HƯỞNG ỨNG THÁNG NHÂN ĐẠO QUỐC GIA 2023

Bền bỉ bắc nhịp cầu nhân ái

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
20/05/2023 00:57 GMT+7

Trong hành trình của mình, Báo Thanh Niên đã xây dựng nhiều chương trình từ thiện - xã hội ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và cộng đồng. Một trong những chương trình ấy xuất hiện vào lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, đó là cuộc dấn thân bắc nhịp cầu nhân ái đến với trẻ mồ côi.


Bền bỉ bắc nhịp cầu nhân ái  - Ảnh 1.

Bài viết Lời kêu gọi ngày 16.9.2021 và sau đó là sự hưởng ứng của bạn đọc với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời

ĐỘC LẬP

TỪ Ý TƯỞNG BAN ĐẦU

Buổi chiều 15.9.2021 là một thời khắc khó quên với tôi. Đến nay, sau hơn 20 tháng, tôi vẫn còn nhớ cuộc điện thoại của nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn (khi đó là Phó tổng biên tập thường trực của Báo Thanh Niên, và nay là Tổng biên tập). Giọng rất xúc động và gấp gáp, anh nói vừa đọc bản tin của PV Bích Thanh tường thuật cuộc họp từ Sở GD-ĐT TP.HCM đăng trên Thanh Niên, trong đó có một số liệu đau lòng: trong đợt dịch, thống kê của Sở GD-ĐT từ báo cáo của các quận huyện tại TP.HCM cho thấy có 1.500 học sinh mồ côi cha mẹ (hoặc mồ côi cha hoặc mẹ) do đại dịch Covid-19. Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nói anh đã suy nghĩ rất nhiều về số liệu đau lòng ấy, cơ hồ qua điện thoại tôi vẫn nhận được rằng anh đang hết mực đau xót. Một con số gây thổn thức bao trái tim giữa lúc trận đại dịch ngoài kia vẫn đang khiến cánh cổng mọi nhà đóng kín. Tôi thấu hiểu và chia sẻ nỗi đau ấy và cùng anh bàn kế hoạch. Lúc ấy là 14 giờ 15 phút!

Ngay lập tức, tôi ngồi vào bàn viết, lên bản đề án chi tiết chương trình để anh Toàn trình Ban Biên tập. Nhờ sự bàn thảo kỹ lưỡng trước đó, trong vòng 1 tiếng đồng hồ, tôi hoàn tất bản đề án gửi cho anh và chờ đợi "phát pháo lệnh" của Ban Biên tập để đăng ngay trên số báo hôm sau (16.9.2021). Đồng thời tôi cũng phác thảo ngay bài viết vận động kêu gọi để nếu nhận được sự đồng ý của Ban Biên tập về việc phát động chương trình thì gửi ngay cho Ban Thư ký tòa soạn.

Tầm hơn 16 giờ, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn gọi lại và cho biết Ban Biên tập đã đồng ý khởi đăng lời kêu gọi trên số báo hôm sau nhằm vận động, kết nối bạn đọc nhanh chóng hỗ trợ và bảo trợ cho trẻ mồ côi ở TP.HCM cùng các tỉnh thành khác. Tôi hoàn chỉnh và gửi cho anh bài viết kêu gọi. Lúc này, trận đại dịch vẫn đang hằn in nét lo âu lên tất cả mọi nhà. Nhưng dường như lòng thấu cảm về sự mong manh của số phận mỗi người vào thời khắc ấy lại đang đập nhịp cùng trái tim của những người làm Báo Thanh Niên, từ lãnh đạo cho đến từng phóng viên.

Bền bỉ bắc nhịp cầu nhân ái  - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn và nhà bảo trợ (trái) sau khi ký thỏa thuận bảo trợ cho 2 trẻ mồ côi không may mất cha trong đại dịch Covid-19, được tổ chức tại Báo Thanh Niên ngày 18.5 vừa qua

