Cùng con đi tiếp cuộc đời: Người cha với nỗi lo chuyện học hành của đàn con

Thanh Đông
Thanh Đông
04/05/2023 00:56 GMT+7

Người đàn ông ấy lúc nhận tin vợ mất vì Covid-19, tuyệt vọng đã suýt quyên sinh. May mà có tiếng gọi tự đâu níu kéo ông trở lại để chăm sóc 4 đứa con. Ông là Nguyễn Văn Khánh, 42 tuổi, ở P.15, Q.8, TP.HCM.

"10 giờ sáng, từ bệnh viện điều trị Covid-19, vợ tôi gọi về báo đã khỏe. 12 giờ, gia đình tôi nhận tin vợ qua đời. Chới với hoảng loạn, tôi chạy ra lan can nơi mình đang cách ly định nhảy xuống. Nhưng rồi tôi định thần trở lại, vội vã xin về nhà để chăm sóc 4 con đang đau đớn không kém khi nghe tin mẹ ra đi". Lời kể của ông Khánh lúc nhớ lại những tháng ngày ấy khiến chúng tôi nhói lòng.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Người cha với nỗi lo  chuyện học hành của đàn - Ảnh 1.

Ước mơ lớn của ông Nguyễn Văn Khánh là các con, nhất là con trai út N.V.H được học tập đến nơi đến chốn

THANH ĐÔNG

NÉN ĐAU THƯƠNG ĐỂ CHĂM CON

Chúng tôi đến thăm nhà ông Khánh vào một tối cuối tháng 4. Từ cầu số 3 trên đường Bến Bình Đông, Q.8, phải đi qua nhiều con hẻm mới đến nhà. Chỉ tay dọc con hẻm nhỏ, ông Khánh nói: "Hẻm ở đây quanh co nhỏ xíu, chen chúc chật chội nên nhà này "dính dịch" là nhà kia "bị" ngay. Khu này người ra đi vì Covid-19 nhiều lắm, đa số lớn tuổi, chỉ vợ tôi là trẻ nhất".

Tiếp nối câu chuyện, ông Khánh kể: "Lúc ấy, vợ tôi và con trai thứ hai là N.V.Q bị nhiễm Covid-19 trước. Khi hai mẹ con nghi ngờ và tự đi Bệnh viện Chợ Rẫy kiểm tra thì xác định dương tính. Về nhà, rất hoang mang nhưng vẫn kiên trì điều trị. Hai mẹ con tự cách ly ở nhà, cháu Q. có biểu hiện mệt trước, mệt dữ lắm, cứ xin mẹ cứu con hoài. Thấy vậy, vợ tôi cố gắng chăm sóc, an ủi động viên. Nhưng rồi lúc con khỏe lên thì vợ tôi trở nặng".

Khi gọi xe cấp cứu đều bận, ông Khánh cùng vợ liều mình ra đường, tự tìm bệnh viện, để các con ở nhà. Ra đến khu vực cách ly tập trung gần cầu Chà Và (nối Q.5 và Q.8), vợ chồng ông được tiếp nhận tạm thời. "Tại đây, vợ tôi bắt đầu khó thở. Cả khu chỉ còn ít bình ô xy, hết người này thở đến người kia thở. Thấy vậy, người trạm trưởng ở đó gọi rất nhiều nơi để xin tiếp nhận vợ tôi. Cuối cùng, cũng có bệnh viện điều trị Covid-19 ở tận Hóc Môn xuống đón vợ tôi. Tôi xin đi theo để chăm sóc vợ nhưng không được đồng ý vì trên đó không có chỗ, vợ tôi tha thiết xin cho tôi đi cũng không thành. Tôi nhét vội cho vợ 1 triệu đồng và chiếc điện thoại để tiện liên lạc. Nào ngờ, từ lần chia tay đó, chúng tôi mãi mãi xa nhau", ông Khánh ứa nước mắt. 10 giờ sáng 12.8.2021 (mùng 5.7 âm lịch) ông còn nhận được cuộc gọi của vợ báo tin "khỏe rồi, anh yên tâm". Đến 12 giờ cùng ngày, người ta gọi về địa phương báo vợ ông qua đời!

MONG CON ĐƯỢC ĐI HỌC

Bước vào nhà ông Khánh, nhìn cách bài trí các vật dụng trong nhà, chúng tôi cảm nhận được sự khéo léo, chu đáo, ngăn nắp của vợ chồng ông trong sinh hoạt thường ngày. "Vợ tôi giỏi, khéo léo và chu toàn mọi việc. Hai vợ chồng đồng thuận trong làm ăn, thu nhập ổn định để nuôi 4 con dù công việc là gia công đồ chơi trẻ em tại nhà. Vợ đi rồi, mọi thứ trong nhà tôi cũng cố gắng bài trí như xưa để vợ yên lòng", ông Khánh kể.

Sau khi dịch qua đi, con trai lớn của ông là N.V.P (22 tuổi) cưới vợ và hiện chuẩn bị đón con gái đầu lòng. P. làm ở tiệm tóc, đủ nuôi bản thân và vợ, bây giờ vẫn sống chung với gia đình ông Khánh.

Người con kế tiếp là N.V.Q (19 tuổi), sinh viên năm 1, Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM nhưng đã bảo lưu. "Khi trường yêu cầu đóng 25 triệu đồng học phí, biết ba không có tiền, mẹ đã ra đi, nên em đã giấu ba xin bảo lưu 1 năm. Hằng ngày, em chạy xe ôm công nghệ, dành tiền để đóng học phí", Q. tâm sự.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Người cha với nỗi lo chuyện học hành của đàn con - Ảnh 2.

Em N.V.Q phải bảo lưu việc học để chạy xe ôm công nghệ kiếm tiền đóng học phí

Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, xin vui lòng liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp nhà báo Huỳnh Thanh Đông, Trưởng bộ phận Từ thiện xã hội- Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Được một thời gian không thấy con đi học, ông Khánh hỏi thăm, Q. mới thú thật là đã xin bảo lưu. "Nghe xong buồn quá, tôi năn nỉ con ráng học, có khó khăn cách mấy cũng vay mượn để đóng tiền học. Tôi mong sang năm con sẽ chịu quay lại trường", ông Khánh nói với sự ước muốn.

Lúc chúng tôi trò chuyện cùng ông Khánh và Q., hai con trai nhỏ của ông Khánh là N.V.T.A (14 tuổi), học lớp 8 Trường THCS Lê Lai và N.V.H (7 tuổi), hiện học lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Nhược Thị cùng nhau học bài. Đứa lớn chỉ bài cho đứa nhỏ.

Nỗi lo lớn nhất của ông Nguyễn Văn Khánh bây giờ không phải là tiền ăn mỗi ngày, mỗi tháng, bởi công việc gia công của ông tại nhà cũng đắp đổi được, nội ngoại hai bên cũng không để cha con ông đói khổ. Lo nhất là chi phí cho 3 đứa con tiếp tục con đường học vấn. "Học phí của cháu Q. một năm hơn 50 triệu đồng. Hai con nhỏ tuy không đóng học phí nhưng tiền sách vở, chi phí học tập cũng nhiều và còn kéo dài đến nhiều năm nữa. Vì vậy, khi nghe Báo Thanh Niên có chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời bảo trợ cho trẻ mồ côi là tôi tham gia. Nhưng đến nay, có lẽ quá nhiều trường hợp, nên các con tôi vẫn chưa có người nhận bảo trợ, tôi nóng lòng lắm!", ông Khánh tâm sự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.