Bệnh nhân đột quỵ não được cấp cứu như thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
15/10/2022 15:23 GMT+7

Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được ghi nhận các chỉ số sinh tồn như mạch, nhiệt độ , huyết áp, nhịp thở, bác sĩ xử trí các tình trạng cần cấp cứu ban đầu, nhận diện, đánh giá các tình huống nghi ngờ đột quỵ nhồi máu não cấp.

Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là một nhóm bệnh lý của mạch máu não. Nhồi máu não là loại đột quỵ thường gặp nhất, trong đó mạch máu cung cấp máu cho não bị tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi làm chết các tế bào não, từ đó gây hậu quả tàn phế nặng nề và có nguy cơ dẫn đến tử vong.

Ngày 15.10, trong chương trình "Cấp cứu đột quỵ: Cuộc chạy đua với thời gian", thiếu tá, bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Quân Y 175 cho biết, thời gian là yếu tố vàng trong cấp cứu người bệnh đột quỵ, bên cạnh chuyên môn và trang thiết bị y tế hiện đại.

Chạy đua thời gian cứu bệnh nhân

Tại Bệnh viện 175 sau khi tiếp nhận bệnh nhân tại khoa cấp cứu, điều dưỡng ghi nhận các chỉ số sinh tồn như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở. Bác sĩ sẽ tiến hành xử trí các tình trạng cần cấp cứu ban đầu và nhận diện, đánh giá các tình huống nghi ngờ đột quỵ nhồi máu não cấp.

Quy trình đột quỵ cấp sẽ được kích hoạt để thông báo đến các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Bệnh nhân sẽ được tiến hành lấy máu làm xét nghiệm và đặt các đường truyền tĩnh mạch để phục vụ cho việc điều trị. Sau đó, bệnh nhân sẽ được chuyển ngay đến phòng chụp phim của khoa chẩn đoán hình ảnh.

Tại khoa chẩn đoán hình ảnh, bệnh nhân sẽ được chụp hình ảnh sọ não (CT scan/MRI) để xác định chẩn đoán. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh khi nhận được thông báo sẽ có mặt ngay tại phòng chụp phim để hội chẩn, đánh giá tổn thương não và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bác sĩ tập vật lý trị liệu cho một bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não cấp sau khi được cứu sống

BV 175

Chỉ định điều trị phụ thuộc vào thời gian nhập viện từ khi có biểu hiện

Theo bác sĩ Nghĩa, trong trường hợp, bệnh nhân đến bệnh viện trong vòng 4- 5 giờ từ khi có biểu hiện bệnh, bác sĩ thần kinh sẽ kiểm tra chỉ định và chống chỉ định của thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch. Giải thích nguy cơ, tác dụng phụ và lợi ích của thuốc cho bệnh nhân và thân nhân.

Khi bệnh nhân và thân nhân ký xác nhận đồng ý về phương pháp điều trị, điều dưỡng sẽ tiến hành bơm vào đường truyền tĩnh mạch một lượng thuốc tiêu huyết khối và duy trì lượng thuốc còn lại qua bơm tiêm tự động.

Ngay sau khi bơm thuốc, bệnh nhân sẽ được chụp phim mạch máu não để kiểm tra. Nếu không ghi nhận tắc nghẽn các mạch máu lớn bệnh nhân sẽ được chuyển vào phòng hồi sức của đơn vị đột quỵ khoa nội thần kinh để theo dõi và điều trị nội khoa. Nếu có sự tắc nghẽn mạch máu lớn, bác sĩ thần kinh sẽ hội chẩn với các bác sĩ can thiệp để đưa ra quyết định can thiệp mạch máu não (DSA) để lấy huyết khối bằng dụng cụ.

Trong trường hợp, bệnh nhân đến bệnh viện sau 4-5 giờ từ lúc có biểu hiện bệnh, bệnh nhân sẽ được chụp hình ảnh học để đánh giá tổn thương não và hình ảnh mạch máu não.

Dựa vào kết quả hình ảnh chụp sọ não, các bác sĩ chuyên khoa thần kinh sẽ đưa ra quyết định điều trị cho bệnh nhân. Nếu có chỉ định can thiệp mạch máu não, bác sĩ can thiệp sẽ tham gia hội chẩn để lên kế hoạch điều trị, giải thích cho thân nhân, bệnh nhân. Điều trị lấy huyết khối sẽ được tiến hành ngay sau khi có được sự đồng thuận từ người nhà bệnh nhân. Nếu không còn chỉ định can thiệp mạch não, bệnh nhân sẽ được chuyển vào khoa nội thần kinh để các bác sĩ chuyên khoa xây dựng kế hoạch tư vấn và điều trị.

Bác sĩ Hoàng Tiến Trọng Nghĩa chia sẻ kiến thức về cấp cứu đột quỵ
lê cầm

Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ sau can thiệp

Tại khoa nội thần kinh, bệnh nhân sẽ đưa vào phòng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Điều dưỡng sẽ theo dõi sát các chỉ số sinh tồn, đánh giá khả năng nuốt, tình trạng dinh dưỡng, xem xét các nguy cơ biến chứng hô hấp và nguy cơ hình thành loét tì đè.

Bác sĩ lên kế hoạch để điều trị tối ưu cho bệnh nhân bao gồm tầm soát các nguyên nhân gây bệnh, điều trị ổn định các tình trạng bệnh hiện có và điều trị phòng ngừa tái phát đột quỵ não.

Sau 24 giờ, bệnh nhân sẽ được chụp phim sọ não để theo dõi việc điều trị. Sau giai đoạn cấp, bệnh nhân sẽ được đánh giá sự đáp ứng với điều trị nội khoa, tư vấn chế độ ăn uống hợp. Được hướng dẫn những bài tập cơ bản trong việc phục hồi chức năng sử dụng thuốc đúng cách... Sau đó bác sĩ sẽ xem xét thời điểm xuất viện hợp lý và đặt lịch hẹn tái khám định kỳ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.