NHỮNG BỮA CƠM MUỘN
Khi đường phố sáng đèn, chúng tôi tìm đến khu vực cuối đường Bến Phú Định (P.16, Q.8, TP.HCM) thăm cha con ông Nguyễn Nam Tương. Trước đó, khi liên lạc, ông nói nhà mình nằm trong hẻm, số nhà nhảy lung tung rất khó tìm. Vì thế, chúng tôi phải chọn một quán hủ tiếu nhỏ ven đường đứng đợi ông đi làm về đón vào nhà cho tiện.
Con hẻm nhỏ dẫn vào nhà ông Tương khá quanh co, chỉ vừa hai xe máy tránh nhau. Nói là nhà, nhưng chỉ là căn phòng rộng hơn chục mét vuông, có thêm gác nhỏ bên trên, đồ đạc rất đơn sơ. Lúc đó đã hơn 7 giờ tối, hai con gái ông là N.N.T.T (15 tuổi, học lớp 10) và N.N.T.X (13 tuổi, lớp 8) đang chuẩn bị bài vở để mai đi học sớm. Ông Tương cho biết căn phòng này do mẹ vợ ông xây cất cho vợ chồng ông và các con ở hơn chục năm nay. Vừa nói, ông vừa cho gạo vào nồi, rồi lấy rau và ít thức ăn ra nấu. Ông kể tiếp, từ khi vợ ông là bà P.T.K (sinh năm 1967) mất do Covid-19 tháng 9.2021, ba cha con ông hụt hẫng vì không chỉ thiếu tình thương yêu mà còn như mất đi một trụ cột gia đình, nên cuộc sống đối diện bao khó khăn. "Trước dịch Covid-19, tôi đi làm tới 8 giờ tối mới về, mọi việc ở nhà có bà xã lo. Vợ tôi giỏi lắm, vừa lo việc nhà tươm tất vừa buôn bán kiếm thêm tiền chợ, hai con chỉ đi học thôi, rảnh thì phụ với mẹ. Nay thì…!", ông Tương thở dài.
Giờ đây, cứ mỗi sớm, hai con gái thức dậy tự lo cơm nước rồi chở nhau đến trường, còn ông thì đến một cơ sở sản xuất ở Q.Bình Tân làm việc đến tối mới về. Hôm nào còn thức ăn dự trữ thì ông chạy thẳng về nấu, bữa nào hết thì trên đường đi làm về ông ghé mua. Vì thế, bữa cơm tối của cha con ông đạm bạc và luôn bị muộn. "Tính đến nay, bà xã tôi ra đi cũng hơn năm rưỡi rồi, trống trải vô cùng và thương các con đang tuổi ăn học lại sớm mất mẹ! Giờ tôi một mình xoay xở lo cho con, nhưng làm sao bằng lúc còn mẹ của các cháu được. Lúc nào các cháu đói thì có mì gói hai chị em nấu ăn, chờ tôi về nấu cơm trễ quá, nay cũng sắp thi học kỳ 2 rồi!", ông Tương tâm sự.
"TƯƠNG LAI VỜI VỢI QUÁ !"
Một buổi trưa cuối tháng 4, chúng tôi ghé nơi ông Tương làm việc ở đường 5C, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân, để tiếp tục câu chuyện dang dở hôm trước. Đây là cơ sở tư nhân, chuyên sản xuất cối xay thực phẩm bằng tay. Những thợ chính như hàn, mài… đã nghỉ ngơi, còn ông là thợ phụ, tỉa gọt các dăm nhỏ còn sót lại, hưởng lương theo sản phẩm, nên vẫn còn miệt mài ngồi trước một mớ trục xay bằng nhôm vừa đúc xong.
Ông Tương sinh ra ở TP.HCM, cha mất sớm nên ông sau đó theo mẹ đi kinh tế mới ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Cuộc sống cũng chẳng khá hơn, vậy là cả gia đình lại quay về TP.HCM, mấy anh em trong nhà mỗi người tự mưu sinh, lập gia đình. Riêng ông Tương, hơn 20 năm trước bị ung thư phải cắt bỏ 2/3 dạ dày. Trải qua những tháng ngày điều trị tốn kém, sức khỏe hồi phục, ông xin vào làm công nhân một công ty sản xuất keo dán, rồi gặp bà K. và nên duyên vợ chồng. "Nghĩ mình bệnh tật nên tôi không dám lấy vợ, nhưng sau khi mổ xong, bác sĩ nói sức khỏe ổn định nên tôi mới lập gia đình, ai cũng mừng!", ông chia sẻ. Hạnh phúc vỡ òa khi hai cô con gái lần lượt chào đời, cuộc sống êm ả trôi qua như bao gia đình khác. Hơn 6 năm trước, chân tay đau nhức không làm ở công ty sản xuất keo được nữa, ông mới xin vào làm thợ phụ ở cơ sở sản xuất cối xay thực phẩm này.
Quý bạn đọc có nhã ý chung tay cùng chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19, xin liên hệ số điện thoại: 0903956846 (gặp nhà báo Huỳnh Thanh Đông, Trưởng bộ phận từ thiện xã hội - Ban Công tác bạn đọc). Chương trình sẽ khảo sát, tìm hiểu và chọn hồ sơ trẻ mồ côi do Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với khả năng của nhà bảo trợ để lên phương án giúp đỡ và ký kết bảo trợ cho trẻ theo từng giai đoạn.
Ngoài ra, nếu lựa chọn hình thức gửi tiền mặt ủng hộ chương trình, xin vui lòng đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước. Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Ngân hàng Eximbank - chi nhánh Sài Gòn. Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.
Giữa năm 2021 dịch Covid-19 ập tới, đến tháng 9.2021 cả nhà ông Tương bị nhiễm bệnh. Đầu tiên là ông, được đưa đi điều trị tại Bệnh viện 7A. Mấy hôm sau là bà K. cùng hai con gái. Bà K. được đưa vào Bệnh viện Nhân dân 115, hai con gái cách ly tại địa phương. "Cứ ngỡ tôi sức khỏe kém sẽ ra đi, nào ngờ số phận lại chọn bà xã. Đau đớn nhất là trong những ngày tháng đó, mỗi người một ngả, đến phút cuối không nói với nhau được lời nào!", giọng ông chùng xuống vì xúc động. Hết dịch, ông bị di chứng Covid-19, những cơn ho vẫn dai dẳng đeo bám. Đôi chân đau nhức mấy năm trước giờ càng đau thêm, đi đứng khó khăn hơn, khám bệnh mới biết bị thoái hóa khớp. Cơ sở sản xuất cũng ngừng hoạt động, sức khỏe lại đang yếu, ông nằm nhà dưỡng bệnh và chăm hai con. Số tiền ít ỏi dành dụm bấy lâu của vợ chồng cũng cạn hết, dù chi tiêu rất hạn chế.
"Cơ sở này mới hoạt động trở lại vài tháng nay thôi. Trước dịch hàng bán chạy lắm, mỗi tháng tôi làm thu nhập hơn 10 triệu đồng. Nay hàng chậm lại, từ tết tới giờ tôi chỉ được chừng 5 triệu đồng, không biết tháng ngày sắp tới sẽ ra sao. Giờ sức khỏe đang yếu dần, con lại còn nhỏ, nghĩ về tương lai thấy vời vợi quá chú à!", ông Tương nói trong lo âu.
Bình luận (0)