Hai tháng sau khi được mổ đĩa đệm cột sống tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, anh Khuất Duy Q. (Phú Thọ) mới thoát khỏi tình trạng đau cột sống khủng khiếp. Anh Q. kể: “Trước khi vào Việt Đức, em bị đau cột sống và khám tại một BV khác của Hà Nội. Khi đó em được chỉ định mổ thoát vị đĩa đệm với khoản viện phí gần 50 triệu đồng dù có BHYT. Sau mổ, em cảm thấy bệnh không thuyên giảm nhưng BS vẫn cho ra viện. Em có nói với BS mổ về tình trạng của mình, nhưng BS chỉ hướng dẫn: Về nhà nghỉ ngơi chờ ổn định”.
|
Ra viện, bệnh nhân Q. vẫn đau dọc cột sống lan xuống đến tận đầu ngón chân. “Về nhà khoảng 3-4 hôm thì chính BS mổ điện thoại cho em bảo đến để mổ lại với lý do lần mổ đầu em còn một đĩa đệm trượt ra ngoài nên gây đau”, anh Q. kể.
|
Nghe BS nói vậy, Q. rất lo lắng nhưng chần chừ chưa dám quay trở lại vì nghĩ, mổ lần đầu còn quá đau giờ lại mổ thêm sợ bị nặng hơn nữa. Nhưng Q. càng chần chừ thì BS càng hối thúc quay lại mổ tiếp. Cuối cùng gia đình đưa Q. sang BV Việt Đức khám và được các BS mổ lại tại Khoa Phẫu thuật cột sống.
Lần mổ lại tại BV Việt Đức này, Q. được các bác sĩ ở Khoa Phẫu thuật cột sống lấy ra 2 mảnh nhựa nhỏ. Đây là 2 mảnh “thiết bị” do các BS của BV mổ lần đầu để quên trong cột sống của bệnh nhân. “Lúc này, em và gia đình mới biết, BS mổ lần đầu sau khi phát hiện quên “thiết bị” trong cột sống của em không nói rõ, mà đổ tại em còn sót một đĩa đệm bị thoát vị nên yêu cầu mổ lại”.
Được các BS của BV Việt Đức giải cứu khỏi hai mảnh nhựa, cột sống của Q. lập tức hết đau đớn, đi lại bình thường. TS-BS Nguyễn Văn Thạch, Trưởng khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức, cho biết: Dị vật nằm trong cột sống có thể chèn ép vào dây thần kinh không chỉ gây đau mà còn có thể ảnh hưởng đến vận động của chân tay, thậm chí nặng nề còn gây liệt vì dây thần kinh, tủy sống bị tổn thương. Khoa Phẫu thuật cột sống BV Việt Đức từng tiếp nhận một bệnh nhân mổ thay đĩa đệm tại một BV tuyến tỉnh nhưng vẫn rất đau sau mổ. Nguyên nhân do khi mổ tại tỉnh, BS không lấy hết đĩa đệm hỏng của bệnh nhân ra đã đưa thêm đĩa đệm mới vào. Vì “chật chỗ” nên một phần đĩa đệm bị lòi ra chèn ép vào dây thần kinh khiến bệnh nhân vô cùng đau đớn.
GS Đỗ Kim Sơn, nguyên Giám đốc BV Việt Đức, cho biết tai biến trong y tế là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên nó được giảm thiểu nếu BS có trình độ chuyên môn tốt và tinh thần trách nhiệm cao. Thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều nhưng không thiết bị máy móc nào có thể thay thế cho con người.
