Bên dòng Sêrêpốk: Đánh đu với tử thần

Quang Viên
Quang Viên
14/04/2020 07:11 GMT+7

Nằm trên cao nguyên sâu thẳm, Sêrêpốk là dòng sông chảy ngược duy nhất của Việt Nam. Bên dòng Sêrêpốk hùng vĩ hãy còn nhiều điều thú vị...

Nhảy đá, đi cáp “tử thần”, qua sông dữ bằng xuồng bé tẻo teo là chuyện thường ngày của những người lớn, thậm chí trẻ con 4 - 5 tuổi ở TT.Ea T’ling (H.Cư Jút, tỉnh Đắk Nông).
Sêrêpốk không phải là dòng sông hiền hòa. Chuyện kể rằng, ngày xưa có chàng trai ở bờ bên này đem lòng yêu cô gái xinh đẹp bên kia sông. Gia đình của đôi trai gái kiên quyết ngăn cản chỉ vì mối thù dòng họ. Bởi quá thương nhau, vào một đêm trăng thanh gió mát, cả hai nắm tay nhau nhảy xuống Sêrêpốk tự tử. Từ đó bỗng dưng mây đen kéo đến, trời đất đen ngòm, mưa tuôn xối xả, khiến dòng sông trở nên hung dữ.
Nhưng dù dòng sông hung dữ đến mấy, người dân sống dọc dòng sông này vẫn ngày ngày qua sông đi làm bằng những cách không dùng cho người... yếu tim.

Thót tim nhảy đá, đi xuồng

Tỉnh và Ngân, hai chàng trai ở TT.Ea T’ling (H.Cư Jút, Đắk Nông) rủ tôi nhảy đá qua sông. Thấy tôi còn ngơ ngác, Tỉnh liền giải thích: “Đơn giản thôi. Nhảy từ hòn đá này sang hòn đá kia”. Nghe có vẻ đơn giản và thú vị, tôi đồng ý ngay. Hai chàng trai chưa vợ này làm công nhân mỏ đá nằm bên kia bờ sông. Đi vòng lên cầu 14 sẽ rất tốn thời gian, nên họ thích nhảy đá đi tắt. Ra đến bờ sông, Ngân nói: “Anh em mình nhảy hướng này”. Đó là khu vực nằm ngay chân thác Trinh Nữ. Những tảng đá lớn bé muôn hình muôn vẻ nhấp nhô xếp dài từ bờ sông bên này thuộc H.Cư Jút (Đắk Nông) sang bờ kia sông là H.Krông Ana (Đắk Lắk).
Bên dòng Sêrêpốk: Đánh đu với tử thần1

Nhiều người dân phải liều mình nhảy đá để vượt bãi đá khổng lồ giữa dòng sông

Nhìn bao quát, đá trong lòng khúc sông ngắn như liền nhau. Điều đó khiến tôi vững tâm bước những bước đầu tiên. Tuy nhiên, đi qua vài tảng đá tôi bắt đầu lo lắng. Trời ạ, không phải tảng đá nào cũng xếp liền nhau. Nhiều tảng rời nhau, cần thực hiện đúng kỹ thuật “nhảy đá” mới qua được. Sợ nhất là những tảng cách nhau hơn cả mét, giữa hai tảng đá nước chảy ầm ầm. Nếu không đủ can đảm chắc chắn không ai chọn đường đi “phiêu” như vậy. Phán đoán sai cự ly, lực nhảy không đủ mạnh, không đúng kỹ thuật có thể va đầu vào đá hoặc trượt chân rơi xuống dòng nước đang cuộn chảy bên dưới. Với Tỉnh và Ngân, do quá quen nên vừa mang lỉnh kỉnh giỏ, chiếu vẫn nhảy “đẹp”, gọn gàng. Chỉ mất chừng 5 phút hai chàng trai đã qua bờ bên kia rồi ới gọi tôi: “Qua đi anh”. Song thú thực tôi chỉ đủ can đảm qua đến giữa sông rồi quay trở lại bờ tìm phương tiện khác để “bảo toàn tính mạng”.
Rất may, vừa đáo lại bờ, tôi gặp một người phụ nữ chuẩn bị qua bên kia. Bà xởi lởi: “Chú định qua bên kia phải không? Lên xuồng qua với tôi”. Mừng quýnh nhưng khi nhìn chiếc xuồng tim tôi bắt đầu đập nhanh trở lại. Giữa dòng sông, một chiếc xuồng tương tự chiếc xuồng của người phụ nữ này chở hai người đang tiến vô bờ. Tôi nhìn theo chiếc xuồng bất giác nghĩ nó chẳng khác gì chiếc... lá tre dài 3 m, ngang 7 tấc. Người phụ nữ giục, tôi e dè bước xuống. Thuyền tròng trành rời bến. “Chú sợ à? Hằng ngày người dân qua bên kia làm rẫy chủ yếu đi bằng thuyền như vầy. Có bữa chở ba, bốn người mà có sao đâu”, bà thổ lộ. Tôi hỏi: “Có bao giờ bị lật xuồng chưa?”, bà thành thật: “Có chứ. Vào mùa mưa, sông này hung dữ lắm. Đã có người lật xuồng chết rồi. Nhưng vì công việc nương rẫy phải qua sông bằng cách này”. Hôm nay dòng sông Sêrêpốk khá hiền, nhưng gió vẫn thổi mạnh. Con thuyền chao đảo làm thót tim mấy lần rồi cũng đưa tôi lên bờ an toàn. Thêm một trải nghiệm khó quên.
Bên dòng Sêrêpốk: Đánh đu với tử thần2

