn trùng nhau, nhiều bạn phản đối bằng cách nghỉ học tại lớp đại trà”. SV tài năng tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng trong tình trạng quá tải. Một kỹ sư tài năng ngành công nghệ thông tin thổ lộ: “Chương trình học rất nặng nhưng lại lan man. Em được học rất nhiều thứ từ lập trình, công nghệ tri thức, mạng, ADSL... nhưng lại không học sâu nên khi ra trường bị thất thế so với các bạn học lớp thường”.
H.N - SV Trường ĐH KHXH-NV - còn cho rằng: “Chương trình đào tạo được thiết kế riêng cho lớp tài năng giống với chương trình đào tạo ở bậc cao học. Do vậy, nếu học từ lớp tài năng rồi học lên cao học cùng chuyên ngành sẽ thấy có rất nhiều sự trùng lặp. Phải chăng quá lãng phí và không khoa học?”.
Bất hợp lý về chính sách đầu ra
Trao đổi với Thanh Niên, TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết: “Năm 2012, ĐH Quốc gia sẽ tạm dừng tuyển sinh mới chương trình tài năng nhằm rà soát lại hiệu quả chương trình cũng như tìm thêm nguồn kinh phí bổ sung cho hoạt động”.
Trước thực trạng đào tạo và hiệu quả sử dụng như hiện nay, vấn đề được đặt ra là nên phát triển chương trình tài năng theo hướng nào. Thạc sĩ Ngô Trà My - giảng viên khoa Văn học và ngôn ngữ - cho rằng: “Tôi có cảm giác bản thân người xây dựng đề án này còn khá lúng túng, nhất là ở đầu ra. Một đề án ngay khi xây dựng cần phải có đầu ra chắc chắn, trong khi đề án này lại quá chung chung. Bản thân các SV đều là SV giỏi được chọn lọc để tham gia chương trình, nhưng khi tốt nghiệp lại không biết làm gì với công việc đó để kiếm sống và gắn bó với nghề. Đó là mâu thuẫn của chương trình này”.
Nói về chương trình đào tạo tài năng, PGS-TS Dương Anh Đức - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết: “Chương trình tài năng phải tạm dừng vì khó khăn kinh phí, cũng có một số ngành học ít hiệu quả vì tổ chức và tính chất ngành nghề. Nhưng một số ngành, ví dụ như vật lý, nếu không có lớp tài năng thì việc bổ sung lực lượng cho các viện nghiên cứu còn khó khăn hơn nữa. Do vậy, việc duy trì chương trình này là cần thiết, nhưng phải xem thêm cách thức đào tạo và sử dụng người học”.
PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH-NV - đề xuất: “Vấn đề của chương trình còn nằm ở chính sách đầu ra. Nhiều SV chưa được tạo điều kiện làm việc tốt, nhiều SV giỏi tiếp tục du học nước ngoài không trở về… Như vậy, Nhà nước đầu tư một nguồn tiền lớn rất lãng phí”. Trên cơ sở này, ông Giang đề xuất: Cần phải có chính sách đầu ra chặt chẽ và hợp lý, vừa tạo điều kiện làm việc vừa phải giữ chân được những nhân tài đã đào tạo. Như cách làm của TP.Đà Nẵng cũng hay, họ đầu tư cho mỗi SV tài năng 2 triệu đồng/tháng và sau khi tốt nghiệp phải trở về địa phương phục vụ”.
Ý kiến Cần xây dựng hướng đào tạo mới “Tôi ủng hộ việc dừng lại chương trình kỹ sư - cử nhân tài năng. Việc tồn tại chương trình này là sự bất công và không thay đổi được toàn bộ hệ thống đào tạo. Đây là hình thức như lớp chọn ở phổ thông, đầu tư quá nhiều cho một nhóm quá ít. Tôi đề xuất một hướng đào tạo mới. Hiện nay các trường đang áp dụng hệ thống tín chỉ. Chúng ta sẽ có những môn học khó, tất cả SV nếu hoàn thành đủ tín chỉ các môn học quy định, có thể tiếp tục học các môn khó này. SV học các môn này sẽ phải học nhiều hơn, thi khó hơn, hoàn thành mức độ này phải được loại giỏi và được học lên cao học mà không phải qua thi tuyển nữa. Học theo cách này, SV càng dễ đi theo hướng nghiên cứu hơn”. PGS-TS NGUYỄN THIỆN TỐNG (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long) Chữ tài năng bị lạm dụng quá nhiều “Lớp cử nhân tài năng cũng như một lớp chuyên, SV được dạy nhiều chuyên đề mới lạ. SV được tuyển với điểm số cao nhất, do vậy đa phần là SV giỏi thật sự. Nhưng tài năng là một phẩm chất đặc biệt chứ không đơn giản là người học giỏi. Hiện nay, chữ tài năng bị lạm dụng quá nhiều. Cho nên tôi thiết nghĩ, nếu mở lại chương trình tài năng phải có cách tổ chức khác, và thậm chí có cách gọi tên khác. Ở ta nhiều khi chương trình đào tạo không được thực hiện đồng bộ. Đào tạo thì cứ đào tạo, sau đó gần như không có hướng đi tiếp tục nào cụ thể. Ví dụ, không hề có hướng tổ chức những lớp cao hơn dành cho những người này tiếp tục những công việc chuyên biệt cao cấp”. Nhà văn NHẬT CHIÊU (Nguyên giảng viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM) |
Đăng Nguyên - Hà Ánh
Bình luận (0)