(TNO) Không như Tổng thống Mỹ luôn dùng chuyên cơ Air Force One vang tiếng, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ trên chiếc Boeing 747-400 dân dụng của hãng hàng không Air China.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân bước ra khỏi chiếc Boeing 747-400 của Air China chở ông tới Mỹ - Ảnh: Reuters |
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có chuyên cơ riêng, họ đều đi máy bay của Air China, cựu quyền giám đốc sở Lễ tân thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lu Peixin nói với báo China Daily sau khi ông Tập vừa đáp máy bay đến Mỹ.
Nhưng tất nhiên, nhà lãnh đạo đất nước đông dân nhất hành tinh không phải ngồi bó chân chật hẹp giống như bạn khi đi máy bay. Hàng tháng trời, trước bất kỳ chuyến công du nào của ông, chiếc máy bay được chọn sẽ phải nằm đất để lắp đặt lại nội thất bên trong, lắp giường ngủ, ghế salon vào. Ông Tập lúc nào cũng có riêng một phòng khách, một phòng ngủ và một phòng làm việc - chiếm hết 1/3 ổ bụng con chim sắt khổng lồ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Binh (giữa) cùng Ray Conner, tổng giám đốc Boeing thăm dây chuyền sản xuất loại máy bay này giữa chuyến thăm Mỹ của ông Tập - Ảnh: Reuters
|
Mặc dù nhà lãnh đạo Trung Quốc không có máy bay riêng, nhưng 2 chiếc Boeing mang số hiệu B-2447 và B-2472 thường được sử dụng cho các chuyến công du của lãnh đạo nhất. Còn lúc bình thường, máy bay sẽ được tháo giường, tháo sofa ra, trở lại nguyên hình dáng những chiếc máy bay dân dụng bình thường.
Tất nhiên, với một chiếc máy bay mà trước đó bất kỳ bác phó thường dân nào có vé trong tay cũng đều leo lên được, giới chức an ninh phải soi kỹ từng đường tơ kẽ tóc trên thân con chim khổng lồ đó. Tổ lái và tiếp viên cũng được lựa chọn kỹ càng. Trung Quốc càng giàu lên, càng có lắm tham vọng thì các rủi ro về mặt an ninh càng lớn.
Hồi năm 2013, khi nói về việc ông Tập dùng máy bay dân dụng, ông Lu tuyên bố an ninh và chống lãng phí là lý do khiến máy bay của Air China được huy động. Báo South China Morning Post dẫn lời ông Lu nói: “Một chiếc máy bay có hàng trăm linh kiện khác nhau và nếu không dùng nó thường xuyên, máy bay sẽ kém an toàn”.
Kể từ khi lên ghế lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc, ông Tập phát động chiến dịch chống lãng phí và chống tham nhũng rầm rộ. Đi máy bay dân dụng có lẽ là cơ hội tốt để ông thể hiện chính sách của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bên chiếc Air Force One trứ danh - Ảnh: Reuters
|
Chẳng phải một đất nước giàu có và khao khát khẳng định vị thế như Trung Quốc chưa từng nuôi tham vọng sắm một con chim sắt xứng tầm cỡ Air Force One của Mỹ. Hồi năm 2001, dưới thời chủ tịch Giang Trạch Dân, Trung Quốc đã mua xong một chiếc Boeing, đặt hàng thiết kế lại tại Mỹ. Tới hồi con chim sắt hoành tráng được giao về Bắc Kinh, giới chức Trung Quốc phát hiện quanh mình nó bám đầy “bọ”: 27 thiết bị nghe lén cả thảy, The Wall Street Journal đưa tin. Còn báo Telegraph hồi năm 2002 cho biết nhóm 22 quan chức Trung Quốc phụ trách giám sát vụ sửa sang lại chiếc máy bay đã bị bắt giam toàn bộ.
Trung Quốc “tố” CIA chính là tác giả của đám “bọ” kể trên, còn giới chức Mỹ tuyên bố họ chẳng bận tâm thảo luận về những lời buộc tội kiểu như thế này.
Thực ra thì trên các kênh thông tin chính thức, giới chức Trung Quốc chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận thông tin trên, có điều vài tháng sau khi vụ xì căng đan nổ ra rùm beng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc bấy giờ tuyên bố “nghe lén Trung Quốc là điều hoàn toàn không cần thiết”.
Kể từ đó về sau, Trung Quốc không bao giờ nói về kế hoạch sắm chuyên cơ cho lãnh đạo nữa.
|
Bình luận (0)