Cứ tưởng mấy cảnh này chỉ có ở Trung Quốc và vài bãi tắm ở Nam Mỹ, châu Âu. Mấy bạn nước ngoài xem ảnh, hỏi tôi có nên tới mấy chỗ đó không vì quá hãi. Nhìn ảnh cũng thấy nóng người vì sự ngột ngạt. Nhưng chẳng thấm thía gì so với sự chịu đựng của người trong cuộc. Hỏi thăm bạn bè mới biết thêm nhiều thứ.
Chen chúc dưới biển vẫn còn dễ chịu vì có nước, có gió, dù nước biển nóng và mặn bất thường. Chen chúc trên đường vì kẹt xe càng đáng sợ. Cái nóng và tiếng ồn của máy xe được nhân lên bởi mặt đường nhựa như chảo rang. Rồi tiếng người í ới, tiếng trẻ con gào khóc, tiếng người lớn cự cãi…tạo nên dàn hợp xướng stress toàn tập. Cũng chưa là gì với nỗi khổ giành nhà vệ sinh, giật nước ngọt để “tráng” lại thân thể. Đến cái ăn cũng phải có chiến thuật, biết chớp thời cơ, dù giá cả trên trời. Chuyện ở càng lâm ly. Giá tăng gấp đôi gấp ba cũng chẳng quan tâm, miễn là có chỗ ngủ. Không ít khách hàng phải qua đêm trên xe, vật vã trong quán vì không tìm ra nhà nghỉ…
Cứ tưởng du lịch là để nghỉ ngơi, thư giãn. Ai dè chuốc thêm bao bực dọc và hành xác. Có nhà đi chơi xong về trầm cảm, người này giận kẻ kia vì tội rủ rê. Có mấy cặp đôi chia tay vì những lời hứa có cánh ở nhà và thực tế phũ phàng mà không thể minh oan. Nhiều người thề độc “Từ nay về sau không du lịch nội địa vào dịp tết, lễ…”. Có kẻ nghêu ngao, sửa lời thơ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Du lịch nên tìm nơi vắng vẻ. Tránh xa ngày tết, lễ xô bồ”. Thề vậy thôi, không đi thì ở nhà nhìn thiên hạ dập dìu. Không du lịch vào dịp tết, lễ thì đi vào dịp nào? Vợ chồng phải xin nghỉ phép, rồi còn con cháu học hành. Chỉ còn cách du lịch qua sách báo và màn ảnh nhỏ. Du lịch kiểu đó, còn gì thú vị. Phải mắt thấy, tai nghe, mũi hửi, lưỡi nếm, tay sờ…và râm ran tranh luận, chuyện trò mới đã.
Du lịch dịp tết, lễ luôn là nỗi ám ảnh các công ty lữ hành. Có hướng dẫn viên không chịu đi tour dịp lễ (dù lương tour cao hơn) vì quá cực. Lâu nay chỉ lo bị kẹt xe và chen chúc tham quan, chứ chen chúc tắm biển thì chưa đến nỗi nào. Có năm kẹt xe, từ TP.HCM đi Dầu Giây mất 4 - 5 giờ thay vì 1,5 giờ. Buổi ăn sáng biến thành buổi ăn trưa. Sau này, các công ty bèn bố trí lệch giờ khởi hành để giảm bớt áp lực. Còn kẹt bãi biển thì "bó tay chấm com". Tác giả của những đám đông ken đặc này là các nhóm gia đình du lịch tự túc, thường là tự lái hoặc thuê xe và các nhóm đi phượt. Ít ai có kế hoạch chủ động từ trước. Có người nổi hứng, “đùng một cái” là đi. Các công ty lữ hành có kinh nghiệm và uy tín, thường tránh xa mấy điểm nóng này.
Ở Việt Nam, hễ có đám đông là có vấn nạn, là có kẻ xấu trà trộn, thừa “nước đục thả câu”. Đám đông không chỉ tự làm khổ mình mà còn gây phiền hà cho nhiều người chung quanh. Đây là dịp béo bở của nạn chặt chém, tăng giá, trấn lột. Nạn nhân của những tệ nạn này luôn là khách gia đình, hoặc nhóm bạn tự đi. Tự tổ chức, cứ tưởng rẻ hóa đắt, chưa kể phát sinh đủ thứ bực bội. Các công ty giữ phòng, giữ xe…cả năm trời và chỉ bán theo khả năng tổ chức, trừ những công ty chụp giật.
Nói thế không phải để PR cho các công ty lữ hành. Tự tổ chức, nếu đi vào dịp tết lễ, phải có kế hoạch từ xa, đặt phòng, đặt xe và máy bay trước để không bị động; tránh xa mấy điểm đen du lịch thường xuyên quá tải. Lâu nay, nhiều người đi du lịch theo hội chứng đám đông. Thấy thiên hạ đi là mình đi theo, dù trước đó chưa có ý định. Thiên hạ đi đâu, ta đi đó, cho “bằng chị bằng em”. Hậu quả là cùng nhau lãnh đủ. Đảm bảo năm sau, mấy điểm này sẽ vắng vì thiên hạ sợ, tìm chỗ khác và mấy năm nữa mới có dịp tái lặp lại. Để hạn chế bớt vấn nạn này, cơ quan quản lý và chính quyền các địa phương cần có khuyến cáo khi hết phòng và dự báo khả năng quá tải, có kế hoạch hỗ trợ du khách.
Hội chứng đám đông hình như là căn bệnh mãn tính ở Việt Nam. Chuyện bất thường thành bình thường, thậm chí thành văn hóa? Đâu chỉ chuyện du lịch theo đám đông. Từ việc học của con cái, của chính mình; việc chọn ngành, chọn nghề; việc mua sắm lặt vặt cho đến tậu xe , tậu nhà. Rồi chuyện vượt đèn đỏ, chen lấn, leo lề...
Bệnh nặng lắm rồi, phải tìm cách chữa càng sớm càng tốt. Ai biết cách gì chữa trị hiệu quả, xin chỉ dùm.
Bình luận (0)