'Beef': Cơn thịnh nộ của những kẻ cùng khổ

17/04/2023 11:05 GMT+7

Nhiều hơn một câu chuyện oan gia ngõ hẹp éo le, Beef phơi bày những thương tổn, bất an và cơn khủng hoảng hiện sinh của con người trong xã hội hiện đại.

Sau thành công bùng nổ của Everything everywhere all at once, xưởng phim kỳ dị Studio A24 tiếp tục chinh phục mảng phim dài tập, "đốn tim" khán giả toàn cầu với sêri Beef. Ra mắt trên nền tảng Netlfix từ ngày 6.4, Beef gây chú ý khi chiêu mộ được hai ngôi sao gốc Á đình đám Hollywood: nữ hoàng hài độc thoại Ali Wong và tài tử từng được đề cử Oscar Steven Yeun.

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 1.

Beef được sản xuất bởi Studio A24 - xưởng phim từng cho ra đời phim thắng giải Oscar Everything everywhere all at once

NETFLIX

Beef có hai nhân vật trung tâm đều là người gốc Á, thuộc thế hệ 8X đang sinh sống tại thành phố hoa lệ Los Angeles (Mỹ) nhưng lại có địa vị xã hội khác biệt. Đầu tiên là Amy Lau (Ali Wong), một nữ doanh nhân giàu có, cuộc sống của cô nàng dường như hoàn hảo với một công ty ăn nên làm ra, người chồng lịch lãm xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ danh giá cùng con gái nhỏ xinh xắn, hiểu chuyện. Trong khi đó, Danny Cho (Steven Yeun) chỉ là một nhà thầu xây dựng nhỏ theo kiểu "thợ đụng", nặng gánh gia đình và đang chật vật với nhiều món nợ.

Hai con người ở hai thế giới, tưởng chừng chẳng liên quan lại va vào nhau, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng trong một lần suýt tông xe ô tô tại bãi giữ xe siêu thị. Vì tức giận, cả hai đã rượt đuổi trên đường và tìm mọi cách để trả đũa nhau. Mối quan hệ oan gia ngõ hẹp hình thành, lôi theo hàng loạt sự kiện vừa buồn cười vừa chua chát xảy ra trong cuộc sống của Amy và Danny.

Phim về oan gia báo thù nhưng đầy chất gây nghiện

Mớ hỗn độn mà Beef phơi bày ra trong suốt 10 tập phim bắt nguồn từ cơn giận dữ của Amy và Danny. Bằng cách bộc phát cơn giận dữ trong mình với những hành động điên cuồng, hậu quả để lại cho cả Amy và Danny đều chẳng mấy tốt đẹp khi cuộc đời họ chính thức bị xới tung. Bộ đôi truy lùng và tìm cách trả đũa, đốp chát nhau bằng những cách điên rồ nhất, với mức độ độc địa nâng cấp theo thời gian. Từ việc mạt sát doanh nghiệp đối thủ bằng những bình luận, đánh giá tồi tệ ngụy tạo, giả danh rồi tiểu tiện vương vãi khắp nhà "oan gia", viết bậy lên xe, chửi bới giữa hội nghị…

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 2.

Câu chuyện oan gia hỗn chiến giữa Amy Lau và Danny Cho vừa hài hước vừa tàn khốc, chua cay

NETFLIX

Những tập đầu tiên của Beef mang đến cho người xem tiếng cười sảng khoái lẫn cảm giác được giải phóng "adrenaline" phấn khích trước những màn đụng độ trái khuấy giữa Amy và Danny. Nhưng càng về sau, khi phát triển tuyến truyện của hai nhân vật song song, đi sâu vào đời tư của từng người thì hài kịch chuyển dần sang bi kịch. Những góc khuất đắng chát, mặc cảm, uất ức của Amy và Danny dần hiển lộ. Để rồi cuối cùng, khán giả thấy rằng, đó là cơn thịnh nộ của những kẻ cùng khổ.

