Bệnh sốt mò

06/11/2016 10:26 GMT+7

Hiếm được biết đến trong cộng đồng nhưng sốt mò có thể gây biến chứng viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong.

Nốt “chỉ điểm”
Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhân Đặng Văn T. (40 tuổi, trú tại xã Minh Hương, H.Hàm Yên) nhập viện do sốt cao. Gia đình cho biết trước khi nhập viện khoảng 1 tuần, anh T. đi rừng, bị côn trùng đốt một nốt ở vùng bẹn, vết đốt tấy đỏ và sưng đau hạch. Sau khoảng 2 ngày thì bệnh nhân bị sốt cao kèm đau đầu nhiều, buồn nôn, gia đình đưa anh đến Bệnh viện đa khoa H.Hàm Yên để điều trị trong 3 ngày, sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh.
Bác sĩ CKI Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có một nốt mò đốt ở vùng bẹn. Các kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân đã bị tổn thương gan cấp. Bệnh nhân được dùng các kháng sinh đặc hiệu, có đáp ứng điều trị: bớt đau đầu, giảm sốt.
Trước đó, ngày 24.10, bệnh viện này cũng đã tiếp nhận bệnh nhân Nông Văn D. (38 tuổi, trú tại H.Yên Sơn) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn. Trước nhập viện, bệnh nhân D. đã tự điều trị hạ sốt ở nhà nhưng không đỡ. Khi bệnh diễn biến nặng, anh D. được gia đình đưa đến bệnh viện tỉnh. Tại đây, các bác sĩ thăm khám phát hiện bệnh nhân có một nốt do mò đốt ở vai. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đã bị suy đa tạng. Mặc dù các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.
Cẩn trọng khi tiếp xúc môi trường
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mầm bệnh gây sốt mò là Orientia tsuisugamushi (cộng đồng thường gọi là con mò) sống ký sinh trong các tổ chức sống (loài gặm nhấm, thú nhỏ như chuột, sóc, cầy cáo...) gây ra. Bệnh truyền sang người do bị mò đốt. Thường xuất hiện ban đầu là vết phỏng hình tròn/bầu dục bằng hạt đỗ. Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4 - 5 ngày vỡ ra thành một nốt có vảy nâu nhạt hoặc sẫm, tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét. Người bệnh thường chỉ có một nốt đốt (rất hiếm có 2 - 3 nốt) ở vùng da mềm, ẩm, như bộ phận sinh dục, hậu môn, bẹn, nách, cổ... Tuy nhiên, đôi khi có thể bị mò đốt ở vị trí ít ngờ tới như trong vành rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt).

tin liên quan

Cứu sống bệnh nhân nữ bị sốt mò hiếm gặp
Ngày 19.8, TS-BS Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (H.Củ Chi, TP.HCM), cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân Phan Thị N. (53 tuổi, Tây Ninh) vì bị đau đầu, sốt cao liên tục 4 ngày không rõ nguyên nhân.
 
Cục Y tế dự phòng cho hay các năm gần đây, sốt mò ghi nhận tại một số tỉnh phía bắc. Mò và ấu trùng mò thích nghi ở nơi ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi có bụi rậm và cây thấp. Người có thể bị đốt trong các điều kiện như sinh hoạt lao động trong ổ dịch; phát rẫy làm nương; đi dã ngoại; ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ...
Bệnh nhân có nốt loét không ngứa, không đau. Nhưng khu vực nốt loét thường nổi hạch. Hạch này hơi sưng và đau, không đỏ, di động. Sau đó xuất hiện hạch toàn thân sưng đau nhẹ hơn. Ngoài ra, bệnh nhân có biểu hiện: sốt cao liên tục, kéo dài 15 - 20 ngày thậm chí dài hơn (nếu không được điều trị), kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi cơ.
Các bác sĩ lưu ý, bệnh nhân có biểu hiện nghi ngờ cần đến cơ sở y tế khám, chẩn đoán chính xác. Sốt mò diễn biến nặng sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan, nguy hiểm tính mạng. Sốt mò xuất hiện quanh năm, nhưng chủ yếu vào mùa mưa tháng 4 - 11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.