Chủ quan với tai biến
Một bệnh nhân nam 73 tuổi (ở Vĩnh Phúc) bị đau dọc một bên chân trái được gia đình đưa đến BV Việt Đức nằng nặc đòi khám cột sống và mổ thoát vị đĩa đệm. Nhưng sau khi khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán, các bác sĩ khẳng định ông không bị thoát vị đĩa đệm. Tiếp tục làm các xét nghiệm, các BS phát hiện ông bị tắc động mạch chi dưới. Sau khi được điều trị can thiệp mạch tại Khoa Phẫu thuật tim mạch lồng ngực, ông đã xuất viện đi lại bình thường. Anh Sơn, cháu ngoại của bệnh nhân, kể: “Ở nhà, ông tôi bị đau một bên chân, BV tại địa phương chẩn đoán ông bị thoát vị đĩa đệm chèn ép gây đau chân cần mổ điều trị thoát vị đĩa đệm”. TS-BS Lê Văn Trường, Viện Tim mạch (BV T.Ư Quân đội 108, Hà Nội), cho biết thêm: “Chúng tôi gặp nhiều trường hợp bị bệnh viêm tắc động mạch chi dưới vào điều trị rất muộn vì bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm và chỉ định điều trị xương khớp trong thời gian dài mà không khỏi. Việc này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe vì bệnh ở giai đoạn muộn có thể gây hoại tử chi, điều trị khó khăn hơn nhiều”.
Trung tâm dị ứng miễn dịch lâm sàng BV Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận các ca dị ứng do thuốc, trong đó nhiều trường hợp tai biến nặng nề do chủ quan của BS. Một bệnh nhân nữ 25 tuổi (sống ở Hà Nội) đã phải vào điều trị tại trung tâm trong tình trạng dị ứng thuốc nặng. Nguyên nhân là do trước nhập viện, chị phải uống thuốc điều trị lao. Sau đợt điều trị chị thấy có nổi ban ở da. Khi thông báo với BS điều trị lao về các bất thường, thì chị chỉ nhận được lời khuyên “cứ uống tiếp theo đơn”. Kết cục là sau đó chị phải vào điều trị tại BV Bạch Mai do dị ứng quá nặng với biểu hiện tổn thương da trên nhiều vùng cơ thể, tổn thương niêm mạc mắt, mũi. BS Bùi Văn Khánh cho biết không ít trường hợp bị dị ứng thuốc điều trị lao phải nhập viện khi dị ứng đã nặng: phù chân, toàn bộ da đã đổi màu thâm tái, bong tróc từng mảng. Nguy hiểm do dị ứng thuốc là gây tổn thương ở niêm mạc, nhất là niêm mạc mắt, mũi, miệng, bề mặt da khắp cơ thể nổi bọng nước, những đám da bị xé rách, bong tróc từng mảng, nếu không điều trị kịp thời dễ gây nguy hiểm tính mạng.
TS Dương Đức Hùng (Viện Tim mạch quốc gia) chia sẻ: Để thành công cho một ca mổ, diễn biến sức khỏe người bệnh phải được theo dõi sát sao trong suốt cuộc mổ. Có thể phẫu thuật tốt nhưng chỉ riêng huyết áp của bệnh không được kiểm soát cũng gây nguy hiểm. Vì bệnh nhân khi gây mê có thể bị tụt huyết áp khiến giảm lượng máu đưa đến các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng này khiến bệnh nhân bị thiếu máu não. Não không nuôi dưỡng sẽ bị “đói” dẫn đến chết não. Nếu nhân viên y tế lơ là, chủ quan không khắc phục kịp thời bệnh nhân có thể tử vong.
Mua bảo hiểm để bồi thường cho bệnh nhân Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), để xác định nguyên nhân các tai biến sẽ có hội đồng chuyên môn kết luận. Nếu sai sót do chuyên môn thì người bệnh sẽ được bồi thường. Tới đây, các BV sẽ phải thực hiện mua bảo hiểm nghề nghiệp để thực hiện đầy đủ việc bồi thường cho bệnh nhân khi xảy ra các tai biến do lỗi của cơ quan y tế |
Nam Sơn
>> Bệnh nhân tử vong do bác sĩ tắc trách?
>> Yêu cầu kỷ luật ê kíp tắc trách làm một học sinh mất chân
>> Để "chìm xuồng" các vụ tắc trách gây chết người, trách nhiệm thuộc về ai?
>> Anh đau đầu nạn bác sĩ tắc trách
>> Trẻ sơ sinh chết nghi do bác sĩ tắc trách: Chưa biết khi nào mới có kết luận
>> Một trẻ sơ sinh chết nghi do bác sĩ tắc trách
>> Trọng trách và tắc trách
>> Bệnh viện tắc trách gây chết người
Bình luận (0)