TẢO TẦN NUÔI CON BỆNH TẬT
Một trưa cuối tuần, chúng tôi ghé quán cơm trên đường Ngô Quyền, đoạn qua P.9, Q.5, TP.HCM, ăn trưa, nhưng thực chất là muốn chứng kiến công việc chị Lâm Tú Nhung (33 tuổi), có chồng mất do Covid-19. Do không hẹn trước nên cuộc gặp bất ngờ này khiến chị Nhung có phần bối rối, vì đang phải tất bật phụ dọn bàn, lau ghế, bưng bê thức ăn cho khách. Thế nhưng vợ chồng chủ quán là ông Nguyễn Hoàng Hùng và bà Trần Thị Ngọc Nữ - cậu mợ ruột của chồng chị Nhung, khi biết câu chuyện đã để chị tiếp chúng tôi, dù khách khá đông.
Vợ chồng chị Nhung có 3 con. Con gái lớn là H.Đ.K, sinh năm 2013, hai con trai là H.Đ.V, sinh năm 2016 và H.Đ.N, sinh năm 2019. Tuy nhiên, chỉ cháu K là sức khỏe tốt, còn V. và N. thì đau ốm triền miên. Cháu V. năm nay học lớp 1, nhưng do mắc chứng "rối loạn hoạt động và chú ý" nên học không tập trung, khó ngủ, sinh hoạt thất thường. Còn cháu N. thì bị bệnh tim bẩm sinh và dị tật hàm mặt từ khi chào đời, đã trải qua 3 lần phẫu thuật. Chị Nhung cho biết trước dịch Covid-19, vợ chồng chị thuê mặt bằng trên đường Tạ Quang Bửu (P.5, Q.8) vừa để ở vừa bán nước giải khát mưu sinh. Hằng ngày, anh H.T.P, chồng chị Nhung, sau khi xong công việc tại một hãng xe ô tô công nghệ, lại vội vã về nhà phụ chị. Rồi dịch Covid-19 ập đến, anh P. bị nhiễm bệnh và mất vào đầu tháng 9.2021, gia đình chị rơi vào ngõ cụt. Để giúp chị Nhung cùng các con, ông Hùng, bà Nữ đưa mấy mẹ con chị về nhà ông bà ở, sắp xếp để chị vừa phụ bán quán vừa có thời gian đưa đón, chăm sóc các con.
Xế chiều, chúng tôi theo chị Nhung sang Q.8 để đón các con đi học về. Do mỗi cháu học mỗi trường, chị phải tất tả ngược xuôi đón đưa từng cháu. Tính ra, lịch trình mỗi ngày của chị bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt, "mệt muốn đứt hơi cũng không dám nghỉ", như lời chị nói. Đó là chưa kể nhiều lúc các con ốm đau phải đi bệnh viện, áp lực cuộc sống lại đè nặng thêm lên đôi vai người mẹ này.
LO CƠM ÁO, MẸ ĐÀNH XA CON
Chia tay mẹ con chị Nhung, chúng tôi lòng vòng mấy lượt mới tìm ra con hẻm nhỏ nằm cuối đường Kinh Dương Vương (thuộc P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), nơi các con chị Cao Thị Kim Ngân (32 tuổi) đang sinh sống. Đó là căn nhà cấp 4 đã cũ của cha mẹ chị Ngân. Lúc chúng tôi ghé thăm, chị Ngân không có ở nhà, con gái lớn của chị đi học chưa về. Tiếp chúng tôi là ông bà Cao Tấn Công và Nguyễn Thị Liên, cha mẹ ruột của chị. Ông bà cho biết vợ chồng chị Ngân có 3 con gái, cháu lớn sinh năm 2010, cháu kế sinh 2012, cháu nhỏ sinh 2018. Trước đây chồng chị Ngân là anh N.T.B, quê Vĩnh Long, làm nghề cơ khí, còn chị Ngân thuê mặt bằng cách nhà ông bà gần 1 km để bán thức ăn, nước uống. Cuối tháng 8.2021, dịch Covid-19 bùng phát dữ dội, cả nhà bị nhiễm bệnh, rồi mấy ngày sau đó anh B. mất tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Sau dịch, cuộc sống bấp bênh, việc buôn bán ế ẩm, chị Ngân phải trả mặt bằng, đưa các con về đây tá túc. Do cuộc sống ngày càng khó khăn, từ đầu năm 2023 chị Ngân phải rời xa các con về Đồng Nai phụ bán quán cơm cho một người quen.
"Thỉnh thoảng mẹ các cháu mới tranh thủ về thăm, rồi vội vàng trở lại nơi làm việc. Vợ chồng tui thương con và các cháu lắm, nhưng cuộc sống khó khăn như vầy đành chấp nhận chứ chẳng biết làm sao!", bà Liên thở dài nói. Chỉ vào cháu út N.N.N.Q đang ngồi chơi dưới sàn nhà, bà Liên kể: "Cháu nay đã 5 tuổi mà không có điều kiện đi học mẫu giáo, tiền học của hai cháu lớn cũng đang khó khăn, chi phí hằng ngày cứ thiếu trước hụt sau, nên muốn cho cháu đến trường như chúng bạn cũng khó, dù biết cháu sẽ thiệt thòi". Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, chị Ngân trải lòng: "Trước đây chồng em là trụ cột lo cho cả gia đình, nay ảnh mất rồi em phải gồng gánh tất cả. Giờ chỉ mong sao sức khỏe thật tốt để làm lụng lo cho các con, cực mấy cũng phải ráng, xa con cũng đành chịu dù thương nhớ các con rất nhiều!".
Trên đường về, chúng tôi nhớ mãi lời ông Hùng, bà Nữ gửi gắm lúc gặp ở quán cơm: "Hoàn cảnh cháu Nhung và nhiều gia đình khác rất éo le, mong quý báo và bạn đọc tiếp tục quan tâm, nâng đỡ các trẻ cùng gia đình họ từng bước vượt qua nghịch cảnh như chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời thời gian qua đã thực hiện!".
Ngày 8.12.2022, bạn Huỳnh Hữu Phước (nhân vật trong bài Chàng shipper nói tiếng Pháp với Marc Levy ở đường sách: Câu chuyện cảm động phía sau trên Thanh Niên Online ngày 14.11.2022) sau khi được bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ để trở lại giảng đường đại học, đã tham gia chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời bằng cách trích một phần tiền mình được giúp để nhận bảo trợ cháu H.Đ.K, con gái chị Lâm Tú Nhung, đến năm 18 tuổi. Nhận được sự bảo trợ của Phước, chị Nhung xúc động nói: "Em rất xúc động với sự quan tâm của Báo Thanh Niên và sự sẻ chia của bạn Huỳnh Hữu Phước. Nhờ vậy, mẹ con em phần nào vơi bớt khó khăn. Tuy nhiên, vì hai bé V. và N. chẳng may mắc nhiều chứng bệnh, trong khi cuộc sống mấy mẹ con qua vất vả, nên tương lai cũng chưa biết sẽ ra sao!".
Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp nhà báo Huỳnh Thanh Đông, Trưởng bộ phận Từ thiện xã hội - Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Bình luận (0)