Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nỗi đau lặng thầm của người nữ hộ lý

01/05/2023 00:37 GMT+7

Để có cuộc gặp với chị Huỳnh Ngọc Lan (43 tuổi, hộ lý ở Bệnh viện Từ Dũ), chúng tôi phải điện thoại rất nhiều lần, chị mới có thời gian trả lời và cho một cái hẹn tại nhà ở xã Tân Kiên, H.Bình Chánh (TP.HCM), vì có ngày chị phải làm ca 24 tiếng.

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Trong căn nhà nhỏ, trũng thấp so với mặt hẻm gần cả mét với ngổn ngang vật dụng cũ kỹ, xe đẩy hủ tiếu, thùng nấu nước lèo, xe đạp, bàn ghế… là nơi ở của đại gia đình gồm: bà ngoại, cậu và 4 mẹ con chị Lan gồm chị và các cháu L.N.C.T (13 tuổi), L.N.M.C (12 tuổi), L.P.T.G (9 tuổi).

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nỗi đau lặng thầm của người nữ hộ lý - Ảnh 1.

Chị Huỳnh Ngọc Lan và các con

KIM PHƯỢNG

Nét mặt u buồn và đôi mắt đỏ hoe, chị Lan cho biết công việc hộ lý này chị mới làm được 5 tháng nay, chứ trước đây chị bán hủ tiếu. Nhắc đến công việc này, chị không kìm được nước mắt khi nhớ lại những buổi chiều cùng chồng đẩy xe bán hủ tiếu ở vỉa hè bưu điện xã Tân Kiên. Đối với chị, đó là những ngày tháng tuy cực nhưng vợ chồng đi về có nhau đầm ấm, vui vẻ. Buổi sáng chồng đi làm tháo dỡ nhà cho các công trình xây dựng, còn chị ở nhà lo chuẩn bị nguyên liệu, xắt thịt, rửa rau… Buổi chiều, sau khi bưu điện đóng cửa, khoảng 18 giờ vợ chồng chị sẽ đẩy xe ra vỉa hè bưu điện bắt đầu bán, đến 22 giờ là xong. Một ngày bình thường như vậy, trừ đi chi phí, tiền lời thu được khoảng 400.000 đồng; còn hôm nào công nhân được lãnh lương thì bán được nhiều hơn. Với mức thu nhập như vậy, tuy không nhiều nhưng vợ chồng chị cảm thấy cũng ổn định và đủ nuôi 3 con ăn học, và mơ một ngày có ngôi nhà riêng cho mình.

Rồi những tháng ngày dịch Covid-19 ập tới. Ngày 20.8.2021, cả gia đình chị bị nhiễm, chuyển đi cách ly ở Bệnh viện Vĩnh Lộc B. Chồng chị là anh L.T.P vì bị nặng hơn nên chuyển sang Bệnh viện Việt Đức được 12 ngày thì không qua khỏi. Nhận được hung tin của chồng, chị Lan như sụp đổ, không tin đó là sự thật.

Nén đau buồn, lặn lội nắng mưa

Sau những ngày buồn đau mất mát, chị Lan nhìn 3 đứa con thơ dại đang tuổi ăn tuổi lớn, học hành và món nợ gần 150 triệu đồng từ chồng chị vay để đấu thầu các công trình tháo dỡ nhà xây dựng, nhưng bị thua lỗ, chị lại nén đau thương bắt đầu dọn dẹp, rửa xoong nồi, bát đũa, đẩy xe hủ tiếu đi bán trở lại. Thấy mẹ bán hủ tiếu nhưng không còn ba bên cạnh, các con của chị cũng cố gắng phụ mẹ đẩy xe, dọn hàng, bưng bê… cho mẹ đỡ cực. Nhìn các con còn nhỏ mà ngày nào cũng thức đến tối khuya theo mẹ, không có thời gian học hành, chưa kể những hôm trời mưa gió, các con phải túm tụm nhau trên vỉa hè ướt sũng nước mà lòng dạ chị đau thắt.

Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nỗi đau lặng thầm của người nữ hộ lý - Ảnh 2.

Chị Lan với công việc hằng ngày tại bệnh viện

Thương con gái và các cháu ngoại loay hoay cực khổ quá, mẹ chị Lan đang làm hộ lý ở Bệnh viện Từ Dũ đã xin cho chị vào làm chung từ tháng 12.2022 đến nay. Từ khi làm công việc mới này, một ngày của chị bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng, lo nấu ăn cho các con và đi một đoạn đường gần hai chục cây số để làm việc. Công việc bây giờ của chị cũng khác hoàn toàn với trước đây và phải làm theo ca. Có ngày chị làm ca 8 tiếng, có ngày làm ca 24 tiếng. Nếu như trước đây chị chỉ đứng bếp nấu và phục vụ cho khách, thì bây giờ công việc của chị là phụ ghi hồ sơ, đưa bệnh nhân bệnh nặng đi khám, đẩy xe cho sản phụ đến phòng sinh hoặc phòng mổ. Chị Lan tâm sự: "Công việc hiện tại cũng không vất vả nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên đi làm xa nhà, phải để các con tự sắp xếp thời gian ăn uống, học hành. Cũng may là các con hiểu được công việc của mẹ và khó khăn của gia đình nên học giỏi và rất ngoan. Học kỳ vừa rồi bé T.G (lớp 3) được học sinh xuất sắc, còn hai chị lớn C.T (lớp 7) và M.C (lớp 6) thì đạt học sinh khá".

Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, xin liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp nhà báo Huỳnh Thanh Đông, Trưởng bộ phận từ thiện xã hội - Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Khi chúng tôi đang trò chuyện thì các con chị Lan đi học về. Ngoài 3 đứa con của chị, còn có một người bạn của bé học lớp 3 cũng cùng về nhà chị để ăn trưa vì nhà cháu ở xa, cũng không có tiền đóng học bán trú nên chị Lan nói: "Chỉ là thêm cái chén, đôi đũa, nhà có gì ăn nấy, cháu cứ về đây ăn trưa với gia đình cô". Sau khi lễ phép chào hỏi, các con chị tranh thủ ăn cơm trưa, nghỉ ngơi chút xíu để đến trường học buổi chiều. Nhà gần trường nên các con tự đạp xe đi học và về, chị không cần đưa đón, và các con không cần phải học bán trú nên cũng đỡ tốn nhiều tiền.

Chị Lan thở dài: "Lương hằng tháng nếu làm đủ 208 giờ thì sẽ được nhận khoảng 5,6 triệu đồng, đóng tiền học phí cho 3 đứa, rồi tiền ăn, trả nợ, tiền điện nước và các chi phí khác cứ xoay vòng, chưa tới tháng lãnh lương đã hết tiền. Lương của bà ngoại làm được bao nhiêu cũng bù cho mấy mẹ con em mà cũng thiếu trước hụt sau".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.