Bên nhau, mình là nhà: Để gia đình trẻ hạnh phúc

Thanh Nam
Thanh Nam
03/10/2024 07:00 GMT+7

Khi quyết định tiến đến hôn nhân ai cũng mong ước có được một gia đình đầm ấm và hạnh phúc. Thế nhưng, phải vun đắp và gìn giữ tình yêu ấy ra sao để xây dựng gia đình hạnh phúc là vấn đề mà hầu hết các cặp vợ chồng trẻ quan tâm. Những chia sẻ cùng lời khuyên của các chuyên gia sẽ giúp ích cho người trẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.

Vun đắp từ sự yêu thương, chia sẻ và bao dung

Đã bước vào cuộc sống hôn nhân được hơn 8 năm và có 2 con nhỏ, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên Khoa Xã hội và nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, chia sẻ rằng để vun đắp cho hạnh phúc thì rất cần sự yêu thương, chia sẻ và bao dung. Ngoài ra, sự thấu hiểu cũng là yếu tố vô cùng cần thiết trong hôn nhân.

Bên nhau, mình là nhà: Để gia đình trẻ hạnh phúc- Ảnh 1.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu cho biết để vun đắp cho hạnh phúc thì rất cần sự yêu thương, chia sẻ và bao dung

ẢNH: NVCC

"Không có ai hoàn hảo, chỉ là tất cả thành viên trong gia đình cố gắng nghĩ cho nhau và bao dung nhau mỗi ngày. Quan trọng, giữa vợ chồng, con cái vẫn duy trì sự giao tiếp thông suốt giữa các thành viên để luôn gắn kết", thạc sĩ Đào Lưu cho hay.

Thạc sĩ tâm lý Ngô Minh Uy, Giám đốc Trung tâm tâm lý chuyên nghiệp WELink TP.HCM, cho biết bí quyết giúp hai vợ chồng anh xây dựng hạnh phúc hôn nhân trong nhiều năm qua là cùng nhau vun đắp. Anh Uy chia sẻ: "Nói chuyện và vui đùa với nhau được chúng tôi duy trì mỗi ngày. Câu chuyện chủ yếu chỉ là những gì diễn ra trong ngày của từng người, nhưng điều quan trọng là được lắng nghe và thấu hiểu. Những thói quen hoặc năng lực giao tiếp hòa bình và tích cực là điều cần rèn luyện trong cuộc sống hôn nhân".

Ngoài ra, để tình yêu tồn tại lâu bền cũng cần một sự tôn trọng lẫn nhau. "Chúng tôi luôn đề cao và tôn trọng những lựa chọn của người còn lại. Nhìn chung tôi có quyền và được khích lệ để theo đuổi sự nghiệp của mình, vợ tôi cũng vậy. Chúng tôi tôn trọng khác biệt của nhau và xác định tư thế bình đẳng trong hôn nhân giữa nam và nữ. Bên cạnh việc tôn trọng để cho nhau sống trọn vẹn với lựa chọn của mỗi người cũng nên xác định những điều chung mà hai vợ chồng cùng giữ. Đó là những chuyện về tài chính, tài sản, mối quan hệ với gia đình lớn, những hoạt động chung, niềm tin tôn giáo và quan điểm thực hành đời sống tâm linh…", anh Uy cho hay.

Với kinh nghiệm 9 năm trong cuộc hôn nhân của chính mình, thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: "Người xưa có câu "đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm", ngụ ý phân rõ vai trò của vợ chồng trong gia đình. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy điều này không còn phù hợp nữa. Tổ ấm gia đình phải do tất cả các thành viên cùng xây đắp và gìn giữ qua những việc làm cụ thể để thể hiện tình yêu thương với nhau".

Anh Thành phân tích thêm: "Cốt lõi của cuộc sống hôn nhân đó là sự hòa hợp về mọi mặt của hai vợ chồng. Với tôi đó là chấp nhận lẫn nhau, chấp nhận những thói quen, tính cách của người bạn đời của mình. Tiếp theo là sự sẻ chia giữa hai vợ chồng đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống hôn nhân. Vợ chồng luôn chia sẻ mọi việc với nhau để kịp thời hiểu được vấn đề đang gặp phải, để cảm thông và đồng hành. Sự im lặng thường là trở ngại của bất cứ mối quan hệ nào".

Cũng theo anh Thành, để giữ lửa hạnh phúc gia đình, các thành viên phải luôn làm mới bản thân cũng như cách thể hiện tình cảm. "Nhiều người có thói quen không tốt là khi yêu nhau lâu thì không còn thể hiện tình cảm bằng những hành động, cử chỉ thân mật, lời nói yêu thương cũng ngày càng ít đi. Những điều này sẽ làm tình cảm giữa hai người dần nguội lạnh. Như vậy, cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng tình cảm mỗi ngày bằng cách "nêm" thêm một chút yêu thương, lãng mạn, hài hước. Điều đó sẽ giúp tạo ra chất keo kết dính tự nhiên cho mối quan hệ luôn gắn bó và nồng cháy", anh Thành nói.