Chiếc thuyền bé tẻo teo này có khi chở 4 người

Xanh mặt đu cáp “tử thần”

Cách đây khá lâu tôi có đến đây. Lúc đó, nhìn cảnh người dân qua sông bằng cáp treo tự chế (gọi là cáp “tử thần”) mà lạnh xương sống. Sau đó, được tin chính quyền địa phương khuyến cáo người dân không nên qua sông bằng cáp treo nữa. Tuy nhiên, lần này quay trở lại cáp “tử thần” vẫn còn đó. Một số người dân coi đây là phương tiện qua sông đi làm.
Tôi ra bờ sông đợi Trần Ngọc Vinh - người chuyên tìm, vớt xác miễn phí tại khu vực này. Buổi sáng, dòng Sêrêpốk, đoạn gần thác Trinh Nữ, thơ mộng hữu tình. Lúc này, một nhóm người cũng từ TT.Ea T’ling chuẩn bị lên cáp treo qua sông đi làm rẫy. Tình cờ tôi gặp lại chú Tuynh, người mấy năm trước đây đã giới thiệu với tôi về công trình cáp treo “tử thần” của mình.
Vẫn nụ cười hiền khô, chú Tuynh tâm tình: “Cáp treo của chú hỏng lâu rồi. Bây giờ muốn qua sông nhanh thì đi nhờ cáp treo nhà ông Vinh”. Luôn chính hiệu là nông dân cày sâu, cuốc bẫm, người đàn ông tuổi gần 60 này mang theo một vài công cụ làm đất, bình xịt thuốc trừ sâu, bắp cho gà. Phía bên kia sông là rẫy cà phê bạt ngàn, ao cá, và đàn gà “bay” (giống gà tre lai gà rừng) của chú Tuynh. Tôi hỏi: “Đi cáp treo thô sơ mà mang đủ thứ như vậy không sợ bất trắc, nguy hiểm sao?”. Chú Tuynh lại cười: “Thấm béo gì. Có khi nhiều thứ lỉnh kỉnh hơn như lương thực, phân bón, nông sản cũng "tháp tùng" qua sông trên cáp”.
Anh Vinh bảo tôi và chú Tuynh leo lên cáp treo. Nhìn phương tiện chở người này tôi quá hãi. Mấy tấm ván khá mỏng được ghép lại tạo thành chỗ ngồi chiều dài chưa được 1 m, chiều rộng khoảng 6 tấc. Hai sợi dây thép to hơn chiếc đũa móc vào 4 góc tấm ván rồi treo lên gắn vào chiếc ròng rọc phía trên sợi dây cáp to cỡ ngón tay út. “Lên đi. Chở ba (người) luôn”, ông Vinh giục. Tôi không đủ can đảm để làm một cú “đề ba” như vậy nên chờ chuyến sau. Chừng 5 phút ông Vinh đã kéo chú Tuynh qua bờ bên kia. Thoắt một cái, khoảng 3 phút ông Vinh đã quay lại bờ bên này đón tôi. “Qua lại ít người, nhẹ nên đi nhanh hơn”, ông Vinh giải thích. Ngại ngần rồi tôi cũng bước lên cáp “tử thần”. Khởi động, cáp treo chạy khá nhanh. Cảm giác sợ cũng thoáng qua. Nhưng khi đến giữa sông đoạn cáp võng xuống hết cỡ, kéo càng nặng, vận tốc cũng chậm dần. Lúc này nhìn xuống sông lởm chởm đá, nước chảy cuồn cuộn tôi thấy tim như muốn bay khỏi lồng ngực, đếm từng giây mong mau đến bờ.
Thú thật, vụ qua sông trên cáp treo tôi thấy mình còn tệ hơn những em bé ở đây. Hai đứa cháu ngoại ông Vinh, ngày hai bận qua về bằng cáp treo như thế. Tôi hỏi hai cháu có sợ không, chúng hồn nhiên trả lời: “Sợ gì. Thích thì có. Ngày nào cháu cũng qua đây với ông ngoại”. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.