Bệnh nhân suýt tử vong do nhiễm nấm hậu Covid-19: 'Tôi tưởng đau đầu vài hôm khỏi'

Lê Cầm
Lê Cầm
11/07/2022 16:36 GMT+7

Chị T.L, 43 tuổi, ở TP.HCM bị nhiễm Covid-19 từ tháng 11.2021, sau nhiễm 3 ngày thì đau răng đi khám thì bệnh chuyển sang hàm, lên trán, thái dương.

Tưởng đau răng nhưng càng khám càng phát hiện bệnh nguy hiểm

Chị T.L cho biết, sau khi nhiễm Covid-19 khoảng 3 ngày thì thấy đau răng, tuy nhiên đang trong thời gian cách ly nên chị cố gắng đến 10 ngày mới đi khám răng tại một bệnh viện ở TP.HCM. Lúc đó mặt sưng, răng đau, bác sĩ chẩn đoán chị L. bị viêm tủy nên cho uống thuốc điều trị tủy. Chị L. ra vào bệnh viện khám suốt 2 tháng.

Bệnh nhân L. đã hồi phục

L.C

Sau khi uống thuốc thì răng không còn đau nhưng mặt vẫn sưng, nên chị L. được chuyển qua khoa Tai Mũi Họng khám, bác sĩ chẩn đoán xoang hốc mặt. Tuy nhiên uống thuốc vẫn không khỏi, một tháng sau chị L. mổ xoang.

Sau một tuần mặt vẫn sưng, bác sĩ cho biết xoang chị L. đã khỏi nhưng bị sưng hàm trên nên chuyển sang bệnh viện chuyên Răng Hàm Mặt tiếp tục khám. Tại đây, bác sĩ chụp CT cho thấy chị L. bị áp xe hàm, kê thuốc uống không hết, tình trạng bệnh nặng hơn, lan dần lên thái dương, bệnh nhân được giới thiệu qua Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị.

Chị L. cho biết, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, PGS-TS Trần Minh Trường, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Phó chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam, giải thích cho tôi biết đây là căn bệnh lạ, chưa có phác đồ nhưng trước mắt phải mổ, nếu không sẽ tử vong, còn khả năng thành công sau mổ chưa nói trước được, bệnh nhân cần chuẩn bị tinh thần.

"Nghe xong, tôi cũng suy sụp lắm, mà mới 6 tháng bệnh đã "ăn" lên tới tận thái dương vậy rồi, có về cũng chết nên quyết định mổ, trông chờ vào bác sĩ", chị L. nói.

Xuất hiện nhiều triệu chứng quái ác trên bệnh nhân từng nhiễm Covid-19

"Khám mới biết mủ lên tới não"

Là một trong 3 bệnh nhân may mắn thoát khỏi tử thần, bà N.T.H (63 tuổi, ở Khánh Hòa) nhớ lại ngày 16.12 năm 2021 (âm lịch), bà choáng váng không thấy đường, ở nhà mướn xe vào bệnh viện ở Nha Trang nhập viện, cấp cứu. Tại đây bà hôn mê 5 ngày, dương tính Covid-19 được chuyển lên Bệnh viện Nhiệt Đới Nha Trang. Sau khoảng hơn một tuần, ngày 27.12 bà xét nghiệm có kết quả âm tính và được xuất viện.

Về nhà nghỉ ngơi, đi lại thì được nhưng hơi yếu. Mấy tháng sau thấy người khỏe đi tái khám thì phát hiện viêm mũi. Đi khám ở một bệnh viện tại Nha Trang, sau đó chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy mổ.

"Ban đầu cứ tưởng đau đầu bình thường, 5-10 ngày hết đau nên không biết nó ăn dần trong xương, rốt cuộc khám mới biết mủ lên tới não", bà H kể lại.

Tương tự bệnh nhân P.T.H (62 tuổi, ở Tây Ninh) cho biết bà bị mắc Covid-19 vào tháng 12.2021. Tháng 2.2022, bà bị đau đầu, sưng mặt trái và được phẫu thuật xoang tại bệnh viện ở Củ Chi.

"Đầu tiên nó đau cái đầu bên này, đau kinh khủng, qua bệnh viện tư ở Củ Chi mổ, đâu khoảng tháng mấy nó đau bên này nữa, bác sĩ chuyển sang Chợ Rẫy điều trị, tiếp tục phẫu thuật. Bên kia lúc phẫu thuật có nhổ 7 cái răng, bên này thêm 3-4 cái nữa, gần hết hàm", bà H. nói.