Xây dựng gia đình hạnh phúc từ việc nuôi dạy con trẻ

Con cái là kết tinh tình yêu của cha mẹ, và việc đồng điệu trong cách nuôi dưỡng, chăm sóc con cái cũng là sợi dây kết nối các cặp vợ chồng. Với những kinh nghiệm của mình, anh Uy chia sẻ việc nuôi dạy con cái không đặt trên nền tảng của kỹ năng hay phương pháp mà ở việc xây dựng được mối quan hệ ấm áp và thân tình thông qua chuyện có thể đối thoại với con.

Theo anh Uy: "Với tôi quan trọng nhất là lắng nghe và thấu hiểu được những khao khát của con. Giáo dục con cái là vì con nên phải để tâm đến chuyện con muốn thành một người như thế nào và dựa trên những tiềm năng gì. Chúng tôi hướng đến mục tiêu sau cùng là con cái trưởng thành và đạt được sự độc lập".

Trong chuyện giáo dục, dạy dỗ con cái, anh Uy và vợ chú tâm vào hai nguyên tắc. Đầu tiên là yêu thương vô điều kiện và đúng đắn; Hai là tạo ra hệ thống kỷ luật một cách kiên định và nhất quán. Dù vậy, điểm quan trọng có thể mang tính quyết định là sự thống nhất và ăn ý của cha mẹ trong định hướng giáo dục con trẻ.

Anh Uy cho biết thêm: "Trong gia đình lớn hơn chúng tôi đạt được sự thống nhất rằng đường hướng và trách nhiệm nuôi dạy con là ở chúng tôi, còn ông bà hay bất kỳ ai bên cạnh đều là những người được "ủy quyền" trong những tình huống khác nhau chứ không chịu trách nhiệm chính".

Còn thạc sĩ Đào Lưu thì cho rằng mỗi đứa trẻ sẽ có một cách dạy dỗ khác nhau chính vì thế không thể áp đặt công thức chung cho tất cả dù chúng cùng cha mẹ sinh ra. "Nuôi dạy con cái là cả một hành trình rất dài và cần có mục tiêu cụ thể để định hướng sự phát triển cho con. Cha mẹ cần trang bị rất nhiều kỹ năng như lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành, làm bạn cùng con, những hiểu biết về sự phát triển của từng lứa tuổi… Nuôi dạy một đứa trẻ cần có kiến thức và kỹ năng khoa học chứ không thể là bản năng làm cha mẹ", chị Lưu nói.

Trước khi bước vào hôn nhân, cần đủ trưởng thành

Theo các chuyên gia, trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, các cặp đôi cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và có đủ sự chín chắn. Dựa trên trải nghiệm của mình, đồng thời là điều mà bản thân dùng như một lối tiếp cận vấn đề hôn nhân trong thực hành nghề trợ giúp tâm lý, anh Uy chia sẻ trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân phải đảm bảo có đủ sự trưởng thành.

"Một người muốn cuộc sống hôn nhân đầm ấm và hạnh phúc cần phải có năng lực tự sống, tự chăm lo cho chính mình. Tự chăm lo cho bản thân gắn liền với tự chịu trách nhiệm về những gì mình nghĩ hoặc làm. Bên cạnh đó, để bước vào cuộc sống hôn nhân, mỗi người cần học cách để sống hài hòa với người khác, nhất là người thân của mình. Cần học hỏi về giao tiếp tích cực và các phương án xử lý khi hai vợ chồng có mâu thuẫn", anh Uy nói.

Tương tự, thạc sĩ Đào Lưu cho biết: "Trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng từ việc hiểu rõ người bạn đời của mình, thống nhất một số quan điểm trước khi kết hôn. Mỗi cá nhân cần thật sự trưởng thành, trách nhiệm hơn khi chuẩn bị bước vào cuộc sống hôn nhân chứ không đơn giản chỉ là yêu và cưới".

Còn theo anh Thành, trước khi kết hôn nên thỏa thuận, thống nhất các quy tắc khi về sống chung. "Đó là những thống nhất của hai người về mọi khía cạnh xung quanh cuộc sống chung sắp tới, từ tài chính đến kế hoạch sinh con, giáo dục con như thế nào… Ngoài ra, việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng vô cùng cần thiết, nó mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản mà còn cả về thể chất, tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng trong tương lai", anh Thành chia sẻ.

Chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc năm 2024, với chủ đề "Bên nhau, mình là nhà" do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) tổ chức nhằm tăng cường tuyên truyền trong các cấp bộ Hội, hội viên, thanh niên về vai trò và giá trị của việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, tiến bộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chuỗi hoạt động của chương trình Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc 2024 bao gồm: Chiến dịch truyền thông Xây dựng gia đình trẻ hạnh phúc và Ngày hội "Gia đình trẻ hạnh phúc" trên mạng xã hội với các sản phẩm truyền thông: infographic, motion graphic, video clip...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.