Bệnh nhân nhiễm virus Corona được phân tuyến điều trị ra sao?

Liên Châu
Liên Châu
11/02/2020 15:30 GMT+7

"Có yếu tố mới về đường lây lan virus Corona (nCoV) mới. Xuất hiện ca lây nhiễm bà - cháu cho thấy, dịch đã lan đến F3, là bé mới 3 tháng tuổi", ông GS-TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.

GS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), vừa cung cấp thông tin về phân tuyến điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới.
Theo đó, việc tiếp nhận giám sát, cách ly, điều trị các bệnh nhân bị nhiễm bệnh hoặc các ca bị nghi nhiễm thực hiện tại y tế 4 cấp, gồm: xã;  huyện; tỉnh/thành phố; và T.Ư.
Ông Khuê cho biết, 4 tuyến cách ly, điều trị kể trên tùy thuộc các đối tượng cần theo dõi y tế hoặc ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định. Theo đó, nhân viên của trạm y tế xã đảm đương việc giám sát các trường hợp được cách ly tại cộng đồng.
Cụ thể, với ca bệnh thông thường (sốt nhẹ, tỉnh táo, không có bệnh mãn tính kèm theo) sẽ được giám sát cách ly, điều trị tại trung tâm y tế huyện. Nếu nặng hơn mới lên tuyến tỉnh, và tùy diễn biến nặng hơn mới chuyển lên tuyến T.Ư.

Ông Khuê đánh giá, thực tế, tại tâm dịch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, các ca dương tính, điều trị tại Trung tâm y tế H.Bình Xuyên đều có sức khỏe ổn định. Hiện vẫn chưa có ca nào phải lên tuyến tỉnh.

Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay, vừa qua một số ca bệnh đầu tiên, dù tình trạng nhẹ nhưng đã được chuyển lên tuyến T.Ư, vì đó là các bệnh nhân mới, cần có thực tế để đánh giá. Sau các ca đầu tiên, Bộ Y tế và các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhận thấy, việc phân tuyến, điều trị tại chỗ với sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến T.Ư và tuyến tỉnh là rất phù hợp với diễn biến dịch tại thời điểm này.
"Các ca bệnh đều ổn định sức khỏe với bệnh nhân là người khỏe mạnh. Việc tiếp nhận điều trị tại chỗ giúp tránh xáo trộn và an toàn hơn nhiều cho các bệnh nhân khác và cộng đồng”, ông Khuê nhận định, và cho biết thêm, với ca bệnh lớn tuổi, có bệnh nền, nguy cơ diễn biến nặng, cần được điều trị tại tuyến tỉnh vì cần phối hợp các chuyên khoa như: tim mạch, đái tháo đường. Trường hợp ca bệnh nặng và phức tạp hơn nữa, tuyến T.Ư cũng đã sẵn sàng tiếp nhận.

Bệnh đã lây sang F3

Nhận định diễn biến mới về các ca bệnh và lây nhiễm, ông Khuê cho biết, ca bệnh thứ 15 tại Việt Nam, ca thứ 10 tại Vĩnh Phúc là tình huống lây từ bà ngoại sang cháu, mà trước đó, bà ngoại lây từ con gái từ Vũ Hán trở về.
''Như vậy, ta thấy đường lây và tính chất lây giữa các ca bệnh đã có diễn biến mới là lây bà - cháu, cho thấy dịch đã lây lan đến F3, là cháu bé mới 3 tháng tuổi'’, ông Khuê lưu ý.

Hiện bệnh nhân mắc virus Corona đã đủ các loại hình: từ người cao tuổi, đến nam thanh niên, nữ thanh niên, và cả bệnh nhi.

Các vùng miền có người bệnh điều trị thì cũng đã có bệnh nhân nhiễm virus Corona ra viện, chứng tỏ cố gắng của các bệnh viện được phân công đón người bệnh nhiễm virus Corona và bệnh viện của chúng ta đủ năng lực điều trị ca bệnh.

Bệnh viện tuyến huyện đủ năng lực cách ly điều trị ca bệnh nCoV

Ảnh TUẤN DŨNG

Theo ông Khuê, Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm với 700 điểm cầu sau các ca bệnh đầu tiên. Trong đó, có một số vấn đề rút kinh nghiệm chung, mà quan trọng vẫn là cần thu dung ca bệnh với mục tiêu phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong, đặc biệt là không có lây nghiễm chéo bệnh nhân - bệnh nhân; bệnh nhân - thầy thuốc, cũng như bệnh nhân, thầy thuốc với cộng đồng.

Ông Khuê cũng lưu ý nhiều bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, cần hỗ trợ của hệ thống giám sát để phát hiện sớm, đưa về trung tâm y tế huyện cách ly sớm. Tại y tế huyện, với hỗ trợ của phản ứng nhanh, việc điều trị hiện rất hiệu quả. Các bệnh viện được phân công đón bệnh nhân điều trị đều đã có bệnh nhân ra viện (tại TP.HCM, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nội).

Theo ông Khuê, Vĩnh Phúc là tâm dịch thì chưa bệnh nhân nào phải về bệnh viện tỉnh. Nay các bệnh nhân đều ổn định. Người dì và hàng xóm bị nhiễm virus Corona từ ca bệnh về từ Vũ Hán hiện nay đều đang sức khỏe bình thường và sẽ sớm ra viện trong thời gian ngắn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.