Amy thành đạt và có trong tay mọi thứ mà xã hội có thể dùng để đánh giá đó là một con người hạnh phúc. Đời cô hiện lên như hình ảnh một chú chim đang hót khúc hoan ca, nhưng chua chát thay, "con chim không hót, nó đang rít lên trong đau đớn". Bởi thẳm sâu bên trong, Amy mệt mỏi với hàng tá email công việc và cuộc họp. Cô cũng ngấm ngầm khinh khi thói giả tạo, kệch cỡm của giai cấp siêu giàu mà mình giao thiệp, nhưng vẫn phải luôn cười thật tươi, ve vuốt hưởng ứng mọi lời nói, hành động, ý kiến của họ.

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 3.

Amy hoàn hảo, thánh thiện bên ngoài nhưng đầy vụn vỡ bên trong

NETFLIX

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 4.

Daniel đã tính tự tử nhưng bất thành, ngày qua ngày anh chỉ tồn tại chứ không được sống

NETFLIX

Mặt khác, ngay từ nhỏ, Amy đã mang cảm giác bế tắc khi không thể chia sẻ. Cô mang trong mình một "sự trống rỗng đầy vững chãi". Nhiều lần cô muốn giãi bày với chồng, nhưng lại rút lại lời nói. Amy mâu thuẫn với chính mình lẫn cộng đồng mà cô đang thuộc về. Khi những chương tuổi thơ của cô nàng được lật mở, người ta nhận ra rằng sự hỗn độn trong Amy là kết quả của nhiều năm dồn nén, và vì cô, như nhiều đứa trẻ châu Á đã được dạy rằng: "Nói ra cảm xúc của mình cũng giống như lời than phiền vậy. Và sẽ thật ích kỷ khi lan tỏa cho người khác sự tổn thương của mình".

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 5.

Steven Yeun và Ali Wong đã mang đến màn trình diễn xuất thần của những ngôi sao điện ảnh hạng A

NETFLIX

Về phía Danny, anh mang trên vai nhiều nỗi khổ mang tính điển hình của thế hệ người nhập cư châu Á thứ hai. Là con cả trong một gia đình nhập cư Hàn Quốc, anh phải gồng gánh làm trụ cột kinh tế gia đình, hy sinh nhiều niềm vui, ao ước riêng để đảm bảo miếng ăn, cái mặc cho bố mẹ và em trai. Danny có nhiều tài lẻ nhưng chúng chẳng mấy hữu dụng trong đời sống quần quật cơm áo gạo tiền. Dù nợ nần chồng chất nhưng Danny vẫn cố chấp vay ngân hàng thêm để mua đất, xây nhà cho bố mẹ an dưỡng tuổi già. Người đàn ông này lúc nào cũng lầm lũi, cô đơn.

'Hài đen' của người châu Á

Một kịch bản lôi cuốn là kịch bản kết nối được những đối cực tưởng chừng chẳng liên quan và hợp thức hóa nó bằng một quan điểm thuyết phục, quyết liệt, hoặc chúng sẽ gợi nên những câu hỏi, sự bất toàn trong những giá trị đạo đức của thời đại. Beef làm được cả hai việc này.

Tựa phim Beef là một cách chơi chữ, cũng là hình ảnh mang tính biểu trưng đầy thuyết phục cho chủ đề của toàn thể bộ phim. "Beef" là thịt bò, nhưng nó còn tượng thanh cho tiếng bấm còi xe inh ỏi - tín hiệu khơi mào trận chiến oan gia không hồi kết của hai nhân vật chính. Nó cũng tương đồng với âm thanh "beep" mà người ta thường dùng để đè lên những từ ngữ chửi thề tục tĩu trên màn ảnh. Hơn nữa, nó còn bao hàm ý nghĩa về dinh dưỡng của thịt bò, như nhân vật Danny nói: "Cơ thể ta hấp thụ những chất dinh dưỡng để rồi thải ra toàn những thứ xấu xa".

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 6.

