Với sự tiến bộ của y học hiện đại, người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu và chăm sóc tại các bệnh viện có đơn vị đột quỵ để đạt hiệu quả cấp cứu và điều trị phục hồi tốt nhất.
Điển hình, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) tiếp nhận cấp cứu đột quỵ cho người bệnh N.H.V. (70 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Ông V. đột nhiên không nói và cử động được tay chân. Ông được người thân đưa đến bệnh viện cấp cứu. Ngay khi tiếp nhận người bệnh, quy trình báo động cấp cứu đột quỵ được khởi động. Ê kíp cấp cứu gồm các y bác sĩ từ Khoa Cấp cứu, Đơn vị Đột quỵ Khoa Thần kinh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Can thiệp mạch máu não nhanh chóng phối hợp chẩn đoán, cấp cứu cho người bệnh. Kết quả chụp CT cho thấy người bệnh được chẩn đoán nhồi máu vùng thân não, tắc động mạch thân nền (một động mạch lớn trong não).
Người bệnh nhanh chóng được tiêm thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch và chuyển lên phòng can thiệp. Chỉ trong 2 giờ từ khi được chuyển đến bệnh viện, người bệnh đã được cấp cứu và can thiệp thành công.
Sau can thiệp, người bệnh đã tỉnh táo, vận động cơ đã hồi phục ngoạn mục, chỉ còn yếu nhẹ. Ngay sau đó, người bệnh được nhập vào đơn vị đột quỵ và được chăm sóc điều trị toàn diện, bao gồm tập vật lý trị liệu - phục hồi chức năng sớm.
Với quy trình cấp cứu và điều trị chuyên sâu, người bệnh đã phục hồi nhanh chóng, toàn diện về sức khỏe, trí tuệ và chức năng vận động, được xuất viện về với gia đình, trở lại cuộc sống như trước.
TS-BS Nguyễn Bá Thắng chăm sóc người bệnh tại Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TP.HCM |
bvcc |
Những tiến bộ trong điều trị đột quỵ
TS BS. Nguyễn Bá cho biết đột quỵ là bệnh lý về não bộ do tổn thương mạch máu não. Có 85% nguyên nhân là thiếu máu não cục bộ (tắc mạch máu não), 15% là do xuất huyết não và xuất huyết dưới nhện (vỡ mạch máu não). Tại Việt Nam, đột quỵ hiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng. Để đảm bảo các yếu tố này, theo khuyến cáo của Hội Đột quỵ châu Âu và Hội Đột quỵ Mỹ, tất cả người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc ở các đơn vị đột quỵ.
Các nghiên cứu cho thấy việc được chăm sóc và điều trị tại các đơn vị đột quỵ giúp người bệnh giảm tỷ lệ tử vong, các biến chứng và giảm thời gian nằm viện đồng thời tăng khả sống độc lập. Đây là đơn vị chuyên điều trị đột quỵ với các nhân sự được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ. Hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam đã thành lập nhiều đơn vị đột quỵ, đóng vai trò thiết yếu trong việc nâng cao rõ rệt hiệu quả chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh đột quỵ.
Về điều trị, trong những năm gần đây các tiến bộ trong kỹ thuật cấp cứu can thiệp đột quỵ do thiếu máu não cục bộ được ghi nhận rất tích cực. Phương pháp tái thông mạch máu bằng thuốc tiêu huyết khối tĩnh mạch hoặc thủ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ đã được áp dụng rộng rãi và chứng minh hiệu quả trên thực tế. Các phương pháp này được ứng dụng hiệu quả trong vòng 4.5 - 6 tiếng kể từ khi người bệnh xuất hiện triệu chứng đột quỵ.
Trường hợp người bệnh đến bệnh viện trễ (sau 6 giờ cho đến 24 giờ), các bác sĩ sẽ dùng kỹ thuật cao, tìm những các phần mô não còn sống để can thiệp thông mạch. Phương pháp tái thông mạch máu sẽ được lựa chọn can thiệp tùy thuộc vào khoảng thời gian tính từ thời điểm khởi phát triệu chứng đầu tiên, vì vậy yếu tố quan trọng nhất vẫn là thời gian cấp cứu cho người bệnh đột quỵ. Càng được cấp cứu sớm, người bệnh càng có nhiều lựa chọn điều trị hơn và phương pháp can thiệp cũng sẽ phát huy hiệu quả cao hơn.
Lưu ý khi xử trí người bệnh đột quỵ
Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, mỗi phút não bị thiếu máu sẽ mất gần hai triệu tế bào thần kinh, vì thế người bệnh đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức để đảm bảo an toàn và hạn chế tối đa những tổn thương về não. Khi xử trí người bệnh đột quỵ, người thân nên liên hệ hệ thống cấp cứu 115 để được hướng dẫn sơ cứu tại chỗ và chuyển người bệnh đến các bệnh viện có đơn vị đột quỵ trong thời gian sớm nhất để đạt hiệu quả cao nhất. Cần hạn chế tự chuyển người bệnh bằng xe hai bánh do có nguy té ngã, phỏng bô, chân liệt bị kẹt vào bánh xe hoặc va chạm xuống mặt đường… Đặc biệt không được cạo gió, trích máu, hoặc cho người bệnh uống thuốc, nhất là các thuốc truyền miệng để tránh mất thời gian vàng, không hiệu quả mà còn có thể gây hại cho người bệnh.
Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần tự trang bị những kiến thức cần thiết thông qua các cổng thông tin y tế chính thống. Bên vào đó, cần tầm soát sức khỏe định kỳ, duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập luyện hợp lý và phòng ngừa các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch, tăng cholesterol trong máu, hút thuốc lá, béo phì, ít vận động… sẽ góp phần giảm nguy cơ đột quỵ.
Nhằm hưởng ứng Ngày Đột quỵ thế giới 29.10 đồng thời nâng cao kiến thức của cộng đồng trong việc nhận biết, xử trí và điều trị sau đột quỵ, BV ĐHYD TP.HCM thực hiện chương trình tư vấn Sống khỏe - Sẻ chia với chủ đề “Cập nhật kiến thức về đột quỵ cho cộng đồng”, theo dõi tại: https://bit.ly/capnhatkienthucdotquy
Chương trình cung cấp các thông tin hữu ích về những tiến bộ trong điều trị đột quỵ và những điều nên làm, không nên làm khi xử trí người bệnh đột quỵ.
Bình luận (0)