Thoát chết nhờ phẫu thuật sớm

Ngày 11.7, BS Trần Anh Bích, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết 2 tháng gần đây, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 11 ca viêm xoang - viêm hoại tử xương vùng hàm mặt và xương sọ mặt do nấm Candida, Aspergilus và vi trùng. Các bệnh nhân có triệu chứng gần giống nhau như đau đầu, nghẹt mũi, sưng mặt, mắt, có tiền căn nhiễm Covid-19. Bệnh diễn tiến nặng, chụp CT scan, MRI có tổn thương lan rộng xoang sọ hàm mặt. Trong đó có 2 ca tử vong, 3 ca thành công đã được xuất viện.

PGS-TS Trần Minh Trường cho biết, phim chụp các bệnh nhân rất xấu, có mủ ở màng não, hoại tử tủy xương, tình trạng viêm nhiễm nặng, tiên lượng tử vong giống 2 bệnh nhân trước đó nếu kéo dài thêm vài tuần nữa.

"Mặc dù tại thời điểm phẫu thuật, sức khỏe các bệnh nhân vẫn bình thường, tuy nhiên nếu kéo dài thêm, không mở bỏ các phần xương sọ hoại tử, tình trạng mủ, viêm nhiễm tiến triển, có thể là làm thủng não, gây tử vong", bác sĩ Trường chia sẻ.

Qua hội chẩn và phối hợp nhiều chuyên khoa từ Tai Mũi Họng, Ngoại Thần kinh, khoa Nhiễm, Hồi Sức... các bác sĩ quyết định phẫu thuật sớm cho 3 bệnh nhân.

Ba bệnh nhân hiện sức khỏe đã ổn định

Lê Cầm

Cả ba bệnh nhân đều đã được phẫu thuật làm sạch xoang hàm, loại bỏ các phần xương bị hoại tử, làm sạch các phần viêm, điều trị kháng sinh đồ và cấy nấm. Hiện sức khỏe 3 bệnh nhân đã ổn định.

Bệnh hiếm gặp, chưa có phác đồ điều trị

TS-BS Nguyễn Ngọc Khang, Phó khoa Ngoại Thần kinh, cho biết do bệnh còn mới nên khi nhập viện các bác sĩ chưa chẩn đoán được. Tuy nhiên bệnh nhân điều trị xuất viện về quay lại nặng hơn, nhận thấy bất thường bệnh viện quyết định hội chẩn nhiều khoa, nhiều lần mới đưa ra thống nhất mổ sớm để giải quyết viêm nhiễm cho bệnh nhân.

"Cũng có nhiều vấn đề trăn trở đặt ra, nếu xương sọ mổ cắt hết đi thì tạo lại xương sọ hay để một thời gian rồi mới tạo sọ cho bệnh nhân. Lấy xương sọ trước thì lấy cái gì đỡ não cho bệnh nhân nhưng để thì viêm màng não bệnh nhân chết sớm", bác sĩ Khang chia sẻ.

Tuy nhiên sau những lúng túng, băn khoăn, ê kíp giải quyết từng ca thấy khả quan. Tình trạng viêm dừng hẳn sau khi lấy ổ viêm, bệnh nhân được dùng kháng sinh để tiếp tục điều trị.

Bệnh có thể có mối liên hệ với Covid-19

BS Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, triệu chứng của các bệnh nhân trên chưa khẳng định nguyên nhân do Covid-19 hay không. Tuy nhiên trước đây bệnh hiếm gặp nhưng sau đợt dịch Covid-19 có đến 80 bài báo cáo trên thế giới mô tả căn bệnh này, số ca nhập viện tại Bệnh viên Chợ Rẫy cũng tăng.

BS Trường cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân là trong giai đoạn nhiễm Covid-19, bị đau ở vùng đầu, mắt, răng. Bệnh tiến triển kéo dài âm ỉ, không giảm, được chẩn đoán viêm xoang.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng như mắt sưng viêm mí mắt, sưng vùng sọ trán, hoại tử xương hàm, răng, xương khẩu cái dẫn đến khó nhai. Kết quả phim chụp cho thấy hoại tử nặng hốc mũi lan nhiều nền sọ.

"Có nhiều bệnh nhân nhìn răng và xương sọ bên ngoài rất đẹp nhưng nội soi vào bên trong thấy các xương bị chết từ trong tủy xương, xuất hiện nhiều ổ viêm nấm trong tủy nên theo lâm sàng, bác sĩ nghĩ nhiều đến khả năng tắc mạch máu nuôi sau nhiễm Covid-19, nhất là thể Detla", PGS Trường cho biết.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, các bệnh nhân bị hoại tử xương, tức xương chết dù vẫn sinh hoạt bình thường.

"Có nhiều nguyên nhân nhưng chính là do tắc mạch giảm máu nuôi tại chỗ là hay gặp nhất", bác sĩ lý giải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.