Đằng sau cơn thịnh nộ của các nhân vật, Beef khơi gợi lòng trắc ẩn nơi người xem

NETFLIX

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 7.

Hai nhân vật của Beef xấu xí, bất ổn và điên khùng nhưng lại tạo nên sự đồng cảm sâu sắc

NETFLIX

Cái hay của Beef nằm ở chỗ có khả năng hình tượng hóa, trình hiện những khái niệm, cảm xúc, tâm lý vốn rất khó để diễn tả, mà nổi trội nhất là khái niệm về "khủng hoảng hiện sinh". Các chi tiết, hình ảnh, lời thoại của phim đều quyết liệt, có vài chỗ thậm chí gây sốc nhưng nó được đưa vào rất chính đáng. Như chi tiết Amy thích thủ dâm với súng hoặc thói quen thồn vào bụng hàng chục chiếc sandwich gà chiên của Danny mỗi khi căng thẳng. Tất cả đều là hệ quả của những ẩn ức tâm lý, tâm thần sâu xa của cặp "oan gia ngõ hẹp" này.

Và dù là một "nồi lẩu thập cẩm" về mặt thể loại, chất hài đen vẫn là thứ tinh túy được duy trì xuyên suốt bộ phim. Từ trước đến nay, hài đen vốn không phải thế mạnh của những nhà làm phim châu Á. Tuy nhiên, dưới bàn tay nhào nặn của biên kịch - đạo diễn Lee Sung Jin, Beef đã trở thành một tác phẩm hài đen xuất sắc, vừa giễu nhại thâm thúy lại vừa chạm đến những vấn đề rất gần gũi với thời đại. Mỗi tập phim vừa chứa đựng tiếng cười trào lộng mang tính phổ quát, vừa đưa ra được những tình tiết rất đặc sắc về căn tính của người châu Á. Cấu trúc với độ kịch tính leo thang càng khiến bộ phim trở nên gây nghiện.

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 8.

Amy và Danny như hai "con quạ đen" mắc kẹt trong chiếc lồng

NETFLIX

Những cuộc vờn bắt của Amy và Danny trông thật điên cuồng. Nhưng thấp thoáng đâu đó, ta lại thấy có gì đó thật hân hoan bừng lên nơi họ, như hai đứa trẻ vô tư trong trò đuổi bắt. Một cách éo le ở đời, chỉ khi ở cạnh nhau, và làm những điều "độc hại" cho nhau, cơ thể và linh hồn của họ lại được thải độc.

Biên kịch - đạo diễn Lee Sung Jin, bằng những đường dao bén ngót, sắc lịm của mình đã hoàn thành xuất sắc ca "đại phẫu thuật" dành cho hai nhân vật. Để những gì sâu kín nhất nơi Amy lẫn Danny như "phơi" ra trước khán giả, không dè chừng kiêng nể. Nhưng khi đã tỏ tường những khía cạnh xấu xí và bất hảo nhất của nhân vật, người xem vẫn có sự đồng cảm sâu sắc dành cho họ. Và tất nhiên, việc này cũng nhờ vào màn hóa thân xuất sắc của Ali Wong và Steven Yeun.

‘Beef’: Bộ phim oan gia trả thù cay đắng nhưng gây nghiện  - Ảnh 9.

Beef được chấm 98% cà chua tươi trên Rotten Tomatoes, phần 2 của bộ phim được nhiều người mong mỏi chờ đợi

NETFLIX

Mùa một của Beef khép lại với một tập phim bùng nổ về mặt sáng tạo, dự sẽ kéo theo bao sự tò mò, phấn khích xen lẫn sụt sùi và suy tưởng khôn nguôi nơi khán giả. Beef quả thật là một món ăn tinh thần độc lạ và phản ánh đúng tinh thần thời đại, lại đúng với cả chiều kích phát triển của điện ảnh đương đại - nền điện ảnh giao thoa Đông - Tây, được định hình dưới nhân sinh quan và những cách thể nghiệm mới mẻ tràn đầy sức sống của thế hệ 8X, 9X.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.