Nỗ lực giải cứu nhà thám hiểm kẹt sâu hơn 1.000 m trong hang động:

Bệnh nhân được đưa lên độ sâu 700 m

10/09/2023 21:33 GMT+7

Hôm 10.9, các đội ngũ cứu hộ quốc tế đã thành công đưa nhà nghiên cứu và thám hiểm người Mỹ tên Mark Dickey từ độ sâu 1.040 m lên độ sâu 700 m bên trong hang Morca ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bệnh nhân được đưa lên độ sâu 700 m - Ảnh 1.

Ông Mark Dickey, 40 tuổi, đang được chăm sóc sức khỏe sau khi ngã bệnh ở độ sâu 1.120 m

HIỆP HỘI CỨU HỘ HANG ĐỘNG CHÂU ÂU

Ông Dickey, 40 tuổi, bắt đầu ói mửa hôm 2.9 vì chứng xuất huyết dạ dày trong lúc thám hiểm hang Morca, một trong những hang động sâu nhất thế giới, thuộc phạm vi dãy núi Taurus của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tình trạng bệnh tật khiến ông không thể tự ra khỏi hang mà phải chờ người bên ngoài giải cứu.

Sau thời gian lên kế hoạch, chiến dịch cứu hộ được khởi động vào trưa 9.9 với sự tham gia của các bác sĩ, nhân viên trợ y và những nhà thám hiểm đầy kinh nghiệm đến từ khắp châu Âu, theo Hãng tin AP.

Họ thiết lập những trạm y tế dã chiến ở nhiều độ sâu dọc theo hang, cho phép ông Dickey có cơ hội nghỉ ngơi trong quá trình chậm chạp và kỳ công nhằm đưa bệnh nhân lên mặt đất.

Bệnh nhân được đưa lên độ sâu 700 m - Ảnh 2.

Nhà thám hiểm Mark Dickey trước khi ngã bệnh và mắc kẹt dưới hang sâu

REUTERS

"Ông Dickey đã được đưa đến trạm ở độ sâu 700 m vào 3 giờ 24 rạng sáng 10.9 (giờ địa phương). Sau thời gian nghỉ ngơi và tiếp nhận điều trị, từ đây ông sẽ được tiếp tục chuyển dần lên trên", Liên đoàn Ngữ âm học Thổ Nhĩ Kỳ thông báo trên tài khoản X (tên cũ Twitter).

Giới hữu trách Thổ Nhĩ Kỳ cho biết có khoảng 190 cá nhân đến từ 8 nước tham gia sứ mệnh giải cứu, trong số này 153 người là chuyên gia tìm kiếm, cứu hộ.

Thách thức lớn nhất của nỗ lực này là làm sao nới rộng những đoạn hẹp của hang để cho phép cáng cứu thương được chuyển qua.

Morca là hang động sâu thứ ba ở Thổ Nhĩ Kỳ, với độ sâu tối đa 1.276 m.

Các đội ngũ cứu hộ dự báo phải cần vài ngày để đưa bệnh nhân ra khỏi hang.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.