ĐỘC LẬP

GIỌT NƯỚC MẮT TRONG CÁC SỰ KIỆN

Thật khó kể hết bao lần nước mắt chảy dài trên gương mặt những người cha, người mẹ khi đưa con cháu mình đến dự các sự kiện hỗ trợ khẩn cấp hay bảo trợ trẻ mồ côi do Báo Thanh Niên tổ chức trong vòng 20 tháng qua. Dù ở tòa soạn báo hay ở nhà riêng, dù ở hội trường của một đơn vị hay cơ sở của chính quyền địa phương, tất cả đều rưng rưng xúc động. Những gương mặt hằn in dáng nét tần tảo của chị Nguyễn Thị Thủy (Q.8, TP.HCM) hay Lê Thị Đào (TP.Dĩ An, Bình Dương); của anh Tạ Nguyễn Duy An (Q.Gò Vấp, TP.HCM) hay chị Trần Thảo Nguyên (H.Bình Chánh, TP.HCM); từ những ông bà của các cháu như ông Hàng Hữu Nghĩa (Q.8) hay bà Phạm Thị Ngoan (Q.Bình Tân, TP.HCM)… đã tự nhiên chảy những dòng nước mắt. Quan sát trong lặng lẽ, những người làm Báo Thanh Niên, từ thành viên Ban Biên tập cho đến các phóng viên, nhân viên tất bật với sự kiện đều có chung ý nghĩ về một việc làm "chẳng đặng đừng" song hết sức ý nghĩa. Cái sự "chẳng đặng đừng" ấy đã xảy ra với cả nhân loại hầu như gần suốt cuối năm 2019 vắt sang đầu năm 2022, mà đỉnh điểm là năm 2021, để rồi từ đó, cũng như nhiều cộng đồng khác trên thế giới, Báo Thanh Niên đã bắc nhịp cầu nhân ái suốt thời gian qua.

Và cũng chưa bao giờ, trong dòng chảy các sự kiện liên quan đến đại dịch Covid-19, Thanh Niên đón nhận hầu khắp nghĩa cử của bạn đọc từ sự lan tỏa của chương trình. Đó là giọng nói thổn thức nhận bảo trợ trẻ mồ côi từ số tiền tích góp của một nhà thơ nữ 87 tuổi hay tiếng vọng chân tình từ xa qua màn hình trực tuyến của một nữ tiến sĩ kinh tế tận Hungary. Là chia sẻ của đôi vợ chồng sống đời viễn xứ suốt hơn 50 năm từ Đức gọi về và hẹn ngày đến tòa soạn Báo Thanh Niên nhận bảo trợ cho vài đứa trẻ. Hay buổi sớm với hành trình của một hoa hậu trong hành trình nhân ái lên Bình Dương ký thỏa thuận bảo trợ và tặng quà cho các cháu… Tất cả những mạch ngầm nhân ái ấy, Thanh Niên đều có tin bài gửi gắm lời tri ân lên mặt báo hôm sau với danh tính cụ thể. Để rồi qua đó, lại tiếp tục nhận thêm rất nhiều câu chuyện, ân tình của bạn đọc gần xa góp sức vào tài khoản chương trình hay nhận bảo trợ và không ngần ngại chăm chút từng ly từng tí để bù đắp sự mất mát lớn lao của các gia đình.

Bền bỉ bắc nhịp cầu nhân ái  - Ảnh 3.

Nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, ký thỏa thuận bảo trợ trẻ mồ côi do Covid-19 với nhà bảo trợ và gia đình trẻ

NHẬT THỊNH

TIẾP TỤC MỘT HÀNH TRÌNH

Có thể nói, con số về sự đóng góp của bạn đọc với chương trình là rất lớn, song nghĩa tình còn lớn gấp bội phần. Vì thế, ngay từ giữa năm 2022, thời điểm chương trình vừa tròn 1 năm, Ban Biên tập Báo Thanh Niên đã định hướng cần tạo ra những cánh cửa mở để bạn đọc chung tay góp sức bằng cách sửa lại vài điểm trong bộ tiêu chí. Có thể bảo trợ các cháu 1 năm hay vài năm, có thể bảo trợ học bổng hay tặng những món tiền khẩn cấp cho những trường hợp éo le. Linh hoạt và hết sức tinh tế với một đối tượng dễ tổn thương, là câu chuyện mà Thanh Niên luôn cân nhắc trong mỗi bước của hành trình. Từ chiếc khẩu trang cho trẻ khi ghi hình sự kiện cho đến chai nước giải cơn khát mùa hạ cho các cháu, đều phải quan tâm và chu toàn. Trong khi bài viết này đang được thực hiện, thì nối tiếp hàng chục sự kiện trước đó, Báo Thanh Niên đang tổ chức một cuộc ký kết bảo trợ mới cho 10 cháu, với phương châm cố gắng hết lòng.

Từng phóng viên của Ban Công tác bạn đọc lặn lội tìm đến tìm hiểu gia cảnh của những trường hợp chưa được bảo trợ để chuyển tải lên mặt báo, từng chỉ đạo sâu sát hằng ngày hằng tuần của Ban Biên tập… tất cả đều được thống nhất và tạo sức bật cho một hành trình xác định lâu dài chưa có điểm dừng. Ấy là sự thao thức, trở trăn của bao người, khó nói hết chỉ trong phạm vi của một bài viết, song lòng nhiệt thành và sự lan tỏa của chương trình có lẽ ai nghe qua cũng đều thấu hiểu.

Để rồi cứ thế, Báo Thanh Niên luôn cầu mong cho các gia đình không may mất mát trong trận dịch lịch sử gắng gượng vươn dậy và luôn hy vọng vào sự tin cậy chung tay của bạn đọc, để nhịp cầu nhân ái của chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời không ngừng tiếp diễn… 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.